6 lời khuyên nhà sáng lập Cốc Cốc dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp

08/07/2016 19:43 PM | Kinh doanh

Nhà sáng lập Cốc Cốc, anh Lê Văn Thanh thông qua những kinh nghiệm thực tế của mình, đã có những chia sẻ xoay quanh câu chuyện khởi nghiệp.

1. Hãy tìm những người cùng chung chí hướng. Theo anh Thanh, không chỉ ở Cốc Cốc mà ở bất kỳ startup nào thì tìm ra nhóm cùng chí hướng phát triển sản phẩm của mình cũng là điều rất quan trọng. Cốc Cốc thời gian đầu cũng như tất cả các startup khác, cũng đều thiếu kinh nghiệm, nhưng do 3 người sáng lập có chung chí hướng, cộng thêm mỗi người có một sở trường riêng, nên việc phát triển hoạt động gặp nhiều thuận lợi.

Ngoài ra, trong quá trình phát triển sản phẩm, khó khăn là điều không thể tránh khỏi và chỉ có một đội ngũ hiểu nhau mới có thể giữ ngọn lửa xây dựng công ty.

2. Hãy khởi nghiệp khi còn trẻ. Tuổi trẻ luôn có tinh thần, nhiệt huyết và sự năng động cao. Trong khi đó, nếu khởi nghiệp muộn, chúng ta sẽ có nhiều mối lo hơn, nhiều áp lực lớn hơn. Ngoài ra, những yêu cầu khi khởi nghiệp muộn cũng sẽ cao hơn so với khi khởi nghiệp lúc còn trẻ. Vì thế, các bạn startup có mong muốn khởi nghiệp nên bắt đầu càng sớm càng tốt.

Anh Lê Văn Thanh, nhà sáng lập Cốc Cốc
Anh Lê Văn Thanh, nhà sáng lập Cốc Cốc

3. Hãy chọn những ý tưởng mà người dùng có nhu cầu lớn, bởi lẽ nhà đầu tư khi rót vốn vào các startup sẽ quan tâm nhất tới khả năng tiêu thụ của sản phẩm. Nếu bạn thể hiện được cho nhà đầu tư thấy bạn có khả năng tạo ra sản phẩm và sản phẩm đó có nhu cầu sử dụng lớn thì nhiều khả năng bạn sẽ gọi vốn thành công.

4. Đừng ngại. Hãy mạnh dạn tiếp xúc với tất cả nhà đầu tư mà bạn có thể, kể cả các quỹ đầu tư chia sẻ thông tin liên hệ trên mạng Internet, vì bản thân các nhà đầu tư cũng rất chờ đón và mong muốn tìm thấy những sản phẩm có tiềm năng, những sản phẩm phù hợp với chiến lược của họ. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng sẽ có hứng thú với thị trường mà họ tò mò, ví dụ như thị trường Việt Nam.

5. Với những người gặp khó khăn về vốn, nên đơn giản hoá ý tưởng, làm nó nhỏ hơn một chút. Hoặc bạn có thể tham gia các dự án phù hợp với sản phẩm, tích luỹ kinh nghiệm từ các sản phẩm đó, trước khi tích luỹ về vốn. Trong trường hợp bắt buộc cần vốn để startup ngay lập tức, bạn nên tìm tới những người cảm thấy hào hứng với ý tưởng của bạn, để họ cùng làm, hoặc huy động vốn từ người thân và bạn bè, đó là những nguồn huy động vốn khả dĩ nhất.

6. Nếu thất bại, nên có điểm dừng. Khi startup của bạn không thành công, bạn nên có điểm dừng để suy nghĩ về dự án tiếp theo mà bạn muốn phát triển là gì, chứ không nên vừa thất bại lại thực hiện ngay một dự án mới.

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM