Google sẽ thay Intel tài trợ chương trình tìm kiếm tài năng khoa học tại Mỹ?

14/09/2015 19:30 PM | Công nghệ

Mới đây nhà sản xuất bán dẫn lớn thế giới này đã thông báo rằng họ sẽ ngưng tài trợ cuộc thi lâu đời và uy tín nhất về toán và khoa học dành cho học sinh trung học nước Mỹ.

Mới đây nhà sản xuất bán dẫn lớn thế giới này đã thông báo rằng họ sẽ ngưng tài trợ cuộc thi lâu đời và uy tín nhất về toán và khoa học dành cho học sinh trung học nước Mỹ. Quyết định trên khiến không ít người tiếc nuối vì các thí sinh trong cuộc thi này là những người sau này mang về cho nước Mỹ thêm 8 giải Nobel, vô số người khác trở thành các vị trí CEO lừng danh, hay giáo sư đại học và những nhà khoa học hàng đầu trên thế giới.

Suốt nhiều năm, giải thưởng này, vốn tập trung vào 4 lĩnh vực: khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học – luôn là đề tài được quan tâm của giới truyền thông và là dấu chỉ quan trọng về tính cạnh tranh ở mảng giáo dục và những ưu tiên cấp quốc gia của Mỹ.

Cuộc thi này được bắt đầu từ năm 1942 bằng một đề tài “Làm thế nào khoa học có thể giúp chiến thắng được chiến tranh?”. Cậu nam sinh chiến thắng trong cuộc thi đó, được gọi là Top Boy, chính là người đã phát triển ra quả thận nhân tạo sau này. Còn cô nữ sinh chiến thắng trong cuộc thi đó, được gọi là Top Girl, trở thành một bác sĩ nhãn khoa.

“Khi tôi trở thành một trong những người được lọt vào chung kết năm 1961- thời ấy được gọi là thời đại Sputnik vì Mỹ và Nga đang cạnh tranh nhau để bay vào vũ trụ - mọi người tung hô chúng tôi như các ngôi sao thể thao. Tôi còn nhận được cả thư chúc mừng từ những người đứng đầu các tập đoàn lớn,” Mary Sue Coleman, cựu chủ tịch đại học Michigan, và là thành viên của ban giám đốc hiệp hội khoa học Mỹ, bồi hồi nhớ lại.

Ngưng tài trợ cho cuộc thi danh tiếng này là một quyết định khó hiểu đối với Intel vì cả cuộc thi chỉ tốn khoảng 6 triệu USD/năm, tính ra chỉ xấp xỉ 0,01% so với doanh với doanh thu 55,6 tỉ USD trong năm ngoái của gã khổng lồ này. Nên nhớ rằng Intel cũng đã tăng quy mô giải thưởng lên, với hơn 1,6 triệu USD hàng năm dành cho các học sinh và trường học, so với 207.000 USD khi họ bắt đầu tài trợ vào năm 1998.

Craig Barrett, cựu CEO của Intel và hiện là thành viên ban giám đốc của hiệp hội khoa học Mỹ, cho biết ông “rất ngạc nhiên và hơi thất vọng” trước quyết định của Intel. “Đó là một cuộc thi tuyệt vời dành cho giới trẻ và công nghệ. Nhưng có vẻ như giờ đây Intel quan tâm đến những thứ mang tính ứng dụng như Maker Faire (một sự kiện dành cho các dự án kĩ thuật “cây nhà lá vườn” cho mọi lứa tuổi) hơn,” Barrett nói.

Phải chăng cuộc thi này đã đánh mất uy tín của mình? Có lẽ là không vì suốt một thập niên qua số lượng ứng dụng thu được từ cuộc thi vẫn đều đặn đạt mức 1.800 ứng dụng/năm. Và mới tháng 3 năm nay, tổng thống Obama còn có một buổi gặp mặt các thí sinh lọt vào chung kết ngay tại Nhà trắng.

