Chuyện lạ: Xe thang cứu hỏa triệu đô ở Việt Nam, 14 năm chữa cháy 1 lần

14/11/2013 12:04 PM |

Xe quá cao, quá nặng, lại tốn tiền sửa chữa và bảo dưỡng.

Nội dung nổi bật:

- Chiếc xe thang 72m chuyên dùng cho chữa cháy và cứu hộ thuộc loại cao nhất và duy nhất ở VN hiện nay với chi phí nhập khẩu hơn 1 triệu USD. 

- Vụ cháy duy nhất mà chiếc xe thang này được điều đến hiện trường nhưng lại không vươn thang được, do nhà quá thấp so với xe, không đảm bảo kỹ thuật khi vươn thang. 

- Xe có tải trọng quá lớn, không thể đi qua các cầu hiện có ở TPHCM, chi phí mỗi lần sửa hơn 10.000 - 12.000 euro. 

- Chưa kể những hỏng hóc lặt vặt khác cũng phải tốn hàng trăm triệu đồng để sửa chữa. Hiện nay chiếc xe cũng mang nhiều hư hỏng, không dám sử dụng vì lý do an toàn.



Chiếc xe thang 72m chuyên dùng cho chữa cháy và cứu hộ thuộc loại cao nhất và duy nhất ở VN hiện nay với chi phí nhập khẩu hơn 1 triệu USD. Khoảng 14 năm nay, chiếc xe chỉ lăn bánh cứu chữa trong một vụ cháy...

Chiếc xe nói trên được nhập khẩu về TP.HCM thời gian 1998-1999. Theo các thông số kỹ thuật của xe, đây là loại xe thang gấp khúc với tầm hoạt động cao tối đa 72m (tầm các tòa nhà 22 tầng). Giỏ thang cứu người có thể mang được khoảng bảy người trong một lần nâng lên hạ xuống.

Không vươn thang được

Vụ cháy Trung tâm thương mại quốc tế ITC (Q.1) xảy ra hồi cuối tháng 10-2002 làm 60 người chết, 70 người bị thương là vụ cháy duy nhất mà chiếc xe thang này tham gia cứu chữa.

Trung tâm thương mại quốc tế ITC xưa kia là tòa nhà thấp, sáu tầng lầu. Hai con đường (Nguyễn Trung Trực và Nam Kỳ Khởi Nghĩa) chạy dọc bên hông tòa nhà này khá hẹp. 

Theo các cơ quan chuyên môn, với đặc điểm địa hình như vậy (tòa nhà thấp, đường hẹp), chiếc xe thang 72m được điều đến hiện trường vụ cháy nhưng không vươn thang được, không đảm bảo kỹ thuật khi vươn thang. 

Ngoài việc có mặt tại vụ cháy duy nhất vừa nêu, chiếc xe thang 72m cũng chỉ tham gia vài lần thực tập ở một số tòa nhà cao tầng tại khu vực trung tâm TP. Trong khi đó, sức nặng của xe khoảng 47-48 tấn, cồng kềnh nên không dám đi qua cầu, phà... Do vậy, hoạt động của chiếc xe chỉ giới hạn trong một số tuyến đường ở trung tâm TP.

Một cán bộ thuộc Sở Giao thông vận tải TP cho biết thời gian gần đây đã tiến hành cải tạo nâng cấp nhiều cây cầu trên địa bàn TP theo hướng đáp ứng xe có trọng tải lớn. Tuy nhiên, trên địa bàn TP vẫn còn hàng loạt cây cầu có tải trọng dưới 30 tấn. Vì vậy, khả năng xe nặng đến 47-48 tấn là không an toàn. 

Cụ thể, trục đường Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ... nơi tập trung nhiều tòa nhà cao tầng nhưng trên các tuyến đường này đều có nhiều cây cầu có tải trọng 20-30 tấn. 

Ví dụ, dưới chân cầu Điện Biên Phủ, Văn Thánh 1, cầu Sơn (Q.Bình Thạnh) có biển thông báo khả năng chịu tải tối đa của cầu chỉ 25 tấn. Cầu Thị Nghè nối Q.Bình Thạnh và Q.1 cũng chỉ chịu được tải trọng tối đa 20 tấn, cầu Văn Thánh 2 là 30 tấn.

Mặc dù vậy, ngân sách nhà nước lại gánh nặng chi phí “chăm sóc” chiếc xe hằng năm. Lý do chiếc xe thường xuyên “trở bệnh” và mỗi lần “thăm khám” phải mời chuyên gia nước ngoài rất tốn kém, chi phí mỗi lần sửa hơn 10.000-12.000 euro. Chưa kể những hỏng hóc lặt vặt khác cũng phải tốn hàng trăm triệu đồng để sửa chữa. Hiện nay chiếc xe cũng mang nhiều hư hỏng, không dám sử dụng vì lý do an toàn.

Mua thêm xe chữa cháy

Ngày 9-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân chính thức chấp thuận chủ trương cho phép Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy lập đề án đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị xe chuyên dụng điều khiển tự động chữa cháy đa năng và phá dỡ công trình, xe chuyên dụng xử lý độc hại môi trường cháy.




kyanh

Cùng chuyên mục
XEM