Con đường ngắn nhất để chồng mang ung thư phổi đến cho vợ

19/12/2016 10:10 AM | Sống

Mặc dù không phải là người hút thuốc nhưng bà Nh. phải hút thuốc lá thụ động suốt gần 30 năm qua và hậu quả là bà bị ung thư phổi giai đoạn cuối.

Cái chết từ mùi quen thuộc

Bà Nguyễn Thị Nh. quê ở Hưng Yên, là bệnh nhân bị ung thư phổi được phát hiện cách đây 3 tháng. Mái tóc chẳng còn sợi nào, nước da sạm đen vì hoá chất, bàn tay khô ráp cộng với những cơn đau quằn quại khiến bà nằm không được mà ngồi cũng không xong.

Bà Nh. vào bệnh viện K điều trị căn bệnh ung thư phổi. Bà kể, dù bà không hút thuốc nhưng chồng và con trai bà thì hút thuốc vô cùng nhiều.

Chính vì thế, mùi khói thuốc đối với bà Nh trở thành quen thuộc, có khi không ngửi thấy lại nhớ. Chồng bà mỗi ngày một bao, hai cậu con trai cũng chẳng thua kém bố. Cả nhà ai cũng hút thuốc nên thành ra chẳng ai nói được ai. Họ dần coi đó là điều bình thường.

Chỉ đến khi biết người phụ nữ họ yêu thương bị ung thư phổi, cả nhà mới tá hoả. Hoá ra từ trước đến nay, mùi thuốc lá quen thuộc ấy chính là tác nhân chính gây ung thư phổi cho bà. Làn khói thuốc trong gia đình lâu nay âm thầm phá huỷ tế bào lành của phổi.

Bác sĩ Dương Minh Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh tâm sự, cách đây không lâu, anh vừa cấp cứu cho một người phụ nữ cũng bị hút thuốc lá thụ động. Người phụ nữ này là nạn nhân khói thuốc lá, do chồng hút và vào viện vì ung thư phổi giai đoạn cuối.

Khi bệnh nhân bị hôn mê nặng, người chồng không nói được câu nào bởi ông biết chính thói quen hút thuốc đã "giúp" đẩy người vợ của mình vào cái chết.

Ở Bệnh viện K 3, có rất nhiều phụ nữ khi được chẩn đoán ung thư phổi, họ ngây ngô không biết vì sao mình bị. Nhưng khi bác sĩ hỏi, họ mới biết, dù chưa bao giờ hút điếu thuốc nào nhưng chồng, con trong gia đình hút rất nhiều. Đây cũng là tác nhân gây ra bệnh cho họ.

Hít phải chất cực độc từ khói thuốc

Theo TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, tỉ lệ nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá thụ động trong nhà chiếm 53% (tương đương 28,5 triệu người). Tỉ lệ này ở nơi làm việc là 36,8% và gần 30% ở các cơ quan nhà nước; 18,5% trên các phương tiện giao thông công cộng và 16% ở trường học.

Tại Việt Nam, tỉ lệ phụ nữ tử vong vì hút thuốc lá thụ động cao hơn so với tỉ lệ nữ giới hút thuốc lá chủ động. Điều này cho thấy phụ nữ Việt đang phải chịu rủi ro rất lớn về bệnh tật và khả năng tử vong do phơi nhiễm khói thuốc lá. Hiện tỉ lệ phụ nữ Việt không hút thuốc chiếm 20% số ca mắc ung thư phổi và con số này vẫn có xu hướng gia tăng.

GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu của Bệnh viện, cho biết, nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi vẫn chưa rõ ràng nhưng người ta tìm thấy những mối liên quan giữa bệnh lý ác tính này với tác nhân thuốc lá. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi.

Tỉ lệ ung thư phổi tăng lên theo mức độ tiêu thụ thuốc lá. Tỉ lệ ung thư phổi ở người nghiện thuốc lá cao hơn rất nhiều. Tỉ lệ ung thư phổi gia tăng theo số năm hút thuốc và số lượng thuốc hút mỗi ngày.

90% trường hợp ung thư phổi ở người nghiện thuốc lá. Trong khói thuốc lá có hơn 40 chất có khả năng gây ung thư. Đó là các Hydrocarbure thơm đa vòng như 3-4 benzopyren, Dibenzanthracen, Polonium 40 và Sélénium trong giấy cuốn thuốc lá.

Trong khi đó, chất độc này không chỉ có hại cho người hút chủ động mà người hút thụ động cũng bị hại không kém. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng làn khói từ đầu điếu thuốc phả ra cực độc.

Đối với một số người có gen dị ứng với khói thuốc và khi gặp tác nhân khói thuốc lá họ có thể bị đột biến gen và hình thành các tế bào ác tính, phát triển dần thành khối u.

Trong khi đó, ung thư phổi vẫn là một căn bệnh tiên lượng còn rất dè dặt, bệnh nhân lại phát hiện chủ yếu ở giai đoạn muộn nên thường chỉ sống kéo dài được từ 1 – 2 năm, rất ít bệnh nhân sống trên 5 năm.

Theo Khánh Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM