Có thể bạn chưa biết: Tổng thống Obama cũng có sư phụ, và phong cách của ông học rất nhiều từ hình mẫu lý tưởng của người đàn ông này
Có thể nói, chính nhờ sự ảnh hưởng từ ông Lincoln mà ngày nay, nước Mỹ có một vị Tổng thống được yêu mến như Obama.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2008, Tổng thống Barack Obama đã nói rằng cuốn “Team of Rivals” (Làm việc cùng kẻ thù) nói về cựu tổng thống Abraham Lincoln là cuốn sách ưa thích nhất của ông ngoài Kinh Thánh. Vị tổng thống da màu này cũng không ngần ngại bày tỏ hình mẫu tổng thống lý tưởng mà ông ngưỡng mộ là cựu tổng thống Lincoln.
Vậy điều gì khiến tổng thống Obama thần tượng Lincoln giữa biết bao nhiêu người đã từng làm ông chủ Nhà Trắng?
Không bao giờ bỏ cuộc
Nhìn lại cuộc đời của tổng thống Lincoln, bạn sẽ thấy con đường của ông đầy trông gai. Sinh năm 1809, ông Lincoln và gia đình đã buộc phải tha hương khỏi vùng Kentucky đến Indiana nhằm kiếm kế sinh nhai vào năm 1816.
Trong thời kỳ này, ông Lincoln đã bắt đầu phải làm việc giúp đỡ gia đình khi mới 7 tuổi. Sau đó lần lượt vào các năm 1818, 1828, mẹ và chị ông qua đời.
Bởi gia đình Lincoln thời đó rất nghèo nên ông phải tự giáo dục bản thân. Tuy nhiên, những người xung quanh ông lại cho rằng việc học chữ, đọc sách mà bỏ bê đồng áng, công việc là lười nhác.
Tranh chân dung cựu Tổng thống Abraham Lincoln.
Bất chấp những ý kiến phản đối, ông Lincoln vẫn kiên trì học chữ và quyết định chuyển sang kinh doanh. Thật không may, ông liên tiếp thất bại và phá sản khi mở doanh nghiệp vào các năm 1831 và 1833. Thậm chí, người vợ đính hôn của ông còn qua đời vào năm 1835.
Thời kỳ này, ông Lincoln quan tâm nhiều hơn đến luật và chính trị. Dù có ý định theo học trường luật nhưng ông không được chấp nhận. Ông cũng tham gia nhiều cuộc bầu cử địa phương nhưng phần lớn thất bại.
Đến năm 1836, ông hoàn toàn bị suy sụp và thậm chí không thể rời khỏi giường trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, ông Lincoln không chịu lùi bước và tiếp tục tranh cử các năm 1836, 1840, 1843, 1848, 1854, 1856,1858 dù đều thất bại.
"Tôi bước chậm, nhưng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc", Tổng thống Lincoln nói.
Phải đến năm 1860, ông Lincoln mới đắc cử thành tổng thống thứ 16 của Mỹ. Dẫu vậy, ông tiếp tục phải chiến đấu giải phóng ách nô lệ cho người gia đen trong cuộc nội chiến Nam Bắc Mỹ để đưa quốc gia này đến thống nhất.
Nhìn lại cuộc đời của Abraham Lincoln, chúng ta có thể thấy rõ sự phấn đầu không mệt mỏi cho lý tưởng và những mục tiêu mà mình theo đuổi. Bất chấp khó khăn, ông Lincoln không bao giờ dùng những thất bại của mình làm cái cớ để từ bỏ ước mơ.
Nếu so sánh theo một khía cạnh nào đó, Tổng thống Obama có một vài đặc điểm khá tương đồng với ông Lincoln. Trong chương trình dã ngoại thực tế “Bear’s Wild Adventure”, Tổng thống Obama đã nói rằng mình coi trọng phẩm chất kiên trì nhất. Ông lấy ví dụ về những đứa trẻ Châu Phi khi những đứa bé kiên trì chịu đựng nhất là người sống sót chứ không phải những em khỏe mạnh hay thông minh nhất.
