Con người ta có nhiều lý do để chết: Chuyện về vị thám tử chuyên lật tẩy các vụ giả chết để lấy tiền bảo hiểm đình đám trên thế giới
"Từ sau máy quay, tôi hỏi họ: "Anh chưa chết đúng không?". Họ vội vã trả lời: 'Không không, tôi chưa chết mà." - Steve Rambam cho biết.
Thời gian vừa qua, vụ án bí thư giết cháu rồi giả chết tại Việt Nam đang khiến dư luận hết sức xôn xao, ngỡ ngàng. Theo thông tin điều tra, nghi phạm có một khoản nợ lên tới cả chục tỉ đồng, đã lên kế hoạch sát hại cháu vợ, lấy đó làm thế thân cho chính thi thể của mình hòng gian lận tiền bảo hiểm.
Giả chết để lấy tiền bảo hiểm thực ra không mới. Trên thế giới mỗi năm tới hơn nửa triệu người mất tích, và một phần không nhỏ trong đó là những người giả chết. Steve Rambam - một thám tử tư với thâm niên hơn 36 năm trong nghề đã chứng kiến nhiều sự việc như vậy.
Steve Rambam
Có nhiều lý do để một người muốn chết, dù họ không dám
Chuyên môn chính của Steve Rambam là điều tra, lần vết các trường hợp mất tích, bao gồm cả những trường hợp giả như mình đã không còn tồn tại nữa. Rambam ước tính trong suốt sự nghiệp, ông đã giải mã khoảng 750 trường hợp giả chết, trong đó có 550 vụ là vào thập niên qua.
"Một lý do hết sức phổ biến để một người nghĩ đến chuyện giả chết là vì họ đang có một khoản nợ khổng lồ." - Rambam nhận định.
"Có thể họ vay mượn tiền để tiêu xài, rồi lâm vào cảnh vỡ nợ khi thu nhập không may gặp trắc trở. Một số muốn lấy tiền bảo hiểm để có thể tiếp tục lối sống ấy thêm một lần nữa."
"Vài trường hợp khác cảm thấy bế tắc trong một mối quan hệ, hoặc đời sống cá nhân của họ đang quá đau khổ, muốn vứt bỏ mọi thứ để làm lại từ đầu."
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp giả chết thực sự chỉ là để kiếm tiền, với một kế hoạch đầy quy mô. Theo Rambam, Philippines có thể xem là mảnh đất lý tưởng của loại hình lừa đảo này, bởi tội phạm có thể kiếm giấy tờ giả rất dễ. Chỉ cần bỏ ra một khoản tiền trên chợ đen, bạn sẽ có nguyên một nhân dạng mới với đầy đủ thông tin: từ giấy khai sinh, giấy chứng tử cho đến thẻ căn cước.
Philippines có thể xem là thiên đường cho loại hình lừa đảo tiền bảo hiểm bằng việc giả chết
"Đôi khi có tội phạm phải đối mặt với án tù rất dài, nên họ quyết định giả chết để bỏ trốn."
"Dẫu vậy thì đa số đều bị bắt, không sớm thì muộn."
Muôn cảnh giả chết
Công ty của Ramban có trụ sở ở Brooklyn (New York, Mỹ), nhưng ông có rất nhiều văn phòng, chi nhánh tại khắp nơi trên thế giới.
Dù không được phép cung cấp chi tiết thông tin đương sự vì vấn đề bảo mật, nhưng Ramban cho biết đa số các trường hợp giả chết đăng tải trên truyền thông đại chúng có nghi phạm là nam giới, với một số vụ có đồng phạm là nữ. Tuy nhiên trong những năm gần đây, tần suất phụ nữ giả chết đang xuất hiện nhiều hơn.
Rambam kể lại một trường hợp như sau: "Một người phụ nữ bỏ lại xe bên chiếc hồ lớn ở New England, giả như bản thân đã chết đuối. Tình cũ thời trung học của người này cảm thấy nghi ngờ, bởi thi thể của cô chưa được tìm thấy."
Người cũ ấy đã tìm đến Rambam, và ông bắt tay vào điều tra. Ban đầu, ông tra cứu tên và ngày sinh của nạn nhân trên kho dữ liệu khổng lồ của mình. "Chúng tôi phát hiện ra một người phụ nữ khác có cùng ngày tháng, chỉ khác năm sinh."
Cô gái ấy đã có một nhân dạng hoàn toàn khác, nhưng cái tên cô nghĩ ra lại khá tương đồng với tên cũ. Rambam lén chụp ảnh, đưa cho khách hàng và nhận được lời xác nhận: cô gái mất tích và người phụ nữ trên là một .
Cô gái sau đó cũng thú nhận mình giả chết, nhưng không phải để gian lận bảo hiểm. Cô đã vướng vào một mối quan hệ ngập tràn bạo hành, để rồi đưa ra quyết định giả chết nhằm tìm lấy một sự giải thoát.
"Gã đàn ông kia có tiền sử bạo hành trong thời gian rất dài. Cô gái nói cô chỉ có 2 lựa chọn: hoặc giả chết, hoặc là chết thật."
"Trong tình huống này, tôi và anh bạn trai cũ kia quyết định giữ bí mật sự việc, để cô có thể bắt đầu một cuộc sống mới. Bố mẹ cô thực ra cũng biết cô còn sống ngay từ đầu rồi."
Theo Rambam nhận định, những người giả chết thường bị lộ vì cố gắng giữ liên lạc với vợ, chồng, cha mẹ, hoặc đôi khi vì "không thể chịu được việc phải bỏ rơi chú chó cưng đang nuôi."
