Ấn Độ: Ứng dụng giao đồ ăn hiện đại như Foodpanda cũng không thể đánh bại xe đạp, xe đẩy
Trong vòng ba năm qua, tuy đã nhận được khoản đầu tư trị giá 120 triệu USD nhưng các công ty phát triển ứng dụng giao đồ ăn tại Ấn Độ vẫn chưa thể thay thế các nhân viên vận chuyển thức ăn bằng xe đẩy hoặc đạp truyền thống.
Hơn 400 ứng dụng giao đồ ăn đã xuất hiện tại Ấn Độ trong vòng ba năm qua và thu hút 120 triệu USD từ các hãng đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư khác. Với những chiến lược quảng cáo rầm rộ, họ muốn thay thế mạng lưới phân phối đồ ăn đã tồn tại ở Ấn Độ từ năm 1890.
Dabbawala, mạng lưới phân phối đồ ăn chủ yếu bằng xe đạp xuất hiện từ thế kỷ 19, mỗi ngày vận chuyển 175.000 bữa ăn từ nhà dân hoặc các bếp tổng tới cho nhân viên và học sinh. Thức ăn được đựng trong những chiếc hộp và được vận chuyển bằng những phương tiện như xe lửa, xe đạp và xe đẩy. Sau đó, những nhân viên dabbawala sẽ thu thập những chiếc hộp trống và mang về bếp để tái sử dụng.
Dịch vụ giao đồ ăn qua ứng dụng ưu việt hơn hệ thống dabbawala ở chỗ khách hàng có thể đặt bữa ăn bất cứ lúc nào và được lựa chọn món ăn từ hàng trăm nhà hàng. Hệ thống dabbawala yêu cầu khách hàng phải cam kết sử dụng hàng tháng và gắn bó với một số món ăn nhất định trong toàn bộ thời gian trên nhưng ứng dụng giao đồ ăn không cần những điều đó. Mặc dù vậy, hầu hết các công ty cung cấp ứng dụng giao đồ ăn đều đã thất bại, hàng chục công ty đã đóng cửa.
Những hãng còn hoạt động, trong đó có TinyOwl và Foodpanda, cũng đã thu hẹp phạm vi hoạt động. "Khi các công ty cung cấp ứng dụng giao đồ ăn đã phát triển mạnh khi nhận được các khoản đầu tư lớn nhưng họ đã trở nên điên cuồng khi khách hàng tăng trưởng nhanh và họ đã chi tiêu vốn bừa bãi, không suy tính", Anil Joshi, một nhà đầu tư - sáng lập hãng đầu tư mạo hiểm Unicorn Ventures Ấn Độ ở Mumbai, người không đầu tư vào các công ty giao đồ ăn, chia sẻ.
Trong khi đó, các nhân viên dabbawala thì làm không hết việc. Dù không có các ứng dụng nhưng họ vẫn có cách để duy trì thị phần. Họ tìm cách hội nhập thị trường thương mại điện tử bằng phương thức chia sẻ nhân viên giao hàng với các công ty bán lẻ trực tuyến khổng lồ như Flipkart và cung cấp các chương trình đào tạo cho các startup giao hàng công nghệ cao mới thành lập như Roadrunnr.
"Startup giao đồ ăn gia nhập thị trường và cung cấp dịch vụ với giá rất rẻ, họ quên mất rằng họ cần kiếm tiền để tồn tại", Subodh Sangle, điều phối viên của Mumbai Tiffin Box Suppliers - nghiệp đoàn đại diện cho khoảng 5.000 nhân viên vận chuyển đồ ăn, chia sẻ. "Chúng tôi đã hoạt động trong lĩnh vực này nhiều năm và hiểu rằng cần cung cấp các bữa ăn với giá hợp lý".
Kinh nghiệm của TinyOwl cho chúng ta thấy rất nhiều điều. Công ty có trụ sở tại Mumbai này cho phép khách hàng dùng ứng dụng để đặt đồ ăn từ các nhà hàng gần đó. Được thành lập vào năm 2014, TinyOwl quyên được số vốn 20 triệu USD trong năm đầu tiên. Số nhân viên của hãng tăng lên khoảng 1.200 vào đầu năm 2015 và đồng sáng lập kiêm CEO của hãng, Harshvardhan Mandad, chia sẻ rằng có kế hoạch mở rộng hoạt động trong 50 thành phố vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, tháng 11/2015, công ty phải sa thải 270 nhân viên, hầu hết là nhân viên tổng đài và nhân viên giao hàng. Điều này khiến nhân viên của hãng phẫn nộ.
Khi một trong những đồng sáng lập của hãng tới văn phòng của công ty tại Pune, một thành phố gần Mumbai, để tuyên bố thông báo sa thải, ông đã bị bắt cóc bởi các nhân viên công ty. Họ yêu cầu công ty phải trả ngay khoản bồi thường thôi việc. Vụ việc nghiêm trọng tới mức cảnh sát phải vào cuộc, giải cứu con tin. Hiện TinyOwl chỉ còn hoạt động tại 2 thành phố với khoảng 200 nhân viên.