Những chính sách và quan điểm của Tổng thống Obama cũng cho thấy đức tính kiên trì, không sợ khó khăn của vị tổng thống này. Các dự luật Dodd Frank, chương trình cải cách y tế Obamacare, hiệp định TPP... đều nhận được sự phản đối quyết liệt từ nhiều phía. Tuy nhiên, ông Obama có quan điểm riêng của mình và trung thành với ý kiến đó nếu nhận thấy điều đó là đúng.
Tổng thống Obama trước chân dung Abraham Lincoln.
Không quan trọng bạn là ai, miễn làm được việc
Có một sự thú vị rằng cả Tổng thống Obama và ông Lincoln đều có niềm đam mê với ngành luật, đồng thời cả 2 cũng có tài hùng biện vô cùng xuất sắc.
Tuy vậy, có lẽ điều nổi bật nhất làm nên thành công sau đức tính kiên trì của 2 nhà lãnh đạo tài ba này là sự quyết đoán, bao dung khi dùng người.
Năm 1861, Tổng thống Lincoln bổ nhiệm nhà chính trị Salmon Chase vào chức Bộ trưởng Tài chính và để ông ấy đương nhiệm trong 3 năm liền bất chấp việc ông Chase luôn mong muốn thay thế Lincoln để trở thành tổng thống. Thậm chí, ông Lincoln biết rằng Bộ trưởng Chase sẽ tăng cường liên hệ với các nghị sỹ và thành viên nội các để tăng sự hẫu thuẫn cho mình.
Năm 1862, Tổng thống Lincoln đưa ông Edwin Stanton vào ban nội các dù tính khí của 2 người này trái ngược nhau. Trong khi ông Lincoln nổi tiếng với sự bao dung, sẵn sàng tha thứ cho các đào binh thì ông Stanton lại muốn xử tử tất cả bọn họ để giữ gìn kỷ luật quân đội. Biết được sự khác nhau đó nhưng ông Lincoln vẫn tin tưởng tuyển Stanton.
Với tư cách là nhà lãnh đạo, ông Lincoln biết rằng không quan trọng người được tuyển vào ban nội các hay các bộ trưởng là ai, từng làm gì hay có quan điểm như thế nào. Điều quan trọng nhất là họ làm được việc và thực sự giúp ích được cho đất nước.
Ông Obama và chân dung cựu Tổng thống Lincoln.
Theo Lincoln, những yếu tố như thù địch, trái ngược tính cách hay các lý do cá nhân không nên xem xét khi ra quyết định với tư cách là một nhà lãnh đạo cấp cao. Điều này cũng được ông Obama học tập khi tuyển nghị sỹ Hillary Clinton, người từng là đối thủ tranh cử của ông vào chức ngoại trưởng Mỹ.
Trong khi đó, người từng cạnh tranh chạy đua vào Nhà Trắng với ông Obama là Joe Biden cũng được chọn làm Phó Tổng thống. Một số nghị sỹ của Đảng Cộng Hòa (Ông Obama từng thuộc Đảng Dân Chủ trước khi trở thành tổng thống) đầy quyền lực như Robert Gates hay Ray LaHood cũng được đưa vào nội các Mỹ.
Rõ ràng, ông Obama cũng không quan tâm nhà chính trị gia đó là ai, có ghét mình hay không, miễn là người đó làm được việc thì ông sẽ tuyển.
Chỉ còn chưa đến 100 ngày nữa là Tổng thống Obama phải rời Nhà Trắng, nhưng những di sản mà ông để lại chắc chắn sẽ còn được nhắc tới trong tương lai. Cũng tương tự như Abraham Lincoln, người từng được bầu chọn là vị tổng thống được yêu thích nhất nước Mỹ, ông Obama hiện cũng nhận được sự ủng hộ và tôn trọng rất cao từ người dân.
Có thể nói, chính nhờ sự ảnh hưởng từ ông Lincoln mà ngày nay, nước Mỹ có một vị Tổng thống được yêu mến như Obama.