5 bài học khởi nghiệp của CEO 8X “chỉ thích đi chùa”
Tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, trở thành cán bộ tuyển sinh của Viện Quản trị Kinh doanh FSB thuộc Đại học FPT, Trần Sỹ Sơn, nhà sáng lập đồng thời là Giám đốc của Công ty du lịch PYS Travel, kiên quyết bỏ lại công việc đang trên đà phát triển để “làm một thứ gì đó” của riêng mình.
Mạnh mẽ và đầy bản lĩnh, vị CEO 8X có một sở thích đặc biệt, đó là đi chùa. Trải lòng về những thành công cũng như thất bại trên con đường khởi nghiệp của mình, Trần Sỹ Sơn gói gọn trong 5 bài học khởi nghiệp gửi đến các bạn trẻ.
Chân dung vị CEO 8X Trần Sỹ Sơn.
Cộng sự là anh em
Thời sinh viên, Trần Sỹ Sơn thường xuyên tổ chức các chuyến đi cho anh em CLB sinh viên tình nguyện. Từ ngày đó, anh đã có “máu liều”, muốn mở dịch vụ về du lịch. Dịp cao điểm du lịch 2009, anh cùng một người bạn góp nhau “hẳn” 1 triệu đồng đặt chuyến xe 45 chỗ làm tour Hà Nội - Đà Nẵng. Khoản lãi 7 triệu được coi là nguồn vốn đầu tiên. Năm 2010, Sơn chính thức khởi nghiệp cùng với 3 cộng sự.
Theo anh Sơn, một trong những vấn đề lớn nhất của các công ty khởi nghiệp là sự thiếu đồng nhất của các sáng lập viên. Sỹ Sơn chia sẻ: “Khi công ty không có gì, mọi thứ chỉ là con số tượng trưng thì rất dễ, nhưng trên con đường phát triển, trở thành các con số thật về lợi ích, khi ấy rất cần những cộng sự hợp, hiểu và coi nhau như anh em. Nhóm lãnh đạo dù bất đồng quan điểm, thậm chí căng thẳng với nhau, nhưng vẫn thống nhất định hướng chung, truyền lửa đến nhân viên phía dưới.”
Đừng quá tự tin và liều lĩnh
Rời khỏi công việc cũ ở vị trí trưởng phòng, môi trường tốt, lương cao, Sỹ Sơn vấp phải thất bại nặng nề ngay từ điểm khởi đầu.
Anh tổ chức một tour mới đi Thiền viện Trúc Lâm An Tâm (Vĩnh Phúc) với mức giá bị tính toán sai, khiến công ty lỗ hơn 100 triệu. Tâm sự về trải nghiệm “nhớ đời” này, Trần Sỹ Sơn chỉ cười: “Phần tiền thu về vừa đủ để trả tiền xe. Rất may là lần đó, các sư cô ở Thiền viện biết chuyện, đã hỗ trợ toàn bộ tiền ăn và chỗ nghỉ cho tất cả khách. Đó như là chiếc “phao sống”, cứu chúng tôi trước bờ vực phá sản. Tôi hay đùa, chắc do trước đây làm tình nguyện nhiều nên được đời “trả công””.
Vượt qua thử thách này, hoạt động công ty ngày càng thuận lợi. Từ 4 nhà sáng lập, công ty đã có 40 nhân viên, gần 20 cộng tác viên, hơn 12,000 khách đặt tour chỉ trong năm 2015.
Sau lần “làm liều” của vị CEO trẻ tuổi, anh có được một bài học xương máu – đừng quá tự tin. Tại Việt Nam, hàng loạt vườn ươm, quỹ hỗ trợ, chế tài, chính sách được đặt ra để hỗ trợ các bạn trẻ làm start-up. Đây là một tín hiệu đáng mừng, nhưng đồng thời đòi hỏi phải có bản lĩnh vững vàng.
Lỗi lớn của nhiều bạn trẻ khi khởi nghiệp là tự tin thái quá. Các bạn thường ngại chia sẻ ý tưởng vì sợ bị đánh cắp, cũng thường phản ứng tiêu cực khi người khác chỉ ra những nhược điểm của mình. Khi đặt cái tôi quá lớn, bạn sẽ không thể tiếp thu được kinh nghiệm từ thất bại mà chỉ nghe một chiều những bài học thành công. Đến khi đối mặt với thử thách thực sự, hầu như các bạn đều không chống chọi được và phải dừng lại, dù ý tưởng ban đầu rất khả thi.
Lấy con người làm trung tâm
Ở doanh nghiệp mình, Trần Sỹ Sơn tự hào nhất là sự gắn kết và chiến lược nhân sự. Anh cho biết: “Trong cuốn “Từ tốt đến vĩ đại”, tôi rất tâm đắc với chiến lược “Người phù hợp”, và lấy đó làm cốt lõi cho chiến lược nhân sự của công ty”.