Đối thủ lớn nhất của TinyOwl chính là Foodpanda, một hãng cung cấp đồ ăn thuộc sở hữu của công ty Đức Rocket Internet. Hãng này hoạt động trên 25 quốc gia và gia nhập thị trường New Delhi, Ấn Độ, vào năm 2012. Cuối năm ngoái, họ nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động trên 30 thành phố khắp Ấn Độ với lực lượng lao động lên tới 1.300 người.
Mặc dù rất tích cực quảng cáo trên truyền hình và giảm giá nhằm thu hút khách hàng nhưng sự phát triển của Foodpanda bị ngăn cản bởi các vấn đề như công nghệ kém, đồ ăn giả, nhân viên và đối tác lừa đảo...
"Những thách thức tại thị trường này lớn hơn rất nhiều so với những gì mọi người có thể tưởng tượng", Saurabh Kochhar, CEO Foodpanda Ấn Độ, chia sẻ. "Chúng tôi phải đối mặt với các vấn đề từ nhận thức tới cơ sở hạ tầng".
Ông cho biết công ty đã sa thải 15% nhân viên nhằm tiến tới tự động hóa hoạt động của hãng. Tuy nhiên, các tờ báo địa phương cho rằng số nhân viên bị sa thải gấp đôi những gì Kochhar công bố. Kochhar từ chối bình luận về cuộc điều tra của công ty về những hành vi gian lận.
Hãng đã loại bỏ các nhà hàng cung cấp đồ ăn giả ra khỏi hệ thống và thay đổi nhằm "hướng tới một thị trường được quản lý chặt chẽ", Ralf Wenzel, CEO Foodpanda toàn cầu, chia sẻ. "Ở các nước khác, bạn có thể cởi mở hơn nhưng Ấn Độ thì không như vậy. Tuy nhiên, kinh doanh tại Ấn Độ đang ổn hơn bao giờ hết". Ngoài ra, Wenzel phủ nhận thông tin sẽ bán chi nhánh tại Ấn Độ.
Một vấn đề khác là các công ty này phát triển quá nhanh, tuyển dụng rất nhiều nhân viên giao hàng và nhân viên tổng đài cùng lúc. Điều đó dẫn tới tình trạng khủng hoảng nhân sự khi mà mức lương cho nhân viên giao hàng tại Ấn Độ đã tăng gần 70% trong năm vừa qua, theo Rituparna Chakraborty, phó chủ tịch công ty tư vấn tuyển dụng TeamLease.
Những công ty mới như Swiggy đã bỏ qua việc tuyển dụng nhân viên giao hàng toàn thời gian. Thay vào đó, họ sử dụng những nhân viên bán thời gian cho mỗi lần giao hàng.
Ngay cả những hãng dày dạn kinh nghiệm cũng gặp khó trong thị trường giao đồ ăn. Zomato Media, một công ty bảy năm tuổi với sự hỗ trợ vốn của Sequoia Capital, có rất nhiều ưu thế khi tập hợp được rất nhiều thực đơn từ các nhà hàng Ấn Độ.
Hãng này bắt đầu cung cấp dịch vụ giao đồ ăn hồi tháng 5 năm ngoái cùng dịch vụ thanh toán mới không dùng tiền mặt. Nhưng vào tháng 11, hãng đã sa thải khoảng 300 nhân viên, 10% tổng số nhân viên của hãng và bỏ dịch vụ không dùng tiền mặt.
Hãng này cho biết họ đã chi quá tay cho dự án với những chính sách như tặng miễn phí iPad cho hàng ngàn nhà hàng. Vào tháng 12/2015, hãng đã ngừng hệ thống đặt hàng trực tuyến tại 4 trên 14 thành phố mà nó hoạt động. "Mặc dù Zomato rất tích cực tiếp thị trong thời gian gần đây bằng phương thức như quảng cáo trên TV nhưng tôi không thấy sự gia tăng đơn đơn đặt hàng tại những thành phố trên", Pankaj Chaddah, một trong những đồng sáng lập Zomato, tuyên bố.
Với những người kinh doanh nhà hàng như Rajiv Rambhia, chủ nhà hàng Local Bites ở Mubai, sự bùng nổ của các ứng dụng giao đồ ăn mang lại những trải nghiệm khác nhau. Ban đầu, khi các công ty như TinyOwl, Foodpanda và những người khác phát triển bùng nổ, họ thu hút được nhiều khách hàng nhờ chính sách giảm giá 50%.
Sau đó, khi chương trình giảm giá kết thúc, họ bắt đầu thu phí hoa hồng của các nhà hàng ở mức khoảng 1/5 trên mỗi đơn hàng. "Rõ ràng, nếu bạn giảm giá 50%, khách hàng sẽ tới", Rambhia nói. "Khi không còn khuyến mại, đơn đặt hàng cũng dừng lại. Tình hình kinh doanh của tôi không thực sự khởi sắc nhờ những công ty này".