"Cởi trói" cho taxi truyền thống để cạnh tranh công bằng với Grab

26/11/2018 08:22 AM | Xã hội

Đã lần thứ 6 Bộ GTVT trình dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 nhưng vẫn gây ra nhiều tranh cãi. Không ít ý kiến chuyên gia cho rằng thay vì ngồi định danh taxi công nghệ, các nhà quản lý nên "cởi trói" cho các hãng taxi truyền thống.

Khó định danh Grab

Cởi trói cho taxi truyền thống để cạnh tranh công bằng với Grab - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Chiến, ĐBQH, Phó Chủ tích Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Ông Nguyễn Chiến, ĐBQH, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Grab là một loại hình mới và việc định danh các doanh nghiệp như Grab không đơn giản khi nó kết nối nhiều chủ sở hữu và hoạt động công nghệ khác nhau để hoàn thiện một quy trình phục vụ người tiêu dùng, khách hàng cũng như đảm bảo lợi ích người lao động.Vẫn là tranh cãi xung quanh việc định danh các công ty taxi công nghệ như Grab và vấn đề cạnh tranh công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ, các chuyên gia luật và vận tải đều khẳng định việc định danh các loại hình kinh tế mới không hề đơn giản.

Nhưng rõ ràng, Grab cũng không phải là hoạt động thuần túy trong việc chở khách như taxi truyền thống mà kết nối bởi nhiều yếu tố, chủ thể khác nhau. Vì thế, việc định danh grab không đơn giản, đòi hỏi sự tham gia của các cơ quan, bộ, ngành có liên quan, trong đó có Bộ Công Thương.

Phân tích sâu hơn dưới góc nhìn của một chuyên gia trong lĩnh vực GTVT, GS.TS. Từ Sỹ Sùa, Nguyên Trưởng bộ môn vận tải đường bộ và thành phố - Đại học GTVT cho rằng cần phân tích sâu sắc hơn mối quan hệ lợi ích trong các dịch vụ. Đó là lợi ích của khách hàng, lợi ích của Nhà nước (thông qua nghĩa vụ thuế); lợi ích của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và cuối cùng là lợi ích của người lao động trong doanh nghiệp (người lái xe - PV). “Thế nên, ứng xử với công ty công nghệ, chúng ta phải nghĩ đến hệ lụy xã hội, chứ không chỉ đơn thuần vấn đề về kinh tế”.

Một chuyên gia luật khác là ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng luật kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng: "Không nên đặt trong mối tương quan với taxi truyền thống bởi vì họ cung cấp 2 dịch vụ khác nhau. Một đằng là cung cấp dịch vụ vận tải trực tiếp một đằng là cung cấp dịch vụ nền tảng. Tôi nghĩ rằng cần thiết môi trường pháp lý cho kinh tế nền tảng và tôi hi vọng bản sau của đề án kinh tế chia sẻ của Bộ KHĐT sẽ hoàn thiện hơn".

"Cởi trói" cho taxi truyền thống

Cởi trói cho taxi truyền thống để cạnh tranh công bằng với Grab - Ảnh 2.

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng luật kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật

Trả lời vấn đề này, các chuyên gia đều cho rằng vấn đề đặt lên vai nhà quản lý là làm thế nào giảm bớt quy định với taxi truyền thống mà không còn phù hợp, tránh tình trạng không quản lý được thì "đeo đá" vào chân doanh nghiệp gọi xe công nghệ.Thế nhưng, khi chưa định danh được các công ty công nghệ mới, câu hỏi đặt ra là phải làm thế nào để quản lý đồng thời tạo ra sự cạnh tranh công bằng hơn cho các loại hình kinh doanh?

Theo Tiến sĩ Từ Sỹ Sùa, phải phát triển bền vững taxi công nghệ và taxi truyền thống chung sống hòa bình với nhau bằng cách cởi trói cho taxi công nghệ khỏi các điều kiện quá khắt khe hiện nay. Đồng thời ông cho hay, có một số điều kiện kinh doanh trong Nghị định 86 quá ngặt nghèo đối với taxi truyền thống.

Lấy ví dụ về vấn đề đồng hồ điện tử trên taxi, Tiến sĩ Từ Sỹ Sùa cho rằng: "Vấn đề này đừng qua khắt khe với taxi truyền thống. Nếu được thì taxi truyền thống báo giá luôn giống như là taxi công nghệ hiện nay, tránh hiện tượng vòng vo mua đường. Môi trường cạnh tranh phải bình đẳng, công khai. Không nhất thiết phải đầy đủ lệ bộ chúng ta mới có thể kinh doanh và đấy là một rào cản quá lớn".

Đồng quan điểm, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương cũng cho hay: doanh nghiệp tham gia thị trường thì phải có điều kiện kinh doanh bởi cần hướng đến an toàn cho người sử dụng, an toàn cho trật tự công cộng. Theo quan điểm của ông, điều kiện kinh doanh phải nhằm vào quản lý chỗ rủi ro, nếu không rủi ro đừng quản lý.

"Ví dụ trước đây người ta đánh giá taxi không có mào là taxi dù nhưng bây giờ với việc nhận diện phương tiện thông qua ứng dụng di động và người ta không cần nhìn vào cái xe cũng có thể biết chiếc xe đang đi về phía mình còn cách bao nhiêu km. Vậy thì câu chuyện buộc phải nhận diện thương hiệu tôi nghĩ là không cần thiết, do đó điều kiện kinh doanh sẽ thay đổi theo sự phát triển của công nghệ để ứng dụng trong việc cung cấp dịch vụ và khi công nghệ quản lý phát triển thì người ta không cần quản lý điều đó nữa. Trước đây, hợp đồng là phải ký bằng văn bản bằng giấy nhưng bây giờ một nút tắt trên màn hình điện thoại là có thể được và được thừa nhận toàn cầu, chúng ta có thể mua bán online và nếu ký trên giấy sẽ tạo ra chi phí giao dịch khổng lồ. Điều này có hại cho sự phát triển của xã hội và xu hướng sắp tới chắc chắn sẽ gỡ bỏ bớt các điều kiện kinh doanh. Chúng ta muốn bình đẳng thì thay vì đeo đá cho đối tượng nhẹ hơn, phải gỡ những hòn đá không hợp lý cho những đối tượng đang phải gánh chịu nhiều nghĩa vụ hơn", ông Dương phân tích.

Theo Duy Vũ

Cùng chuyên mục
XEM