Có một Nhật Bản rất cổ hủ và ‘low-tech’
Những phòng công nghệ thông tin Nhật Bản thường được cho là cổ hủ và ghét việc kết nối máy tính của họ với thế giới bên ngoài. Họ sợ dữ liệu bị đánh cắp hoặc bị hack.
Nhật Bản nổi tiếng là quê hương của robot và những thiết bị công nghệ cao. Đây là quốc gia đi tiên phong trong lĩnh vực đổi mới sản xuất. Tuy nhiên, công nghệ thực sự sử dụng trong các văn phòng ở đây lại khác biệt hoàn toàn.
Thật khó có thể tưởng tượng, đây là đất nước sử dụng con người để làm công việc của đèn tín hiệu giao thông hay những công ty lớn đều đang sử dụng các phần mềm đã có tuổi đời gần 10 năm. Thậm chí, những cuốn băng cassett giảm giá được bán tại bất kỳ cửa hàng tiện lợi nào phục vụ trong văn phòng cùng với máy fax. Thậm chí, những công ty công nghệ đẳng cấp thế giới như Sony cũng vẫn sử dụng máy fax.
“Những công ty Nhật Bản thường chậm chân hơn các công ty nước ngoài khoảng từ 5 – 10 năm cho những thiết bị công nghệ hiện đại, đặc biệt là ngành công nghiệp phần mềm”, theo Patrick McKenzie – giám đốc Starfighter – công ty phần mềm hoạt động tại Chicago và Tokyo.
Điều này khiến các nhà quan sát hết sức tò mò về những thói quen có phần lạc hậu của một đất nước đã phát triển được hệ thống thanh toán thẻ đầu tiên trên thế giới; tàu cao tốc hay máy nghe nhạc Sony Walkman.
Bạn có thể trả bất kỳ thứ gì bằng điện thoại tại Nhật Bản nhưng không ai thực sự sử dụng e-wallets, Skype hay công cụ lưu trữ đám mây rất phổ biến hiện nay giống Dropbox trong các văn phòng. Tuy nhiên, Nhật Bản lại có một trong những cơ sở hạ tầng tốt bậc nhất thế giới.
Yoji Otokozawa – chủ tịch hãng tư vấn công nghệ Interarrows có trụ sở tại Tokyo nói rằng Nhật Bản yếu về kỹ năng kỹ thuật số bởi những doanh nghiệp nhỏ chứ không phải các tập đoàn đa quốc gia đang thống trị đất nước này. “Vấn đề căn bản là bạn phải hiểu cách các công ty vừa và nhỏ (SMEs) thống trị lĩnh vực kinh doanh tại Nhật Bản”, ông nói.
Theo thống kê của Bộ kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản, SMEs chiếm 99,7% trong tổng số 4,2 triệu công ty của nước này. Chính vì vậy, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới chịu sự chi phối của những tổ chức nhỏ lẻ chứ không phải những gã khổng lồ bên ngoài Nhật Bản.
Otokozawa nói rằng những công ty này thường rất bảo thủ. “Họ thường sử dụng thư tín hay máy fax trong trao đổi công việc. Đôi khi bạn có thể nhận được một bản fax được viết bằng tay. Điều này có nghĩa là công ty đó thậm chí không sử dụng phần mềm đánh chữ như Word”.
“Một công ty luôn tự hào về những công nghệ tân tiến nhất bắt nhân viên phải sử dụng email như những năm 1997” là lời ca thán của một nhân viên công ty lớn ở Nhật Bản trên Twitter thời gian gần đây. Tìm hiểu sâu hơn, BBC biết thêm được nhiều quan điểm ngược đời trong cách sử dụng công nghệ của công ty kể trên.
“Với email và trao đổi công việc nội bộ, chúng tôi sử dụng Cyboz – một dịch vụ chỉ có thể gõ chữ và có dung lượng rất nhỏ. Chính vì vậy, việc xóa bỏ những email cũ để chừa ra dung lượng chứa những cái mới gần như là hoạt động hàng tháng”. Việc cập nhập phần mềm hay lời đề nghị sử dụng những công cụ như Basecamp và Dropbox thường bị ngó lơ.
Nếu những điều kể trên là thật thì nó có thể giải thích cho vấn đề khủng hoảng năng suất lao động của các công ty Nhật Bản, theo Rochelle Kopp – nhà sáng lập Japan Intercultural Consulting – một hãng tư vấn toàn cầu. Từng làm việc tại Tokyo và những địa danh khác tại thung lũng Silicon, ông nói: “Người lao động tại Mỹ có năng suất cao hơn bởi họ được tiếp cận với những công nghệ tốt nhất – Mỹ là đất nước tiên phong về công nghệ”.
“Những phòng công nghệ thông tin Nhật Bản thường được cho là cổ hủ và ghét việc kết nối máy tính của họ với thế giới bên ngoài. Họ sợ dữ liệu bị đánh cắp hoặc hack”.
Một nữ nhân viên trong một công ty logistic tại Tokyo nói rằng: “Nhật Bản do dự sử dụng bất kỳ thứ gì mới trong văn phòng làm việc”. Kết quả là, mặc dù phải làm nhiều thời gian hơn nhưng Nhật Bản lại là quốc gia có chỉ số năng suất phi sản xuất kém nhất trong số các thành viên thuộc OECD và chỉ bằng một nửa so với Mỹ.
Dù được biết đến là quốc gia ưa thích đổi mới và công nghệ cao nhưng nhiều tập đoàn Nhật Bản dường như vẫn khăng khăng từ chối tự động hóa và sử dụng con người thay vì máy móc. Việc này đương nhiên có thể giúp tỷ lệ thất nghiệp của đất nước này ở mức thấp chỉ 3,4% nhưng nó cũng khiến năng suất lao động giảm. Đây rõ ràng là sự đánh đổi không hề khôn ngoan.