Con đường tới chợ đầy nhọc nhằn của rau hữu cơ Bến Tre

11/11/2016 20:54 PM | Kinh doanh

"Rau hữu cơ như phụ nữ 35, còn rau khác ở chợ như gái 18", đó là câu nói ví von của chị Chiến, cán bộ xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre với chúng tôi về rau hữu cơ trong khuôn khổ dự án phi lợi nhuận Seed to Table. Thế nên, rau hữu cơ của dự án trong thời gian đầu ở chợ rất ế.

"Ban đầu, hơn 10 hộ gia đình tham gia dự án Seed to Table nhưng giờ chỉ còn 4 hộ. Cực quá, nhiều người không theo nổi. Thời gian đầu, rau bán ra chợ ế lắm. Do rau hữu cơ nên màu xanh nhưng hơi vàng, không mượt mà như rau khác", ông Thống, người tham gia dự án, chia sẻ với chúng tôi khi chúng tôi tới thăm vườn rau của ông ở Lộc Thuận.


Cuộc họp nhóm rau hữu cơ ở Lộc Thuận có sự tham gia của nông dân, cán bộ xã, trưởng dự án và khách hàng.

Cuộc họp nhóm rau hữu cơ ở Lộc Thuận có sự tham gia của nông dân, cán bộ xã, trưởng dự án và khách hàng.

Ông Thống nói rằng, khi mới tham gia dự án, đầu ra còn khó khăn hơn thời điểm hiện tại, rau mang ra chợ bán thường xuyên bị chê. Vả lại, ở Bến Tre, quỹ đất rộng nên họ có thể tự trồng rau để ăn. Thế nên đầu ra rất khó khăn.

Ngoài ra, nông dân phải chăm sóc rau rất tỉ mỉ, ghi chép đầy đủ, báo cáo tiến độ, rất mất công. Trong khi thời gian đầu, thu nhập không được là bao nên nhiều người chán nản, bỏ cuộc. Con số hơn chục hộ giờ giảm xuống chỉ còn 4 hộ.


Ghi chép của ông Thống để báo cáo trong cuộc họp tuần trước.

Ghi chép của ông Thống để báo cáo trong cuộc họp tuần trước.

Chị Chiến thì nói vui với chúng tôi: "Rau hữu cơ như phụ nữ 35, còn rau khác ở chợ như gái 18, bảo sao bán ở chợ lại không ế". Công thêm lý do, rau hữu cơ thì tất nhiên phải đắt hơn nhưng loại rau khác khiến việc tiêu thụ không hề đơn giản.

Thời gian thu hoạch rau hữu cơ thì dài, có khi là 20 - 30 ngày mới được một vụ. Thế nên, nguồn thu nhập hạn chế khiến nhiều người không còn đủ kiên nhẫn.

Thị trường ở chợ khó khăn, việc tìm đầu ra khác cho sản phẩm trong thời gian đầu của dự án cũng chưa được như mong đợi. Nhóm vận chuyển rau lên thành phố bán cho một nhóm gia đình nhưng chưa nhiều loại, nên họ giảm lượng dần dần hoặc lấy cách nhật.

Vận chuyển rau cũng là bài toán khó khi nhóm muốn bán cho khách xa. Thông thường, nhóm thường gửi xe nhưng phải gói bọc rất cẩn thận để tránh rau bị dập hoặc để lâu rau héo.

Đến nay, đầu ra của rau hữu ở Lộc Thuận đã tốt hơn. Các hộ bán rau ở Phiên Chợ Xanh tử tế, các triển lãm. Nhiều công ty đã tìm đến Lộc Thuận để đặt hàng rau của nhóm.

Chúng tôi tham dự buổi họp nhóm rau hữu cơ ở Lộc Thuận và được biết, nếu nông dân không tuân thủ theo các quy định chung như kiểm nghiệm mẫu rau mà dự án đề ra thì rau sẽ không được bán cùng các hộ khác như ở Phiên Chợ Xanh Tử tế hay ở các triển lãm về nông nghiệp.

Công ty An Việt, doanh nghiệp chuyên thu mua rau của nhóm, cũng dự cuộc họp. Nhóm hiện chưa cung cấp đủ lượng hàng như An Việt mong đợi nhưng ưu tiên An Việt vì công ty đồng hành cùng nhóm cả những lúc rau ít, rau nhiều. Và đặc biệt, An Việt hiện đang bán rau sạch cho một số trường bán trú ở Bến Tre. Công ty này cũng học hỏi mô hình, phương pháp, kỹ thuật trồng rau của nhóm để có thêm nguồn cung cho khách hàng.

Dự án bắt đầu từ năm 2012 nhưng chỉ cách đây vài tháng, thu nhập của nông dân trong nhóm rau hữu cơ ở Lộc Thuận mới tăng lên, bởi con đường tìm khách hàng đầy gian nan.

Chị Mayu Ino, trưởng dự án Seed to Table tại Việt Nam, cho chúng tôi hay hiện ở huyện Ba Tri, Bến Tre cũng có nhóm nông dân làm rau hữu cơ. Một số tỉnh khác cũng muốn tham gia dự án nhưng chưa được thực hiện.

Dự án hỗ trợ gì?

- Dự án hỗ trợ nông dân về kiến thức trồng rau hữu cơ theo tiêu chuẩn mà dự án đề ra. Những kiến thức này, người của dự án đã kết hợp với Hội khuyến nông để đưa ra nội dung thống nhất.

- Hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm đạt chuẩn của hệ thống. Rau đạt chuẩn của dự án đã được bán trong phiên Chợ xanh tử tế tại TP HCM và bán tại các triển lãm. Sắp tới sản phẩm của nông dân được bán tại Hội chợ hàng Công nghiệp nông thôn tỉnh Bến Tre từ ngày 17/11 đến 23/11.

- Hỗ trợ lưới che nắng, che mưa, bể chứa nước cho nông dân.

Nông dân có phải đóng góp gì không và được gì từ dự án?

- Các hộ nông dân trong dự án ở Lộc Thuận cho hay, mỗi tháng họ đóng khoảng 40.000 đồng kinh phí họp, giấy tờ.... Kể từ ngày tham gia dự án, thu nhập của ông Thống, bà Bích, bà Loan đã tăng đáng kể.

"Thu nhập của gia đình tôi đã tăng gấp đôi, gấp ba kể từ ngày trồng rau hữu cơ, nhưng cũng cực lắm vì quy trình kiểm tra nghiêm ngặt. Hồi đầu hơn 10 hộ nhưng giờ chỉ còn 4 hộ tham gia. Nhiều gia đình nản vì quy trình kiểm tra nghiêm ngặt và thời gian đầu, đầu ra rất khó khăn. Bán rau ở chợ ít người mua vì rau xấu, giá cao hơn. Nản quá nên nhiều người bỏ. Giờ nhiều người xin trở lại nhưng không được", ông Thống cho biết.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM