Cơ quan thuộc chính phủ Mỹ: Xe điện Tesla không giống quảng cáo - Có thể bị rút giấy phép?
Cục Phương tiện Đường bộ California cho rằng Tesla đang quảng cáo quá đà về tính năng hỗ trợ lái tự động trên các mẫu xe điện của hãng.
QUẢNG CÁO SAI SỰ THẬT
Hôm 28/7, Cục Phương tiện Đường bộ California, Mỹ (California Department of Motor Vehicles - California DMV) đã gửi đi một số văn bản, trong đó có nêu rằng Tesla hiện đang quảng cáo không đúng sự thật về 2 tính năng nổi bật của hãng: Autopilot và Full Self-Driving.
Cơ quan này cho rằng Tesla đã khiến người tiêu dùng hiểu chưa đúng khi các thông điệp quảng cáo trên trang web của hãng đã mô tả quá khả năng thực sự về công nghệ hỗ trợ lái được trang bị trên các mẫu xe của hãng. Các văn bản của Cục có nêu rằng Tesla "đã thực hiện hoặc lan truyền các thông tin không đúng sự thật, dễ hiểu nhầm, và không thực tế".
Gói tính năng Full Self-Driving có giá 12.000 USD, chỉ được kích hoạt cho những người lái mà Tesla phê duyệt.
Văn bản của Cục chỉ rõ tên của công nghệ mà Tesla đang quảng cáo sai, đồng thời cũng chỉ ra đoạn thông tin "gây hiểu nhầm" được đăng tải trên trang web của hãng. Đoạn thông tin được cho là sai lệch xuất hiện trên trang web của hãng:
"All you will need to do is get in and tell your car where to go. If you don’t say anything, your car will look at your calendar and take you there as the assumed destination. Your Tesla will figure out the optimal route, navigating urban streets, complex intersections and freeways."
(Tạm dịch: "Những gì bạn cần làm sẽ bước vào xe và nói ra nơi cần đến. Nếu bạn không nói gì, chiếc xe của bạn sẽ tự xem lại lịch, suy luận điểm đích và đưa bạn đến. Chiếc Tesla của bạn sẽ tự tìm tuyến đường tối ưu, băng qua các con phố nội đô, các giao lộ đông đúc và đường cao tốc.")
Sau thông tin đó, nhiều phỏng đoán cho rằng Cục Phương tiện Đường bộ California sẽ có các biện pháp xử lý, có thể bao gồm việc rút giấy phép sản xuất và kinh doanh xe tại bang California, Mỹ. Cục chưa chính thức đưa ra biện pháp xử lý, song, biện pháp thực tế có thể không nặng như vậy.
Thứ 6 vừa qua, đại diện của Cục đã có trao đổi qua email với tờ Thời báo Los Angeles, cho biết: "Cục sẽ yêu cầu Tesla phải thông tin tới người dùng nói chung và người sử dụng Tesla nói riêng về khả năng của tính năng 'Autopilot' và 'Full Self-Driving', trong đó phải có các cảnh báo nguy hiểm về các hạn chế của tính năng, và điều chỉnh các hành động phù hợp với những gì đã vi phạm".
Tỷ phú Elon Musk từng cho rằng Tesla sẽ "chỉ là con số 0" nếu thiếu đi tính năng hỗ trợ lái tự động. Ảnh: Getty Images Europe
Nói thêm về các tính năng hỗ trợ lái tự động của hãng, vị tỷ phú Elon Musk - Giám đốc Điều hành của Tesla - đã từng có phát ngôn thể hiện tầm quan trọng của tính năng hỗ trợ lái tự động Full Self-Driving với hãng. Elon Musk cho rằng nếu thiếu đi tính năng này, Tesla "chỉ là con số 0".
Hiện Tesla đang bán gói tính năng Full Self-Driving cho người dùng với mức giá 12.000 USD (tương đương khoảng 280 triệu đồng), quảng cáo rằng Full Self-Driving có thể tự điều khiển chiếc xe trên các tuyến cao tốc, đường nội đô, đường nội khu; có khả năng tuân thủ biển báo giao thông; có thể tự đỗ xe mà không cần người lái điều khiển.
XE ĐIỆN TESLA CHƯA TỪNG LÀ XE TỰ HÀNH
Đã có nhiều vụ hệ thống hỗ trợ lái tự động của Tesla mắc lỗi khiến chiếc xe đâm vào xe ưu tiên dừng bên đường, từ đó dẫn tới một loạt điều tra hướng về Tesla.
Cho dù tính năng hỗ trợ lái tự động này mang tên Full Self-Driving (dịch sát nghĩa: "Tự lái đầy đủ"), chưa một chiếc xe nào do Tesla bán ra đủ khả năng đạt tầm "tự lái hoàn toàn". Cục Phương tiện Đường bộ California, Mỹ cũng nêu rằng xe điện Tesla chưa từng làm được như vậy, "và sẽ chưa thể vận hành giống một phương tiện tự hành ở hiện tại".
Văn bản của Cục cũng nêu rằng trên trang web của Tesla, hãng ghi rằng "tính năng hiện tại cần được vận hành khi có giám sát của người lái và sẽ không biến chiếc xe thành phương tiện tự hành". Tuy nhiên, Cục cho rằng "tuyên bố miễn trừ trách nhiệm" này của Tesla "mâu thuẫn với các thông tin không đúng, gây hiểu nhầm được quảng cáo và đặt tên, và không thể biện hộ cho hành vi vi phạm".
Hệ thống hỗ trợ lái tự động có thực sự mang lại an toàn?
Trên thực tế, khó có thể phủ nhận rằng công nghệ hỗ trợ lái tự động của Tesla đã khiến hãng và các sản phẩm của hãng trở nên nổi bật và có một vị thế đáng mơ ước trên thị trường vốn đã quá đông đúc. Tuy nhiên, liệu tính năng của hãng có thực sự mang lại sự an toàn cho người ngồi trên xe giống như những điều Tesla nói đang hướng tới vẫn là một dấu hỏi.
Một loạt video trên các trang mạng xã hội cho thấy những tình huống hệ thống hỗ trợ lái tự động của Tesla đẩy chiếc xe và người ngồi trên xe, cũng như những người cùng tham gia giao thông, vào tình thế nguy hiểm, đáng kể tới là những lần có nguy cơ đâm trực diện vào xe tải đi ngược chiều hay đâm vào tàu hỏa, mà nếu như người cầm lái Tesla không kịp thời phản ứng thì đã xảy ra thảm họa. Một video khác cách đây vài tháng ghi lại cảnh một chiếc Tesla đã nhận diện Mặt Trăng là đèn tín hiệu giao thông suốt một quãng đường dài.
Hệ thống hỗ trợ lái tự động giúp Tesla nổi bật trên thị trường.
Hiện không có thông tin về số lần tính năng hỗ trợ lái tự động Full Self-Driving liên quan đến các tai nạn dẫn đến thương vong hoặc tử vong. Hệ thống máy tính trên Tesla trên thực tế có khả năng ghi lại các thông tin này, song nó chỉ truyền tới cơ sở dữ liệu nội bộ của Tesla và không công khai với công chúng, và cũng có thể không cho các nhà quản lý biết, bởi Tesla có thể cho rằng đó là bí mật kinh doanh.
Gần đây, tỷ phú Elon Musk cũng khẳng định rằng hệ thống Full Self-Driving chưa từng dính vào bất cứ tai nạn nào của Tesla, nhưng đã có ít nhất 9 chủ sở hữu Tesla đã nộp đơn phản ánh lên chính phủ liên bang Mỹ về các vụ tai nạn được cho là có liên quan đến Full Self-Driving.