Con cái không phải gánh nặng cản trở sự nghiệp của người phụ nữ: Sự lãnh cảm và ỷ lại của các ông chồng mới là nguyên nhân

22/01/2020 13:16 PM | Sống

Mọi người cần bỏ suy nghĩ phụ nữ làm phần lớn việc nhà vì chúng tôi muốn thế. Đó là vì chúng tôi buộc phải làm thế, vì chúng tôi sẽ bị người ta đánh giá nếu không làm và quan trọng nhất là cực khó tìm được một người bạn đời sẵn sàng chia sẻ với chúng tôi những công việc không tên.

Một trong những quan niệm ám ảnh nhất mà phụ nữ hiện đại vẫn hay truyền tai nhau là việc sinh con sẽ làm tổn hại sự nghiệp của người mẹ. Phụ nữ chúng tôi được khuyên là phải chọn lựa giữa công việc và con cái, nếu không thì chúng tôi sẽ phải dành hết những năm tháng xuân sắc để phân thân vừa làm việc nước vừa lo việc nhà.

Những người khách quan và tỉnh táo một chút sẽ nhận ra rằng: Thực chất không phải vai trò người mẹ hay con cái là gánh nặng cản trở con đường công danh và tham vọng của người phụ nữ, nguyên nhân thuộc về những người đàn ông không chịu san sẻ trách nhiệm một cách công bằng với người vợ của mình.

Nếu các bố làm cùng một khối lượng việc nhà giống như các mẹ vẫn làm, sự nghiệp của nữ giới sẽ thăng tiến theo cách mà chúng ta khó lòng hình dung được. Để đạt đến cái đích đó, chúng ta cần ngừng việc đóng khung nghĩa vụ của người phụ nữ là phải tự biết cân bằng giữa công việc và gia đình và bắt đầu bàn đến sự lãnh cảm của các ông chồng đang làm sự nghiệp của chúng ta trở nên khó khăn.

Theo thống kê được thực hiện tại Mỹ, một quốc gia khá coi trọng vấn đề nhân quyền, đàn ông Mỹ ngày nay làm việc nhà nhiều hơn so với thời cha chú của họ ngày xưa: Theo ghi nhận thì các bố dành trung bình 8 tiếng mỗi tuần để chăm sóc con cái, thời gian dài hơn gấp ba lần so với các bố ở những năm 1960. (Cần lưu ý rằng số liệu được các bố tự ước lượng và đàn ông có xu hướng nói phóng đại khối lượng việc nhà mà họ làm.)

Con cái không phải gánh nặng cản trở sự nghiệp của người phụ nữ: Sự lãnh cảm và ỷ lại của các ông chồng mới là nguyên nhân - Ảnh 1.

Đàn ông làm nhiều hơn không có nghĩa là họ làm đủ. Mặc dù có sự tiến bộ nhưng thời gian các mẹ chăm con vẫn lớn gấp đôi các bố, 14 giờ mỗi tuần. Tất nhiên không phải công việc nào cũng hữu hình và có thể dễ dàng lượng hóa, có con đồng nghĩa với vô vàn những công việc không tên. Buổi sáng chia việc một người nấu đồ ăn sáng, một người thay đồ cho con thì dễ, nhưng ai tính những ngày mẹ chuẩn bị đồ ăn cho các con đi dã ngoại với lớp, rồi chọn mua quần áo, giày dép mới. Bạn biết được bao nhiêu ông bố biết size giày của con mình?

Những công việc không tên này thường dồn lên vai người mẹ và chúng ta cũng ít khi nhắc tới tầm quan trọng của chúng trong cuộc sống. Thử tưởng tượng mà xem, nếu tâm trí chúng ta không phải lúc nào cũng lo nghĩ xem đi chợ mua gì, nấu gì để bữa ăn của cả nhà đủ chất, nhớ đặt lịch nha sĩ để đưa con đi khám răng, chúng ta sẽ có thời gian để lên ý tưởng mới cho công việc và được mơ ước nhiều hơn. Đối với người làm mẹ, thời gian để tự do suy nghĩ là một điều xa xỉ.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các ông bố ngày càng có nhiều thời gian cho các hoạt động vui chơi hơn các mẹ, trong khi các mẹ toàn dùng ngày nghỉ của mình để làm việc nhà và chăm con, các bố thường dành thời gian nghỉ ngơi cho các môn sở thích và thư giãn. Tất nhiên việc này có liên quan đến sự nghiệp: Chúng ta biết rằng người có nhiều thời gian để làm những điều mình thích và tham gia các hoạt động sáng tạo có xu hướng thể hiện tốt hơn trong công việc.

Con cái không phải gánh nặng cản trở sự nghiệp của người phụ nữ: Sự lãnh cảm và ỷ lại của các ông chồng mới là nguyên nhân - Ảnh 2.

Trên thực tế cũng có những hạn chế đối với các bà mẹ ở nơi làm việc mà không do các ông chồng gây ra. Phụ nữ có con có ít cơ hội tuyển dụng hơn phụ nữ độc thân và khi có con rồi, tiền lương cũng có xu hướng thấp hơn. Trái lại, đàn ông sau khi có con thường kiếm được nhiều tiền hơn. Sự phân biệt đối xử với các bà mẹ vẫn còn tồn tại và điều này cản trở việc các mẹ khẳng định khả năng và chỗ đứng của mình trong xã hội.

Giải pháp cho sự phân biệt đối xử nơi công sở khá rõ ràng và quan trọng nhất là mọi người ngày càng ý thức được tầm ảnh hưởng của nó. Việc các ông bố bỏ ít công sức để chăm con cũng được biết đến rộng rãi nhưng nó lại không bị lên án rộng rãi lắm. Chúng ta nghe đi nghe lại rằng, phụ nữ thì "chu đáo" hơn. Thế nhưng sẽ chẳng có gì vui vẻ khi cứ phải nhớ rằng con gái mình cần dây buộc tóc mới, đôi sandal của con sắp chật. Cũng không có niềm vui nào nằm ở việc thay bỉm hay cắt những móng chân bé xíu của con. Nếu các mẹ có vẻ sốt sắng hơn với những công việc này, đó là vì các mẹ biết rằng chồng mình sẽ chẳng mấy bận tâm khi thấy con đi học với đôi bàn tay móng dài cáu bẩn hay đôi dép chật.

Mọi người cần bỏ suy nghĩ phụ nữ làm phần lớn việc nhà vì chúng tôi muốn thế. Đó là vì chúng tôi buộc phải làm thế, vì chúng tôi sẽ bị người ta đánh giá nếu không làm và quan trọng nhất là cực khó tìm được một người bạn đời sẵn sàng chia sẻ với chúng tôi những công việc không tên.

Thế nên cần ngừng nói con cái là gánh nặng cản trở sự nghiệp của phụ nữ. Lỗi không nằm ở các con. Không thể hy vọng sự công bằng ở cơ quan nếu như vẫn còn sự bất công ở nhà. Không phải phụ nữ không thể có tất cả, chỉ là người đàn ông của cô ấy cứ thích lấy mọi thứ của cô ấy đi.

Phương Thảo

Cùng chuyên mục
XEM