Gail Dudas, phát ngôn viên của Intel, cũng không thể giải thích vì sao họ sẽ kết thúc việc tài trợ. Tuy nhiên, cô nói rằng dù công ty mình đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi sang những thiết bị tính toán di động, nhưng vẫn là một trong những tên tuổi có tầm ảnh hưởng nhất trong giới công nghệ và rất tự hào về những gì họ đã đóng góp cho cuộc thi này.

Cuộc thi tìm kiếm tài năng này dành cho tất cả các học sinh cuối cấp ở bậc trung học ở Mỹ hoặc các vùng lãnh thổ của Mỹ. Sau đó ban giám khảo sẽ chọn ra 300 thí sinh vào bán kết và tiếp tục chọn ra 40 người vào chung kết.

Những người từng vào chung kết trước đây có cả Ray Kurzweil, một tác gia nổi tiếng và hiện là giám đốc kĩ thuật của Google, Brian Greene, một cây bút viết về khoa học thuộc hàng bán chạy nhất, và Thomas Leighton, CEO của Akamai, một công ty chuyên về Internet, và hiện cũng là thành viên của hiệp hội khoa học Mỹ.

Các thí sinh lọt vào chung kết sẽ đến Washington trình bày về nghiên cứu của mình, gặp gỡ các quan chức chính phủ và một số lãnh đạo của các công ty tư nhân. Sau đó, các giám khảo sẽ đánh giá dự án của các em và trao giải. 9 giải thưởng cao nhất năm 2015 có giá trị từ 35.000 – 150.000 USD. Đặc biệt, trong năm nay Intel đã trao đến 3 giải nhất nhằm vinh danh sự đa dạng trong các nghiên cứu.

“Họ là đối tác tuyệt vời suốt gần 20 năm qua, nhưng những ưu tiên của họ đã thay đổi,” Maya Ajmera, chủ tịch hiệp hộ khoa học Mỹ, tỏ ý tiếc rẻ. Với những học sinh thắng cuộc trong thời gian gần đây, ngoài lợi ích được quảng bá tên tuổi công ty, Intel còn phải dạy cho các ngôi sao trẻ này thêm nhiều thứ về công ty mình. “Họ cho chúng tôi xem những gì họ đang làm với công nghệ đeo (wearable) và học bằng máy (một dạng của trí thông minh nhân tạo). Trước đó tôi không biết được nhiều về Intel,” Noah Golowich, người từng đoạt giải của Intel và hiện đang là sinh viên năm nhất tại đại học Harvard, chia sẻ.

Bà Ajmera cho biết hiệp hội của bà sẽ bắt đầu tìm kiếm nhà tài trợ mới trong tuần này. “Chúng tôi tự hào đã phát hiện ra hàng ngàn nhà lãnh đạo tài năng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và hi vọng rằng chúng tôi sẽ tiếp tục làm được như thế trong tương lai,” bà nói. Những thành viên khác trong hiệp hội thì tin rằng nhờ sức hút của cuộc thi này họ sẽ sớm tìm được nhà tại trợ khác, mà Google có lẽ là ứng viên sáng giá nhất. “Chi phí cho cuộc thi này rõ ràng là không đáng kể lắm đối với họ,” một thành viên cho biết.

Intel đã thông báo quyết định tạm ngưng của mình cách đây 18 tháng, và họ sẽ tiếp tục tài trợ cuộc thi cho đến hết năm 2017, theo như một hợp đồng trước đây.

Intel cũng sẽ tiếp tục tài trợ cho một cuộc thi tìm kiếm tài năng khác dành cho sinh viên quốc tế ít nhất đến hết năm 2019.

“Những mối quan tâm của Intel đã thay đổi nhưng chúng tôi vẫn nghĩ rằng đây là một giải thưởng rất hấp dẫn đối với một số doanh nghiệp. Nó vẫn thật sự rất quan trọng đối với nước Mỹ,” bà Coleman nói với vẻ đầy tự tin.

Lê Thanh Hải

Cùng chuyên mục
XEM