Cổ phiếu nào là "tội đồ" khiến VN-Index đánh rơi 30 điểm, thổi bay hơn 117.000 nghìn tỷ vốn hóa HOSE trong phiên đầu tuần?

14/02/2022 16:55 PM | Kinh doanh

Độ rộng thị trường phiên 14/2 nghiêng hoàn toàn về bên bán, thống kê trên toàn thị trường có tới 676 cổ phiếu giảm điểm, trong đó có 23 mã giảm sàn.

Sau những phiên cuối tuần trước giao dịch giằng co quanh ngưỡng 1.500 điểm, thị trường chứng khoán mở cửa phiên đầu tuần 14/2 trong sắc đỏ bao trùm. Đặc biệt, thị trường "rực lửa" trong phiên chiều khi VN-Index sau phiên ATC đã đánh rơi gần 30 điểm cùng áp lực bán tháo ồ ạt tại hàng loạt nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 29,75 điểm (1,98%) xuống 1.471,96 điểm; HNX-Index giảm mạnh 1,38% xuống 421,01 điểm và UPCom-Index giảm 1,5% xuống 110,85 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về bên bán, thống kê trên toàn thị trường có tới 676 mã giảm điểm, trong đó có 23 mã giảm sàn.

Phiên giảm điểm 24/1 đã "thổi bay" hơn 117.000 tỷ đồng vốn hóa của sàn HoSE, giá trị còn lại khoảng 5.631.828 tỷ đồng.

Cổ phiếu nào là tội đồ khiến VN-Index đánh rơi 30 điểm, thổi bay hơn 117.000 nghìn tỷ vốn hóa HOSE trong phiên đầu tuần? - Ảnh 1.

 Tâm điểm trong phiên đầu tuần đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, khi đà bán mạnh đẩy hàng loạt cổ phiếu chìm trong sắc đỏ, thậm chí LPB, STB giảm sàn trắng bên mua. Ngay cả các "ông lớn" như VCB, CTG, BID, TCB cũng ghi nhận mức giảm với biên độ đều trên 4%. Lực đè mạnh từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, trong đi phe tăng điểm quá yếu ớt khiến thị trường đóng cửa tại mức điểm thấp nhất phiên, lùi sát ngưỡng 1.470 điểm.

Cổ phiếu nào là tội đồ khiến VN-Index đánh rơi 30 điểm, thổi bay hơn 117.000 nghìn tỷ vốn hóa HOSE trong phiên đầu tuần? - Ảnh 2.

 Bên cạnh dòng "bank", sắc đỏ cũng bao trùm lên cổ phiếu chứng khoán, thép, phân bón,.. chỉ một vài mã ngược dòng giữ được sắc xanh như NKG, TIS, VIX, CSI, SFG.

Xét về mức độ đóng góp, cổ phiếu VCB trở thành "tội đồ" lớn nhất khiến VN-Index đánh rơi tới gần 5 điểm trong phiên đầu tuần khi giảm mạnh 4,4% về mức giá 86.000 đồng/cổ phiếu.

Không chỉ vậy, top 15 cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index trong phiên giảm mạnh này có tới 12/15 mã thuộc nhóm nhà băng. Ngoại trừ VCB, có thể kể tới là BID giảm 6,6% đóng góp 3,94 điểm giảm; CTG giảm 6% qua đó đóng góp 2,61 điểm giảm cho VN-Index, TCB giảm 4,1% đóng góp 1,91 điểm giảm cho VN-Index, MBB giảm 5,7% đóng góp 1,82 điểm giảm cho VN-Index; VPB giảm 4,4% đóng góp 1,76 điểm giảm cho VN-Index, STB giảm 6,9 % đóng góp 1,14 điểm giảm cho VN-Index, ACB giảm 4,8% đóng góp 1,13 điểm giảm cho VN-Index...

Cổ phiếu ngân hàng chiếm vốn hóa lớn nhất của thị trường chứng khoán thời điểm hiện tại. Việc thị trường tăng điểm trong thời gian qua cũng nhờ tới việc dòng tiền trở lại nhóm cổ phiếu vua này qua đó trở thành lực kéo cho thị trường tăng tốt. Do đó, trong phiên hôm nay, cổ phiếu ngân hàng đồng loạt nhuộm sắc đỏ cũng đã khiến thị trường mất đi trụ đỡ quan trọng.

Bên cạnh đó, sắc đỏ tại những bluechips như VHM, VRE, GVR càng khiến thị trường giảm sâu. Hai cổ phiếu nhà Vin đồng loạt giảm qua đó khiến VN-Index đánh mất gần 3 điểm.

Cổ phiếu nào là tội đồ khiến VN-Index đánh rơi 30 điểm, thổi bay hơn 117.000 nghìn tỷ vốn hóa HOSE trong phiên đầu tuần? - Ảnh 3.

 Ở chiều ngược lại, sắc xanh le lói tại một số cổ phiếu giúp thị trường có lực chống đỡ, thu hẹp một phần đà giảm. Theo đó, GAS ngược dòng tăng mạnh 4,5% lên mức 116.000 đồng/cổ phiếu đã trở thành "công thần" lớn nhất giúp VN-Index tăng 2,36 điểm. Hai bluechips khác trong rổ VN30 là SAB và VJC kết phiên với sắc xanh cũng là các nhân tố tác động tích cực cho thị trường trong phiên hôm nay.

Báo cáo mới đây của Chứng khoán BIDV (BSC) đã  khuyến nghị về những biến động tiêu cực của thế giới trước tình hình lạm phát gia tăng và hợp đồng tương lai tháng 2 đáo hạn tuần tới khiến cho diễn biến thị trường khó lường. VN-Index được dự báo sẽ vận động tích lũy lại từ 1.475 – 1.500 điểm trước khi lấy lại đà tăng kiểm tra đỉnh tại 1.530 điểm.

FiinTrade cũng nhận định căng thẳng địa chính trị khiến thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ giảm điểm phiên cuối tuần trong khi giá vàng, dầu tăng. Đồng thời, khả năng Nga bị áp dụng lệnh trừng phạt cũng sẽ làm lo ngại về cung dầu thô sẽ bị ảnh hưởng.

Mặt khác, biên bản cuộc họp của FED sẽ được công bố vào thứ 4 tuần giờ Mỹ và một số quan chức của FED sẽ phát biểu vào thứ 5 và thứ 6 trong tuần mới. Phố Wall hiện đã bắt đầu kỳ vọng đến 7 lần tăng lãi suất trong năm 2022 thay vì 5 lần trước đây, và hơn hẳn 4 lần so với dự kiến ban đầu là 3 lần. Việc FED tăng lãi suất ít nhiều sẽ tác động tới thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM