Cố vấn cao cấp FPT "ngỡ ngàng" với thành công khởi nghiệp của cô gái Trung Quốc
Từ câu chuyện khởi nghiệp thành công của một cô gái Trung Quốc, ông Hoàng Minh Châu, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT FPT, Cố vấn cao cấp về Văn hóa FPT cho rằng, để khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp, quan trọng nhất là cần có một môi trường khởi nghiệp tốt.
Trên trang tin nội bộ của FPT , ông Hoàng Minh Châu vừa có bài viết về yếu tố quan trọng để doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, theo ông đó chính là cần có một môi trường tốt cho khởi nghiệp. ICTnews đăng tải nguyên văn bài viết để giới thiệu đến độc giả một góc nhìn về điều kiện cần thiết cho doanh nghiệp khởi nghiệp của một trong những thành viên sáng lập FPT, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT và hiện là Cố vấn cao cấp về Văn hóa của tập đoàn này:
Ông Đinh La Thăng vừa đặt mục tiêu đến năm 2020, TP HCM sẽ có 500.000 doanh nghiệp. Đây là mục tiêu rất cao, vì theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, hiện có 270.000 doanh nghiệp đăng ký, nhưng thực chất chỉ có 170.000 doanh nghiệp hoạt động. Như vậy, trong 4 năm, cần có thêm 330.000 doanh nghiệp mới.
Nhiều người nghi ngờ khả năng đạt được mục tiêu này. Thay vì bàn lùi, tôi xin bỏ một phiếu ủng hộ quyết tâm này của Bí thư Thành uỷ, vì càng có nhiều doanh nghiệp mới càng tốt. Chúng sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội, đồng thời góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế Việt Nam theo hướng “kinh tế tư nhân nắm vai trò chủ đạo”.
Để khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp, theo tôi, quan trọng nhất cần có một môi trường khởi nghiệp tốt. Vậy như thế nào là một môi trường khởi nghiệp tốt?
Tôi xin hiến kế, bằng cách kể câu chuyện về một môi trường khởi nghiệp, mà tôi được biết cách đây gần chục năm khi đến thăm Hiệp hội CNTT tỉnh Quảng Tây.
Thú thật, tôi có hơi lăn tăn khi kể câu chuyện này. Tôi biết nhiều người không thích khi nhắc đến người hàng xóm. Tôi cũng vậy thôi. Tuy nhiên, tôi không phải là người cực đoan. Ghét thì vẫn ghét, nhưng họ có cái gì hay thì vẫn nên học hỏi.
Lúc ăn trưa với cán bộ Hiệp hội Quảng Tây, tôi được giới thiệu với một nữ doanh nhân trẻ. Khi đó, cô gái này mới 27 tuổi, nhưng đã là Chủ tịch kiêm TGĐ một công ty tư nhân, chuyên cung cấp giải pháp phần mềm cho các nhà máy đường, với 200 nhân viên.
Thấy cô gái quá trẻ nên tôi nghĩ, công ty này chắc là do bố mẹ cô dựng lên cho con gái. Tôi hỏi để kiểm tra sự nghi ngờ của mình: “Công ty này do chính cô thành lập?”, tôi hỏi. “Vâng. Em thành lập nó được 4 năm. Bắt đầu từ số 0. Hiện nay, 25% các nhà máy đường của cả nước là khách hàng của công ty em”.
Tôi thật sự ấn tượng. Đã từng lăn lộn trong lĩnh vực giải pháp phần mềm, tôi biết không dễ để đạt được thành công như cô gái trẻ này. Tôi liền đề nghị cô kể chi tiết toàn bộ quá trình khởi nghiệp và thật may mắn là cô vui vẻ đồng ý.
“Năm 2002, em tốt nghiệp thủ khoa trường đại học Quảng Tây, ngành phần mềm máy tính. Người của Hiệp hội mời em lên gặp mặt. Họ nói, hiện nay các kỹ sư trẻ nên có tinh thần doanh nhân. Họ khuyên, thủ khoa như em thì nên cân nhắc khởi nghiệp, tốt hơn là làm công ăn lương. Nếu em đồng ý, họ sẽ hỗ trợ.
Sau đó họ cử một chuyên gia đến hướng dẫn cho em các thủ tục cần thiết để thành lập công ty. Ngày nay, nhà nước khuyến khích khởi nghiệp, nên các thủ tục mở công ty rất dễ dàng và nhanh chóng. Sau một tuần, mọi thủ tục thành lập công ty đã hoàn tất.
Để giảm chi phí, khi công ty mới chưa có lợi nhuận, Hiệp hội cam kết hỗ trợ miễn phí công tác kế toán và tuyển dụng nhân sự trong năm đầu tiên. Nhà nước cũng miễn thuế cho các công ty khởi nghiệp trong 5 năm.
Công ty mới cần vốn để hoạt động. Trước đây, để tránh rủi ro, các ngân hàng đều yêu cầu có tài sản thế chấp với mọi khoản vay. Ngày nay, các ngân hàng đã hiểu rằng, cho các kỹ sư trẻ tài năng vay để lập nghiệp là an toàn, vì họ thế chấp bằng tuổi trẻ, bằng tương lai của chính họ. Với sự giới thiệu của Hiệp hội, một ngân hàng đã cho em vay 500.000 nhân dân tệ, với lãi suất ưu đãi, thời hạn 5 năm.
Công ty đã thành lập. Tiền vốn ban đầu cũng đã có. Nhưng làm gì? Từ đầu em đã định hướng là làm giải pháp phần mềm. Nhưng làm sao để có hợp đồng? Và đây là bước rất quan trọng. Hiệp hội giới thiệu một công ty tiền bối hỗ trợ. Công ty em nhận lại từ công ty tiền bối hai hợp đồng gia công. Những hợp đồng đầu tiên này tuy chưa mang lại lợi nhuận, nhưng nó có ý nghĩa đặc biệt. Nhờ có chúng mà em xây dựng được đội ngũ làm phần mềm của mình, đồng thời tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm.
Sau đó thì mọi việc cứ từng bước đi vào quỹ đạo. Lúc đầu, để kiếm được hợp đồng, em tìm đến những khách hàng nhỏ, vừa sức của mình. Các khách hàng ngày nay cũng có ý thức giúp các công ty khởi nghiệp. Họ không chê chúng em là công ty nhỏ và mới. Quan trọng là làm sao để họ tin rằng mình có thể thực hiện tốt công việc. Để đáp lại sự tin cậy của họ, chúng em cũng lấy giá thấp hơn các công ty lớn”.
Tôi thật sự ngỡ ngàng. Hoá ra, để một công ty khởi nghiệp thuận lợi, cần một môi trường hỗ trợ đồng bộ mọi mặt: Hiệp hội: tư vấn, cung cấp miễn phí dịch vụ kế toán và tuyển dụng; Quản lý nhà nước: thủ tục thành lập công ty đơn giản và thuận tiện; miễn thuế cho các công ty khởi nghiệp 5 năm; Ngân hàng: tin tưởng vào tuổi trẻ khởi nghiệp, cho vay với lãi suất ưu đãi, không cần thế chấp; Bạn hàng: công ty tiền bối hỗ trợ việc làm ban đầu; Khách hàng: có ý thức giúp đỡ các công ty khởi nghiệp.
Tôi hỏi tiếp: “Sau khi nhận được nhiều sự hỗ trợ như thế, công ty cô phải có trách nhiệm gì với xã hội không?”. “Có. Bắt đầu từ năm trước, công ty em cam kết với Hiệp hội, hằng năm có trách nhiệm hỗ trợ hai công ty mới khởi nghiệp, với tư cách là công ty tiền bối”, cô phản hồi.
Tôi không còn câu hỏi gì nữa. Mọi mảnh ghép đã hoàn chỉnh. Nếu tất cả đúng như lời kể của nữ doanh nhân này thì quả thật họ có một môi trường tuyệt vời cho các bạn trẻ khởi nghiệp.
Không biết câu chuyện này có gợi ý gì cho Thành phố trong việc xây dựng môi trường hỗ trợ cho khởi nghiệp hay không? Cá nhân tôi tin rằng, nếu xây dựng được môi trường như thế, 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020 cũng không phải là một mục tiêu quá viển vông.