Cổ phiếu một công ty Việt Nam 'nằm im' 8 năm bất ngờ tăng gấp 14 lần, bí quyết nào đã giúp họ tỏa sáng?
Có công mài sắt, có ngày nên kim!
Ngày 17/2/2009, giá cổ phiếu của công ty cổ phần Nam Việt đóng cửa ở mức 2.820 đồng. Cách đây 2 năm, ngày 25/1/2017 giá cổ phiếu của công ty này thậm chí còn không khả quan hơn khi đóng cửa ở mức 1.810 đồng. Thế nhưng sau 8 năm đi ngang, ngày 18/1/2019 CTCP Nam Việt lại tỏa sáng hơn bao giờ hết khi cổ phiếu đóng cửa với mức 26.400 đồng, gấp 14,5 lần so với 2 năm trước.
Nguồn: Cafef.vn
ANV là cổ phiếu của công ty nào?
ANV là mã cổ phiếu của công ty cổ phần Nam Việt. Được thành lập năm 1993 với 27 tỷ đồng, Nam Việt hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp.
Năm 2000, Công ty quyết định đầu tư mở rộng phạm vi kinh doanh sang lĩnh vực chế biến thủy sản, khởi đầu là việc xây dựng Xí nghiệp đông lạnh thuỷ sản Mỹ Quý với tổng vốn đầu tư là 30,8 tỷ đồng, chuyên chế biến xuất khẩu cá tra, cá basa đông lạnh.
Trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2004, Nam Việt đã đầu tư thêm hai nhà máy sản xuất thuỷ sản đông lạnh là Nhà máy Nam Việt (được đổi tên từ Xí nghiệp đông lạnh thuỷ sản Mỹ Quý) và Nhà máy Thái Bình Dương với tổng công suất chế biến trung bình của Công ty là 500 tấn cá/ngày.
Năm 2011, Nam Việt xây dựng nhà máy chế biến thức ăn thủy sản và đi vào hoạt động với 4 dây chuyền sản xuất, tổng công suất 400 tấn/ngày. Đến năm 2016 doanh nghiệp đã có 8 dây chuyền sản xuất lên 800 tấn/ngày đáp ứng 100% nhu cầu thức ăn cho 250 ha vùng nuôi cá nguyên liệu cho công ty. Năm 2017 Nam Việt tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng lên hơn 1.250 tỷ đồng.
Công ty này được thành lập bởi doanh nhân Doãn Tới. Hiện ông Tới là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Nam Việt, sở hữu 45,51% cổ phần. Ngoài ông Tới, các thành viên trong hội đồng quản trị và lãnh đạo công ty đều là thành viên gia đình gồm mẹ, vợ và các con ông Tới.
Cơ cấu sở hữu ANV.
Vì sao cổ phiếu Nam Việt vụt sáng?
Cắt giảm chi phí
Báo cáo thường niên năm 2017 của Nam Việt cho biết, doanh thu thuần đạt 2.949 tỷ đồng, tăng trưởng 4,39% so với cùng kỳ năm 2016. Doanh thu trong năm nay tăng trưởng do gia tăng giá bán các thành phẩm của công ty. Về lợi nhuận gộp có sự cải thiện, tăng từ 361 tỷ đồng năm 2016 lên 432 tỷ đồng năm 2017, các chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính giảm đáng kể, chỉ có chi phí bán hàng tăng nhẹ so với năm trước đó.
Doanh thu tăng khiêm tốn nhưng lợi nhuận sau thuế của Nam Việt tăng gấp 10 lần so với 2016. Mấu chốt là nhờ cắt giảm được khoản lỗ lớn từ khoản mục Lãi/lỗ do công ty liên doanh liên kết. Đây là yếu tố lớn nhất làm lợi nhuận của toàn công ty tăng đột biến.
Trong năm 2017, công ty TNHH Thủy sản Biển Đông (công ty con) và Công ty cổ phần rau quả nông trại xanh (công ty liên kết) ngừng hoạt động.
Kết quả đạt được trong năm 2017 là sự nỗ lực của việc sử dụng nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, hạn chế tối đa chi phí, tăng năng suất lao động của công nhân.
Ngoài ra việc sở hữu chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất thức ăn, nuôi trồng và chế biến thủy sản từ đó giúp Nam Việt chủ động được nguồn nguyên liệu cá cho sản xuất và thị trường. Công ty này cũng có sẵn các nhà máy để đưa vào sử dụng khi nhu cầu sản xuất tăng thêm mà không phải đầu tư mới, thị trường xuất khẩu tương đối đa dạng và ổn định qua các năm, có nhiều và có nguồn khách hàng truyền thống trong từng thị trường.
Cầu tăng, giá tăng
Năm 2018, đánh dấu sự thành công vượt bậc của ngành cá tra, khi người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu đều thắng lợi. Có thể nói, sau thời gian dài lận đận thì hiện nay kinh doanh cá tra đã tăng trưởng trở lại, khẳng định thế mạnh về xuất khẩu ở nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2018 ước đạt từ 2 - 2,2 tỷ USD, tiếp tục khẳng định là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản. Hiện sản phẩm cá tra Việt Nam đã có mặt tại khoảng 125 thị trường, trong đó Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU và ASEAN là những thị trường chủ lực.
Năm 2017, Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành thị trường chính nhập khẩu cá tra của Việt Nam với kim ngạnh 420 triệu USD, tăng 37% so với năm trước. Nhu cầu nhập khẩu cá tra của Trung Quốc vẫn rất lớn do giá cả của Việt Nam khá phù hợp. Nam Việt vốn đã tìm được đối tác nhập khẩu vào thị trường này từ đó ổn định được đầu ra cho sản phẩm. Phần lớn khách hàng Trung Quốc nhập khẩu cá tra để chế biến các món ăn nhanh trong nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, kể cả suất ăn phục vụ các chuyến bay.
"Thị trường xuất khẩu mở rộng, giá tốt… đã giúp Navico xuất khẩu các sản phẩm cá tra trong năm 2018 ước khoảng 145-150 triệu USD. Mới đây, Navico quyết định đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng để xây dựng vùng nuôi cá tra công nghệ cao rộng hơn 600ha ở huyện Châu Phú (An Giang), nhằm chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng, đảm bảo nhu cầu xuất khẩu cá tra quanh năm…", ông Doãn Tới chia sẻ trên một tờ báo hồi cuối tháng 12 mới đây.
Ngoài nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc, điểm sáng của ngành này là giá xuất khẩu cá tra của Việt Nam không ngừng tăng. Nếu như năm 2017, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phi lê vào Hoa Kỳ khoảng 3,5 USD/kg thì sang năm 2018 tăng lên gấp rưỡi từ 4,6 - 5 USD/kg trở lên; các thị trường ở châu Á và Nam Mỹ giá xuất khẩu cá tra cũng khá tốt từ 3,5 - 4 USD/kg. Mức giá cao nhất trong hàng chục năm qua.
Ngoài ra nhờ đồng USD đang lên giá đã giúp kích thích việc xuất khẩu hàng hóa, cũng như gia tăng lợi nhuận từ các hợp đồng thanh toán bằng USD của doanh nghiệp.