Coi chừng “sập bẫy” Black Friday

23/11/2018 09:15 AM | Xã hội

Mặc dù nhiều cửa hàng trưng biển sale Black Friday “sập sàn”, giảm giá kịch trần… lên tới 70%, nhưng nếu không cẩn trọng, khách hàng dễ dàng mắc bẫy quảng cáo của doanh nghiệp, cửa hàng, đặc biệt là shop online.

TPHCM: Coi cho biết là chủ yếu 

Black Friday là ngày hội mua sắm có xuất xứ từ Mỹ gắn liền với những mặt hàng giảm giá sốc. Sự kiện này diễn ra vào thứ sáu tuần thứ 3 của tháng 11 hằng năm (năm nay nhằm vào ngày 23/11).

Với nhiều nước có ngành bán lẻ phát triển, Black Friday là ngày được người dân mong đợi nhất trong năm, vì ngày này, họ có thể sắm được những sản phẩm có thương hiệu với mức giảm giá từ 70% đến 90%. Dù ở Việt Nam, Black Friday mới rộ lên vài năm trở lại đây nhưng được rất nhiều người hưởng ứng.

Từ ngày 22/11, rất nhiều cửa hàng, shop thời trang tại TPHCM đã trưng bảng giảm giá khủng. Những băng-rôn đỏ chói gây ấn tượng mạnh khiến khách hàng khó có thể bỏ qua. Nhiều cửa hàng thông tin, họ không chỉ khuyến mãi trong ngày chính là thứ 6 ngày 23/11 mà còn tiếp tục áp dụng chương trình đến hết ngày 25/11.

Hưởng ứng Black Friday nhiều nhất là cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, giày dép, điện máy… cho biết, giảm nữa giá, hoặc mua 1 tặng 1… Các trung tâm thương mại Vincom, Parkson Diamond trang hoàng rực rỡ, có nhiều chương trình khuyến mãi “sập sàn” như túi xách, nước hoa, quần áo thời trang, giày dép… khuyến mãi 50%++.

Nhiều tín đồ “sale” cho hay, đúng ngày Black Friday thường quá tải do khách rất đông, vì vậy tốt nhất nên tranh thủ mua sớm trước đó. Vừa thoải mái lựa chọn, vừa còn nhiều size, mẫu mã…

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, rất nhiều khách hàng mua sắm trong ngày Black Friday, chỉ là để “coi cho biết”, mua rất ít. Chị Trần Thị Đào (32 tuổi, nhân viên kế toán Q.3) thắc mắc: “Đa số hàng hóa giảm giá đều là hàng hiệu. Đơn cử như chiếc váy đầm của một thương hiệu nổi tiếng của Ý tại một số cửa hàng, dù đã thông báo giảm nửa giá nhưng vẫn còn rất cao, khoảng 2 triệu đồng/cái. Điều đáng nói, giá cả trên nhãn mác có dán thêm dòng chữ khuyến mãi Black Friday, nhưng tháng trước, tôi có ghé qua đây tham khảo, thì chiếc áo này vẫn giá 2 triệu đồng, dù chẳng áp dụng chương trình khuyến mãi nào”.

Cẩn trọng xem xét từng đường kim, mũi chỉ trên đôi giày hàng hiệu tại một trung tâm mua sắm lớn ở Q.1, anh Đức Huân đắn đo: “Năm ngoái tôi cũng tậu vài đôi giày hiệu dịp này do thấy giá giảm tới 70%. Thế nhưng dùng chỉ 2 tháng đã thấy hở keo, bung chỉ. Tiệm cũng không bảo hành vì giải thích đây là hàng giảm giá nên không bao sửa chữa”.

Có kinh nghiệm mua sắm trong các dịp khuyến mãi lớn, chị Thùy Trang (28 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) cho rằng, các mặt hàng được giảm giá 70% - 90% thường là hàng lưu kho, nếu người mua chỉ cần chất lượng sản phẩm tốt, không quá quan trọng về độ mới hoặc “thời trang” thì nên cân nhắc mua. Thông thường, các sản phẩm mới ra sẽ có mức giảm chỉ từ 10% đến 20%.

Ngoài yếu tố giá, người tiêu dùng hiện nay khi mua hàng công nghệ, điện tử nên lưu ý đến thời hạn bảo hành sản phẩm. Nhiều người mua hàng công nghệ chính hãng giảm giá trong ngày Black Friday “ngã ngửa” khi sản phẩm bị rút ngắn thời gian bảo hành (ví dụ từ 12 tháng còn 3 tháng, từ 6 tháng chỉ còn 2 tháng…) thậm chí có nơi chỉ bao kiểm tra tại cửa hàng hoặc công bố miễn đổi trả. Để chọn được những mặt hàng công nghệ, điện tử giá rẻ và chất lượng, người mua nên chọn những sản phẩm có thời hạn bảo hành tối thiểu là 6 tháng, đồng thời kiểm tra kỹ ngoại hình, tính năng trước khi mua.

