Sự hình thành thung lũng Silicon: Công nghệ thống trị thế giới
Thung lũng Silicon thu hút tới hơn 50% tổng lượng vốn đầu tư mạo hiểm vào Mỹ và nắm giữ chìa khóa cho những cách tân về công nghệ trong tương lai. Tuy nhiên, lý do khiến vùng đất này trở thành trung tâm công nghệ thế giới có thể sẽ khiến bạn cảm thấy kinh ngạc.
Thung lũng Silicon là cái tên mà người ta ưu ái đặt cho vùng phía Nam vịnh San Francisco thuộc miền Bắc California, Mỹ. Nơi đây đóng vai trò như một chiếc cầu nối để tiếp cận đội ngũ kỹ sư trình độ cao, một nền văn hóa sẵn sàng chấp nhận rủi ro, các nhà đầu tư vốn mạo hiểm cùng nhiều trường đại học xuất sắc.
Thung lũng Silicon thu hút tới hơn 50% tổng lượng vốn đầu tư mạo hiểm vào Mỹ và nắm giữ chìa khóa cho những cách tân về công nghệ trong tương lai. Tuy nhiên, lý do khiến vùng đất này trở thành trung tâm công nghệ thế giới có thể sẽ khiến bạn cảm thấy kinh ngạc.
Tất cả bắt đầu từ một sự kiện xảy ra năm 1957. Thời điểm đó, người Mỹ cảm thấy choáng váng khi bị Nga đánh bại trong “cuộc chạy đua không gian” với việc phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới, Sputnik 1, vào vũ trụ. Sau đó không lâu, NASA được thành lập và cần nhiều thiết bị tiên tiến để phát triển, hướng tới mục tiêu lần đầu tiên đưa con người đặt chân lên mặt trăng. Nhằm đáp ứng nhu cầu đó, hãng sản xuất linh kiện điện tử Fairchild Semiconductor đã được thành lập tại vịnh San Francisco, ngay giữa thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Sự kiện trên là dấu mốc khiến nền văn hóa sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận rủi ro của thung lũng Silicon bùng nổ 5 thập kỷ trước. Nền văn hóa này đã thực sự định hình cuộc sống của chúng ta và ảnh hưởng của nó còn tiếp tục lan rộng, thậm chí mạnh mẽ hơn với sự trợ giúp từ công nghệ. Nếu không nhờ Sputnik, chúng ta sẽ không được chứng kiến những đột phá công nghệ vĩ đại bắt nguồn từ Fairchild Semiconductor và những ông lớn như Intel, AMD hay NVIDIA. Một nền công nghiệp phần cứng hưng thịnh ra đời. Lĩnh vực phần mềm và Internet cũng theo đó phát triển rực rỡ.
Những đột phá từ vịnh San Francisco đang thay đổi mọi thứ: Uber khuấy động nền công nghiệp taxi, Twitter khiến lĩnh vực truyền thông chao đảo còn Facebook thì phá vỡ cách thức giao tiếp truyền thống. Bất cứ ngành công nghiệp nào hiện nay chưa chịu tác động của công nghệ thì trong tương lai không xa, chúng ta gần như có thể chắc chắn rằng ngành này sẽ trải qua một cuộc cách mạng mới mà một phần là do những đột phá từ thung lũng Silicon.
Ví dụ như vận tải, ngành công nghiệp chưa thay đổi nhiều trong nửa thế kỷ trở lại đây nhưng đang trên đà được công nghệ hóa hoàn toàn. Những chiếc xe tự động, xe tự lái đã xuất hiện tại thung lũng Silicon và chỉ khoảng 5 năm nữa thôi, chúng có thể sẽ được phổ biến rộng rãi, thay đổi hoàn toàn cách chúng ta đi lại. Về lâu dài, đây còn là cú hích lớn tạo đà tăng trưởng kinh tế, giảm số lượng tai nạn nhờ công nghệ tự lái cảm ứng.
Cơ hội phát triển thương mại di động (mobile commerce) và giao tiếp di động (mobile communication) là vô hạn. Thử nghĩ mỗi người đều sở hữu một chiếc smartphone chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay nhưng lại có quyền năng còn lớn hơn mọi máy tính từng dùng để đưa con người lên mặt trăng, hay một đứa trẻ châu Phi cũng có thể tiếp cận thông tin còn nhanh hơn cả Bill Clinton những năm 1990! Những điều kỳ diệu đó giờ đây hoàn toàn có khả năng trở thành hiện thực.
Những công cụ giao tiếp mang tính cách mạng này giúp giám sát các cơ quan chính phủ, kích thích các cuộc cách mạng chính trị, cho phép những quốc gia không có hệ thống ngân hàng hiện đại có thể phát triển rực rỡ nhờ smartphone và Bitcoin. Nói ngắn gọn, sức mạnh khủng khiếp của công nghệ có thể, và sẽ, khuấy đảo mọi ngành công nghiệp trên toàn cầu.
Sẽ còn nhiều công ty mang tính cách tân ra đời tại vịnh San Francisco trong thập kỷ tới, thúc đẩy công nghệ Internet hóa mọi thứ (IoT) hoặc tạo một đột phá hoàn toàn mới, đúng như phong cách thường thấy của thung lũng Silicon.
Những khu vực khác từng cố gắng cạnh tranh với thung lũng Silicon đều không mấy thành công. Kỹ năng công nghệ của nơi này không chỉ có được nhờ vào những bộ óc siêu việt hay các ngôi trường chất lượng cao như Stanford và UC Berkeley. Vì nếu vậy, Đại học Oxford hay Cambridge đã giúp London trở thành một trung tâm công nghệ nổi tiếng.
Thung lũng Silicon là cái nôi công nghệ phong phú đã phát triển hơn 50 năm. Đây là sản phẩm từ cuộc cạnh tranh bắt nguồn từ vệ tinh Sputnik, một sự phục hưng trong những năm 1960 với văn hóa cởi mở, mạo hiểm mà thất bại là điều chấp nhận được. Thung lũng Silicon không thể bị sao chép ở bất cứ nơi nào khác, nhưng những ảnh hưởng từ sự đột phá mà vùng đất này đem lại sẽ tiếp tục lan rộng trên toàn thế giới.
>> Những bức ảnh hiếm của thung lũng Silicon từ thời còn hoang sơ
Thu Thảo