Cơn 'sốt đất' tại Đông Anh, Hà Nội: Hỏa mù thông tin
Đến một số xã Nguyên Khê, Hải Bối, Dâu Canh… thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội), hàng loạt biển báo, pano, áp phích rao bán đất mọc lên khắp các đường làng, ngõ xóm. Từ người bán trà đá, làm ruộng đến cán bộ thôn, xã cũng “tranh thủ” môi giới bất động sản.
Thành phố Hà Nội lập đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng bao phủ địa giới hành chính 55 phường, xã và 13 quận, huyện của Hà Nội bao gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm. Ngay sau đó, trên mạng xã hội lập tức xuất hiện nhiều hình ảnh và thông tin về giá nhà đất tại huyện Đông Anh “nóng lên” từng ngày.
Trong vai một người có nhu cầu “lướt sóng” và “đầu cơ” đất, phóng viên báo Tin tức (TTXVN) đã có mặt tại nhiều xã, phường của huyện Đông Anh - nơi được cho là vòng xoáy của cơn sốt đất.
Mặc dù là người làm vườn, nhưng bà N.Th.Ch, thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh rất tường tận về giá đất ở khu vực xã Tiên Dương, thậm chí “miếng” đất nào rẻ, đầu tư “lướt sóng” có lời, bà Ch đều biết.
Bà N.Th.Ch, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội nhiệt tình tư vấn về giá bất động sản tại địa phương.
Bà Ch cho biết, dù xã Tiên Dương không nằm trong quy hoạch thành phố thông minh nhưng sắp tới huyện Đông Anh sẽ trở thành quận trong tương lai, nên khu vực này đất thổ cư có giá từ 48 triệu đồng/m2 trở lên. Mảnh đẹp, nằm ở trục đường chính gần với đường đi sân bay còn có giá hơn 50 triệu đồng/m2. "Từ Tết đến nay, cứ sau nửa tháng là giá đất đã khác rồi", bà Ch. cho biết.
Anh Đ.V.D (43 tuổi, ở xã Hải Bối, Đông Anh) cho biết: Ở đầu xã có "Trung tâm môi giới bất động sản”, nói thế cho “sang” miệng chứ thực chất chỉ là một số điện thoại được viết nguệch ngoạc trên tường, hay chỉ là một tấm biển trưng dòng chữ “bán đất” nơi đầu làng, ngõ xóm. Do đó, từ người già đến người trẻ, từ cán bộ xã đến người làm vườn, ai cũng có thể trở thành “trung tâm” bất động sản.
Để kiểm chứng thông tin trên, chúng tôi đã gọi theo số điện thoại 098589xxxx. Người nghe máy tự xưng là N.V.H, là cán bộ xã Hải Bối. Anh H cho biết, hiện đang còn vài lô đất chính chủ giá tốt, có thể đầu tư.
Anh N.V.H, tự xưng là cán bộ xã Hải Bối khẳng định, mua đất "qua tay" sẽ có giá mềm hơn giá của các "cò mồi".
Anh H khẳng định: “Cũng lô đất này, nếu người khác bán thì giá sẽ “chát” hơn đấy, còn giao dịch qua chỗ tôi chắc chắn sẽ có lãi nhiều hơn”.
Khi phóng viên tỏ ý muốn xem trực tiếp các lô đất trên rồi mới “chốt” giao dịch thì anh H mới thú nhận, bản thân chỉ là người giới thiệu, người bán trực tiếp là ông N.N.T, là cán bộ ở thôn Yên Hà, xã Hải Bối - người hiện đang có vài lô đất muốn giao dịch.
Theo giới thiệu của ông H, ông T không ngần ngại dẫn chúng tôi đi khắp thôn để xem vị thế của các mảnh đất thổ cư đang gửi bán.
Ông T. khẳng định: “Địa thế từ thôn Yên Hà đến thành phố thông minh chỉ vài bước chân. Nếu ở đây, có thể hưởng lợi tất cả dịch vụ, tiện ích ở thành phố thông minh. Giờ giá đất còn rẻ, dù qua nhiều chủ nhưng giá chỉ ở ngưỡng 33 - 35 triệu đồng/m2. Nếu đầu tư "lướt sóng" thì nên “ôm” khoảng đôi tháng, giá chắc chắn còn lên cao”.
Ông N.N.T, thôn Yên Hà bên tấm biển quảng cáo giao dịch thông tin nhà đất.
