Giải pháp công nghệ cần-phải-có những ngày mất điện
Chỉ với khoảng ba triệu đồng, bạn đã có thể tậu cho mình một loạt phụ kiện, thiết bị công nghệ rất hữu ích cho những ngày thiếu điện.
Không chỉ phải hứng chịu nhiệt độ lên tới gần 50 độ C, những ngày qua cư dân Hà Nội còn phải sống chung với cảnh… mất điện. Không chỉ gây khó khăn cho cuộc sống, tình trạng này còn ảnh hưởng tới công việc của không ít người. Chúng tôi xin được giới thiệu qua một vài giải pháp sống còn cho những ngày thiếu điện.
Bộ lưu điện, pin dự phòng:
Với những người làm việc online, mất điện đồng nghĩa với công việc bị gián đoạn bởi các thiết bị modem, router khi đó đều trở thành vô dụng. Nhưng đừng lo, với giải pháp “tự chế” của chúng tôi, bạn sẽ sẵn sàng online trở lại chỉ với một viên pin dự phòng và chút ít kiến thức về điện. Tham khảo thêm về giải pháp thú vị này tại đây .
Trong trường hợp không muốn mạo hiểm với dây rợ, thiết bị lưu điện (UPS) là một giải pháp chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên so với giải pháp nêu trên, các bộ lưu điện UPS trên thị trường hiện tại đều có giá bán không hề rẻ, đơn vị tính bằng triệu đồng. Tuy nhiên, lợi ích mà nhóm thiết bị này mang lại là công suất cao hơn, thời gian sử dụng lâu hơn và quan trọng có có thể dùng với mọi thiết bị điện gia dụng có ổ cắm AC. Ngoài ra, một số dòng UPS cao cấp cũng đảm bảo an toàn hơn, hạn chế tối đa các trường hợp cháy nổ.
Đối với những thiết bị di động, pin dự phòng là phụ kiện không thể thiếu cho những ngày này. Giá thành của dòng sản phẩm này đang ngày càng rẻ hơn, khi chúng ta có thể mua một viên pin dự phòng dung lượng lên tới 10.000 mAh chỉ với giá khoảng 300.000 đồng.
Một số thương hiệu pin dự phòng tin cậy có thể kể tới như Anker, Pisen hay Xiaomi. Ngoài ra, đã xuất hiện các mẫu pin dự phòng có thể ổ cắm điện AC, giúp sạc cả máy tính xách tay như ChargeTech nhưng vẫn chưa phổ biến và giá bán còn khá cao, lên tới hàng triệu đồng.
Đèn pin, đèn sạc:
Dấu hiện nhận biết mất điện phổ biến nhất có lẽ là bỗng nhiên mọi thứ trong nhà tối sầm lại. Khi đó, giải pháp hợp lý nhất là sử dụng các loại đèn pin, đèn sạc. Nếu như chỉ cần một nguồn sáng nhỏ thì đèn pin Mi LED của Xiaomi là một lựa chọn tối ưu, khi chỉ cần nguồn điện từ kết nối USB.
Tuy nhiên, phụ kiện này đã xuất hiện rất nhiều hàng nhái, hàng giả và không đảm bảo an toàn. Một lưu ý nữa là chiếc đèn này sẽ tỏa nhiệt khá nhiều nếu sử dụng lâu.
Bên cạnh đèn pin sử dụng USB, bạn đọc có thể tìm mua một số dòng đèn sạc. Schneider Electric mới đây đã hé lộ dòng sản phẩm Mobiya với thiết kế, tính năng hướng đến các khu vực chưa có điện lưới. Do đó, chiếc đèn sạc này sử dụng nguồn điện từ bộ sạc năng lượng mặt trời, và có thêm khả năng chống nước IP65.
Ngoài ra, người dùng cũng có thể sử dụng chiếc đèn này như pin dự phòng trong trường hợp khẩn cấp, do Mobiya có tích hợp kết nối USB. Theo thông tin từ Schneider Electric, bộ đèn sạc này dự kiến sẽ có giá bán vào khoảng 1 triệu đồng nhưng chưa rõ thời điểm ra mắt chính thức.
Gió mát:
Không có điện, các thiết bị quạt hay điều hòa cũng sẽ trở nên tê liệt. Nếu không chịu nổi cái nóng, tốt nhất bạn nên tậu cho mình một chiếc quạt USB. Hiện tại phụ kiện này có rất nhiều mẫu mã để lựa chọn, và giá cả cũng không quá cao, chỉ vài chục nghìn tới vài trăm nghìn đồng. Ngoài ra, đã xuất hiện một số loại… điều hòa dùng USB sử dụng khay đá hoặc nước, nhưng chất lượng và khả năng làm mát chưa được kiểm chứng.
Loa không dây:
Thường khi mất điện thì con người ta sẽ.. chán. Khi đó, tại sao không thưởng thức vài giai điệu quen thuộc với một chiếc loa không dây. Trên thị trường hiện nay, một số dòng loa không dây nhỏ gọn, mang thương hiệu tên tuổi như JBL, X-Mini có giá bán từ khoảng 1 triệu đồng trở lên là đã đủ cho nhu cầu giải trí những ngày mất điện.
Một số dòng loa của Braven, Logitech thậm chí còn có khả năng chống nước, giúp chúng ta có thể vừa nghe nhạc, vừa... tắm để tránh nóng.
Tổng kết:
Với chi phí tổng cộng vào khoảng 3 triệu đồng, bạn đọc đã có thể sắm cho mình tất cả các phụ kiện kể trên. Tuy nhiên, nếu chịu khó đầu tư hơn, trải nghiệm “công nghệ” những ngày thiếu điện sẽ càng tuyệt vời hơn nữa.