Theo đó, năng lực cũng quan trọng, nhưng nhân sự năng lực cao mà không phù hợp chỉ khiến chủ doanh nghiệp mất nhiều thời gian đào tạo mà lại dễ ra đi. Thay vì vậy, hãy lựa chọn người phù hợp với “tính cách của công ty” - văn hóa doanh nghiệp.
Ban đầu khi quy mô công ty nhỏ, anh Sơn trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với từng ứng viên, giúp họ cởi mở và coi lãnh đạo như anh em thay vì mối quan hệ sếp - nhân viên.
Tuy nhiên, với chiến lược mở rộng quy mô doanh nghiệp trong tương lai, CEO trẻ có một cách làm khác: “Tôi đang nỗ lực xây dựng một bộ “gene” mô tả về tính cách của công ty mình để bộ phận nhân sự tìm được đúng những ứng viên phù hợp.”
Ngoài ra, công ty anh thường tổ chức các hoạt động tình nguyện như tặng áo ấm cho trẻ vùng cao, phát bánh chưng miễn phí cho người nghèo dịp Tết, hiến máu nhân đạo… để tạo sự gắn kết. Trần Sỹ Sơn tin rằng chiến lược nhân sự “lấy con người làm trung tâm” sẽ còn phù hợp với doanh nghiệp mình trong vòng ít nhất 5 năm tới.
Trần Sỹ Sơn và Ban lãnh đạo Công ty đang được nguyên CEO FPT Nguyễn Thành Nam tư vấn về chiến lược phát triển.
Đừng coi tiền là mục đích
Theo anh Sơn, các bạn sinh viên sau khi ra trường chưa nên khởi nghiệp sớm mà hãy dành 1 khoảng thời gian nhất định để làm việc tại các tập đoàn lớn. Đó là môi trường tốt nhất để học hỏi về văn hóa, quản lý, chiến lược, quy trình quy định, nhằm áp dụng vào doanh nghiệp mình.
Bản thân anh đặt mục tiêu rất rõ ràng cho sự nghiệp của mình, trong 2-3 năm đầu phải tồn tại, phải sống sót. Anh tập trung khai thác điểm nhấn khác biệt để đưa doanh nghiệp lên vị trí dẫn đầu tại một số thị trường nhất định thay vì dàn trải. Đồng thời, CEO 8X chấp nhận bớt lợi nhuận để tạo thêm giá trị cảm xúc cho khách hàng, như tặng áo cờ đỏ sao vàng, dịch vụ “quà tặng âm nhạc” trên xe hay những bức ảnh khung gỗ đáng yêu.
Lợi thế cạnh tranh của công ty là quan tâm tới yếu tố con người hơn là mục tiêu lợi nhuận. “Làm quản trị thì phải quản lý được tài chính, nhưng đừng coi cái đích duy nhất của mình là làm giàu.”
Hãy không ngừng học tập
Thấu hiểu được giá trị của tri thức, đặc biệt đối với nhà quản trị, khi phát hiện nhiều vấn đề về tư duy lãnh đạo, quản lý, Trần Sỹ Sơn quyết định ban lãnh đạo, sau đó đến nhân viên, đều cần phải phải phát triển bản thân thông qua việc học. doanh nghiệp mình trong vòng ít nhất 5 năm tới.
Đối với anh Sơn, học tập là phương pháp hệ thống hóa tư duy quản trị và giúp anh có thêm kinh nghiệm thực tế từ chia sẻ của các chuyên gia.
Riêng với Sơn, cá nhân anh đã học liền 3 khóa dành cho CEO tại Viện Quản trị Kinh doanh FSB. Đầu tiên, anh học MiniMBA trong 3 tháng để lấy kiến thức thực tiễn, áp dụng ngay vào công việc đang làm. Tiếp đó, anh học khóa Quản trị Tài chính dành cho nhà Quản lý Phi tài chính FMF để quản lý tài chính được tốt hơn.
Còn hiện tại, anh đang theo học khóa FeMBA kéo dài 2 năm của FSB. Trần Sỹ Sơn cho biết: “Trước đây tôi làm quản lý kiểu học mót từ sách vở, áp dụng nhưng ko bài bản. Chúng tôi chỉ tập trung cho việc kinh doanh, xem nhẹ những mảng khác, nên việc quản trị trở nên khó khăn hơn khi quy mô công ty ngày càng lớn. Khóa FeMBA giúp tôi hệ thống lại tư duy quản lý, hiểu bài bản về kỹ năng quản trị, đặc biệt về hành vi tổ chức, chiến lược nhân sự, quản trị tài chính.
Trong khóa học, những buổi hội thảo với các chuyên gia giàu kinh nghiệm thực tế đã giúp tôi có thêm nhiều kiến thức bổ ích cho hoạt động quản trị. Tôi thích học ở FSB vì tại đây, tôi được kết nối với nhiều CEO và chuyên gia hàng đầu Việt Nam, có thể tư vấn giúp tôi mỗi khi gặp vấn đề lớn”.
Theo anh Sơn, học và kết nối với những bạn học thông minh là cách tốt nhất để đưa công ty phát triển.