Tuy nhiên, khi phóng viên mang những thông tin này trao đổi với anh N.M.Th (quản lý một văn phòng giao dịch bất động sản tại xã Hải Bối) thì hết sức ngỡ ngàng khi nhận được lời cảnh báo rằng, mua đất ở thôn Yên Hà phải hết sức cẩn thận. Nơi đây đang có dự án di dời khoảng 200 hộ dân!
Tình trạng “sốt” đất ở nhiều xã thuộc huyện Đông Anh không chỉ “nóng” với loại đất “chính chủ”, mà còn bao phủ đến cả đất xen kẹt, đất nông nghiệp, giá chênh lệnh cũng tùy từng vị trí.
Qua kháo sát tại thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, bà B.V.Th (54 tuổi), thôn Cổ Dương cho biết: Ở trục đường chính chạy qua xã Tiên Dương, những mảnh đất vườn ở ven đường có giá hơn 400 triệu đồng/sào. Nếu tính theo giá đền bù của nhà nước thì chênh lệch khoảng 40 – 50 triệu đồng.
Về huyện Đông Anh không khó để bắt gặp những số điện thoại bán đất.
Văn phòng giao dịch bất động sản mọc lên khắp nơi, kể cả trên tuyến đường đê.
Trên cổng làng cũng nhan nhản số điện thoại "cò đất".
Thông tin bán đất nở rộ khắp đường làng, ngõ xóm.
Qua một số điện thoại in trên tấm biển quảng cáo giao dịch bất động sản tại Đội 1, thôn Võng La, xã Võng La, Đông Anh chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về đất nông nghiệp. Anh B.D.M, nhân viên môi giới bất động sản của văn phòng đã dẫn chúng tôi đến một khu đất ở ngõ 59, Hải Bối và chỉ cho biết mảnh đất vườn gần 1.000m2 “đang cần bán vì gia chủ vỡ nợ”.
Anh M khẳng định: “Ngõ 59 sau này sẽ thành đường chính của khu tái định cư. Đường trục chính này dẫn thẳng đến thành phố thông minh, hướng ra đầu cầu Nhật Tân. Hơn nữa, chỉ cách trụ sở UBND xã Hải Bối vài trăm mét, đất thổ cư ở đây đã lên đến 50 triệu đồng/m2...
Bất ngờ hơn khi anh M cũng chính là người hướng dẫn chúng tôi tìm đến anh N.V.H, là cán bộ xã Hải Bối và khẳng định, mặc dù là đất vườn nhưng chỉ cần sang tên đổi chủ, đóng thuế đất hàng năm và chờ “lộ trình”. Nhanh thì khoảng 4 năm sau, gia chủ thoải mái chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư và khi đã chuyển đổi thì giá bán sẽ rất cao.
Và sau khi trao đổi với anh N.V.H, người tự xưng là cán bộ xã Hải Bối này cho rằng: “Đất nông nghiệp thì hơi khó, quy trình lâu nhưng không phải là không khả thi. Còn với đất chính chủ, mọi thủ tục mình có thể xử lý êm thấm, chỉ cần anh em hỗ trợ 10 - 15% hoa hồng, coi như là tiền uống nước”.
Mảnh đất nông nghiệp tại ngõ 59 thôn Cổ Dương, với diện tích 360m2 được rao bán hơn 400 triệu đồng.
Chia sẻ với báo chí, TS Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hà Nội cho biết, việc mua bán đất là giao dịch dân sự, bên mua quyết định, thuận mua vừa bán, Nhà nước không thể can thiệp vào giá bao nhiêu hay khoảng tăng bao nhiêu là an toàn. Hơn nữa, giá đất tùy thuộc vào từng sản phẩm bất động sản, tính pháp lý cụ thể, cơ sở hạ tầng cụ thể và mục đích người bán.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Hữu Cường khẳng định: "Cơ quan quản lý nhà nước phải xem các biến động giao dịch đất đai ở từng địa phương. Sự biến động là do nguyên nhân gì, từ đó chính quyền vào cuộc kiểm soát, đưa ra các dự báo. Thậm chí là cắm biển cảnh giới, căng các chỉ giới, sơ đồ chỉ dẫn… để hạn chế những giao dịch lừa đảo. Đó là trách nhiệm của cơ quan nhà nước tại địa phương”.