[Q&A] Làm sao để sống sót khi xảy ra hỏa hoạn?
Hầu như năm nào cũng thế, cứ vào mùa lạnh khô - là các đám cháy lại bùng lên. Và hậu quả lúc nào cũng thảm thương và khủng khiếp.
Nhưng tại sao xã hội, kinh tế càng phát triển, hạ tầng ngày càng tiến bộ mà hậu quả cháy vẫn ngày càng tăng?
Tác giả bài viết đã từng có thời gian được tập huấn và tham gia công tác đảm bảo an toàn (kể cả an toàn cháy nổ) cho một Tập đoàn lớn ở Việt Nam. Thông tin chi tiết về Công ty tác giả từng làm việc không được tiết lộ để đảm bảo riêng tư cá nhân.
Các đám cháy thường xảy ra ở đâu?
Dễ dàng nhận thấy, các vụ cháy trong khu dân cư tập trung chủ yếu ở những nơi kinh doanh các mặt hàng dễ cháy: vải vóc, bông chăn, quần áo, nội thất gỗ, hoá chất, xe và có chứa xăng dầu; hoặc nơi tập trung đông người nhưng có sở hữu các vật liệu dễ cháy: karaoke, cafe, nhà hàng... Tất nhiên, các khu dân cư cũng là địa điểm dễ phát sinh cháy do bất cẩn của người dân.
Nguyên nhân khiến các đám cháy trở nên nghiêm trọng là gì?
Các nguyên nhân khiến các đám cháy trở nên nghiêm trọng và gây thiệt hại lớn chủ yếu gồm:
- Cơ sở thiếu hệ thống Phòng cháy chữa cháy (PCCC) hoặc hệ thống PCCC hoạt động không hiệu quả, thiếu phương tiện xử lý cháy và xử lý tình huống khẩn cấp
- Không có lối thoát hiểm hoặc lối thoát hiểm không đảm bảo khả năng di tản khẩn cấp.
- Vị trí gây cháy khó tiếp cận để Chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn.
Làm sao để phòng thân trước "bà hỏa"?
Để giảm thiểu hệ quả của thảm họa và tăng nguy cơ sống sót, dưới góc độ Quản lý và kiểm soát rủi ro cá nhân cần chủ động thực hiện các biện pháp:
- Triệt tiêu rủi ro (Eliminate): Không đi đến các nơi đông người, có sở hữu vật liệu dễ bắt cháy.
- Tuy nhiên không thể nào tránh né được, nên chúng ta có biện pháp thứ hai: tạm gọi là Đề phòng và giảm nhẹ hậu quả (Mitigate). Với biện pháp này áp dụng cho từng cá nhân, tôi đề xuất như sau:
Khi đến các cơ sở có sở hữu vật liệu dễ cháy:
- Quan sát xung quanh và xác định ngay lối đi có thể thoát hiểm nhanh nhất trong tình huống khẩn cấp. Xem xét lối đi và lối thoát hiểm của cơ sở có đang bị chặn lại bởi các vật dụng hoặc phương tiện khác hay không (ví dụ các điểm karaoke nhỏ thường không có chỗ để xe nên sẽ để xe trước cửa.)
- Tuyệt đối không sử dụng lửa trần (hút thuốc, thi công tạo tia lửa: hàn, cắt kim loại). Đối với nơi đang có thi công (hàn, cắt, xây dựng, sửa chữa) nên hạn chế đi vào. Vụ cháy thảm hoạ ITC ngày xưa cũng là do thi công hàn không đúng tiêu chuẩn an toàn.
- Xem xét hệ thống điện: điện có rối không, có sử dụng dây trần không (nguyên tắc điện an toàn: không để trần dây, không có bọc nhựa, các kết nối điện chỉ dùng băng keo điện là hoàn toàn không an toàn).
Khi phát hiện cháy, cần làm gì trước tiên?
Trong tình huống bạn phát hiện cháy, phải sử dụng ngay các phương tiện báo động:
Nút nhấn khẩn cấp. Có nhiều loại:
- Break glass: loại nút nhấn được che bằng một miếng kính trong suốt, chỉ cần dùng tay thành nắm đấm, đấm mạnh vào tấm kính đó là chuông báo cháy sẽ kêu vang.
- Loại nút dùng thẻ: Rút thẻ ngay trên nút bấm thì chuông báo khẩn cấp sẽ kêu.
- Loại bấm bình thường.
Nếu khu vực không có nút khẩn cấp: hô hoán thật lớn, bằng mọi thứ có thể tạo âm thanh. Sau khi báo cháy cho khu vực và cơ sở, nhanh chóng sử dụng điện thoại gọi ngay số điện thoại khẩn cấp.
- Nếu trong tình huống bất khả kháng thì buộc phải thoát hiểm nhanh.
Nguyên tắc đầu tiên trong thoát hiểm là NHANH. Điều này có nghĩa là bạn phải bỏ lại tất cả các vật dụng mang theo (balo, túi xách…). Mất tiền đỡ hơn mất mạng.
Hiện nay ở một số công trình đang sử dụng các loại cửa thoát hiểm nhanh. Loại cửa này bằng thép và trên cửa không có tay nắm xoay cửa. Để thoát hiểm qua cửa chỉ cần đi thẳngvà dùng tay hoặc thân người đè nhanh và vừa đủ lực vào thanh ngang giữa cửa.
(* Tiêu chuẩn cửa thoát hiểm là có thể chịu cháy, không khoá, có thể mở nhanh từ bên trong.)
Nếu đám cháy đã có khói, lại ở nơi tập trung đông người, làm thế nào để thoát thân an toàn?
Trong trường hợp đám cháy đã bắt đầu có khói (nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tử vong): dùng khăn, áo, thấm nước càng tốt, quấn quanh vùng hô hấp (mũi miệng) và cúi thấp người xuống di chuyển theo lối thoát hiểm đã xác định ban đầu.
Lưu ý khi thoát hiểm dù phải nhanh nhưng cũng không được chen chúc giẫm đạp, nam giới phải nhường phụ nữ, trẻ em và người lớn tuổi. Đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn giúp đỡ người đang ngất hoặc khủng hoảng thoát hiểm.
Trên đường thoát hiểm nếu đánh giá tình hình có thể sơ tán được các vật dụng gây cháy (thùng giấy, bia rượu, xe cộ có chứa xăng, v.v…) thì hỗ trợ, nếu đánh giá không thể được hoặc ảnh hưởng việc thoát hiểm thì bỏ qua.
Khi ra được bên ngoài, phải nhanh chóng sơ tán đám đông tụ tập hiếu kỳ đang ở ngoài. Việc này làm tăng không gian thoát hiểm và tạo không gian để đội PCCC đến làm việc, đồng thời có không gian sơ cứu nạn nhân đang bị ngạt. Hỗ trợ người dân xung quanh thoát hiểm và sơ tán. Người dân Việt Nam có thói quen không nhường đường cho các phương tiện cứu hộ khẩn cấp và đồng thời đứng chặn lối đi.
>> Chuyện lạ: Xe thang cứu hỏa triệu đô ở Việt Nam, 14 năm chữa cháy 1 lần
An Nguyễn