Chuyên gia thị trường Đoàn Đình Hùng cho rằng, doanh số bán hàng Black Friday cũng là một cách để kiểm tra sức khỏe của ngành bán lẻ, vì chi tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực ra, Black Friday không phải ngày vàng mua sắm mà chỉ là dịp để các nhà bán hàng nhìn lại mình hoặc sửa chữa lại doanh số của mình trong những ngày cuối năm.

“Black Friday không chỉ sôi nổi ở các cửa hàng, mà những kênh bán hàng online năm nay cũng nhộn nhịp không kém. Hấp dẫn là vậy, tuy nhiên người tiêu dùng cần tỉnh táo trước mức giảm giá “khủng” mà các cửa hàng quảng cáo. Đối với sản phẩm giảm giá là hàng thời trang, người mua cần xem kỹ các lỗi hay gặp như: sờn rách, lỗi đường may, ra màu... Với hàng điện tử cần nói “không” với các sản phẩm bị móp, hoặc từng bị lỗi phần cứng. Tương tự, mua mỹ phẩm giảm giá cần đặc biệt chú ý hạn sử dụng trên bao bì, bao bì không bị nhàu nát hoặc vô nước” - ông Hùng lưu ý.

Khuyến mại không còn hấp dẫn

Trước sự kiện giảm giá Black Friday diễn ra ngày 23/11, các siêu thị, cửa hàng trên phố ở Hà Nội shop online đều căng biển giảm giá để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng không còn hào hứng mua sắm trong ngày này, bởi người mua chẳng được khuyến mại nhiều như quảng cáo.

Những chương trình quảng cáo rầm rộ trước ngày Black Friday trên khắp thế giới tạo cho mọi người suy nghĩ rằng, các nhà bán lẻ giảm giá xuống mức thấp chỉ trong một ngày và nhiều nơi người dân giẫm đạp lên nhau để mua sắm. Ở Việt Nam, phong trào Black Friday được coi là cơ hội trong năm để bán hàng thu lợi nhuận lớn.

Dạo qua thị trường ngày 22/11, các cửa hàng trên phố lớn ở Hà Nội  như: Chùa Bộc, Thái Hà, Cầu Giấy...đua nhau căng biển quảng cáo giảm giá “sốc” từ 50 đến 90%.  Anh Quốc Trung, chủ cửa hàng thời trang trên phố Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Năm ngoái, vào ngày Black Friday, cửa hàng luôn kín khách mua từ 8 giờ sáng đến tận 10 giờ tối. Năm nay, tôi tăng cường thêm nhân viên bán hàng để phục vụ khách”.

Siêu thị AEON (Long Biên, Hà Nội)  cũng căng biển khuyến mại 50% trong 3 ngày từ ngày 23 đến 25/11 với các mặt hàng: Thực phẩm, gia dụng, điện máy, thời trang…. Theo báo cáo kinh doanh của doanh nghiệp, số lượng khách đến AEON Việt Nam vào dịp Black Friday đã liên tục tăng: hơn 140% vào năm 2016 và 150% vào năm 2017 so với năm trước đó.

Tuy nhiên, chị Hương Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Năm ngoái tôi mua chiếc váy len thương hiệu Zaza vào ngày Back Friday được giảm đến 30% so với giá gốc nhưng chỉ giặt qua 1 lần, chiếc váy đã bị hỏng. Năm nay, tôi không hào hứng việc mua sắm trong  ngày này nữa, bởi tưởng rẻ hóa đắt”. Cũng theo chia sẻ của nhiều khách hàng mua sắm vào ngày này năm ngoái, đa phần các cửa hàng giảm giá, khuyến mại mặt hàng thời trang lỗi mốt.

Quyền lợi của nhiều người bị xâm phạm

Theo đánh giá của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương, những năm gần đây, doanh nghiệp Việt Nam đã hưởng ứng sự kiện như Black Friday rất tích cực, đánh dấu một trong những sự kiện mua sắm, giảm giá lớn trong năm.

Tuy nhiên, theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thực tế cho thấy, trong và sau ngày Black Friday, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng đã bị xâm phạm khi nhiều người mua phải hàng hóa, dịch vụ với giá cả cao, chất lượng kém; bị lừa mua hàng bởi các thông tin có tính dụ dỗ, lừa dối, chế độ bảo hành không như cam kết...

Trước thực trạng này cũng như chuẩn bị bước vào mùa mua sắm, khuyến mãi giảm giá lớn trong năm đang ngày càng đến gần, để hạn chế quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khuyên: Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ lựa chọn cửa hàng, đơn vị kinh doanh uy tín trước khi giao dịch, ưu tiên giao dịch. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho rằng, cần thực hiện việc đánh giá và kiểm tra lại các thông tin do doanh nghiệp công bố trong sự kiện, đặc biệt là liên quan đến giá cả.

Thực tế cho thấy, trong và sau ngày Black Friday, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng đã bị xâm phạm khi nhiều người mua phải hàng hóa, dịch vụ với giá cả cao, chất lượng kém; bị lừa mua hàng bởi các thông tin có tính dụ dỗ, lừa dối, chế độ bảo hành không như cam kết...

Theo Uyên Phương-Ngọc Mai

Cùng chuyên mục
XEM