Một số trường hợp thậm chí ngang nhiên sinh sống trong cùng một thành phố, chứ không dọn hẳn đi nơi khác. Ví dụ như vào thập niên 1980, Rambam nhận nhiệm vụ truy tìm một người "bị ám ảnh bởi sở thích sưu tập tiền xu", được cho là đã chết tại New York. Trong một thời gian dài, ông liên tục đến các buổi triển lãm xu trong thành phố, và rồi cuối cùng cũng phát hiện đối tượng ở đó.
"Bạn không thể tưởng tượng các buổi triển lãm này chán đến mức nào đâu, nhưng tôi vẫn phải làm."
Cuộc sống sau khi giả chết: đừng bao giờ phạm sai lầm
Ông Rambam nhấn mạnh, công việc điều tra người mất tích chẳng hề ly kỳ như những gì mọi người thấy trên TV. 90% là các hành động lặp đi lặp lại, chán ngắt.
"Nhưng 10% còn lại đủ để bù đắp rồi," - ông cười nói.
Ông cho biết với những người giả chết, cuộc sống sau đó là một trải nghiệm hết sức căng thẳng. "Tôi có thể phạm cả ngàn sai lầm. Nhưng đối tượng thì chỉ sai một lần thôi, tôi sẽ nắm được ngay."
"Khi giả chết, bạn phải đảm bảo nhân dạng và đời sống diễn ra thực sự hoàn hảo. Chỉ cần nhân dạng cũ xuất hiện trong tích tắc, mọi thứ sẽ chấm hết."
"Những người lên kế hoạch kỹ lưỡng từ đầu đến cuối thực sự là giỏi nhất. Có những kẻ đến Mỹ từ Nigeria hay Philippines, giả chết để lấy tiền bảo hiểm. Sau đó, họ trở về nước, hoặc sống với nhân dạng mới, hoặc quay về với nhân dạng vốn có."
"Họ đã lên kế hoạch từ trước, sau đó dễ dàng quay trở lại như cũ."
Có người tới Mỹ từ Nigeria hoặc Philippines, giả chết để trở về quê hương
Kể vậy, nhưng theo Rambam thì đa số các trường hợp giả chết ông tiếp nhận có liên quan đến án lừa tiền bảo hiểm. Các công ty thường muốn điều tra kín và nhanh chóng, thay vì cố gắng kiện đối tượng ra tòa sau khi tìm thấy y.
"Làm vậy giúp họ tiết kiệm tiền, vì không phải theo các thủ tục tố tụng. Hơn nữa, họ không muốn công khai cho mọi người thấy rằng giả chết có thể dễ đến mức nào." Cũng bởi lý do này, số vụ án ông nhận dẫn đến tố tụng "chỉ đếm trên đầu ngón tay."
Chẳng hạn như trường hợp của một người đàn ông giả chết tại Mỹ. Theo Rambam điều tra, y sau đó đã chuyển tới Philippines, hành nghề môi giới mại dâm. Giới chức trách đã phát lệnh bắt giam người này, nhưng bản thân công ty bảo hiểm thì không muốn truy tố. Rốt cục, nghi phạm vẫn được tự do, nhưng không bao giờ có thể quay lại Mỹ nữa.
"Tôi điều tra vợ của y (vẫn ở Mỹ), và bà ngay lập tức thú nhận mọi điều y đã làm."
Theo Rambam chia sẻ, mỗi khi tiếp nhận một đơn điều tra từ công ty bảo hiểm, việc đầu tiên ông yêu cầu là có được toàn bộ thông tin công ty có được. Sau đó, ông tiến hành tìm kiếm trên các trang mạng xã hội - Facebook, Instagram, Snapchat... Tiếp theo, ông sử dụng các kỹ thuật cao hơn để lọc theo dữ liệu. Một vụ thậm chí khiến ông phải đi nhiều nơi trên thế giới.
"Như vụ án vào 15 năm trước - tôi không thể cung cấp tên, nhưng đại khái hãy gọi y là Jamil. Jamil có liên quan đến phong trào Hamas Hồi giáo, từng mua bảo hiểm khi đang sinh sống ở vùng Trung Tây Mỹ."
"Sau đó y trở về quê hương - nơi trước kia từng là lãnh thổ của Palestine. Người thụ hưởng cho biết y qua đời tại địa chỉ 'số 2 Quảng trường Manger'. Khi chúng tôi tới kiểm tra, nơi ấy là một phòng khám."
"Khi hỏi về việc có ai từng qua đời trong thời gian gần đây, người quản lý lập tức nói không. Thậm chí, chưa từng có ai chết tại đây cả."
Rambam sau đó đến trụ sở Palestine tại thành phố Gaza, và sau nhiều nỗ lực tìm hiểu, chính Bộ trưởng nội vụ của thành phố xác nhận "Jamil chưa chết." Y đã lấy một thân phận khác. Rambam lấy thông tin, giao lại cho khách hàng. Jamil sau đó bị bắt tại Chicago, dù đã sử dụng thân phận mới.
Cũng theo Rambam, việc giả chết hiện tại đã khó hơn trước rất nhiều, bởi 2 lý do. Đầu tiên là vì... Osama bin Laden.
"Vì chủ nghĩa khủng bố, việc điều tra nhân dạng đang trở nên kỹ lưỡng hơn bao giờ hết. Giờ đây rất khó để kiếm được giấy khai sinh, giấy chứng tử, và đặc biệt là hộ chiếu."
"Lý do thứ hai là vì dữ liệu ngày nay đã nhiều hơn, cộng thêm việc tính riêng tư ngày càng thiếu sót."
"Đôi khi tôi có thể đùa vui một chút sau khi tóm được nghi phạm," - Rambam lại kể. "Từ sau máy quay, tôi hỏi họ: "Anh chưa chết đúng không?". Họ vội vã trả lời: 'Không không, tôi chưa chết mà."
Nguồn: Sky News