Cổ phiếu HSBC bị bán mạnh tại Hồng Kông vì lo ngại những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng
HSBC Holdings Plc là cái tên sụt giảm mạnh bậc nhất trong số các cổ phiếu tài chính được niêm yết tại Hồng Kông do lo ngại rủi ro trái phiếu liên quan đến Credit Suisse.
HSBC dẫn đầu đà giảm của cổ phiếu tài chính được niêm yết tại Hang Seng Index trong phiên giao dịch đầu tuần. Tính tới 13h40 theo giờ Hà Nội, cổ phiếu của ngân hàng Anh đã giảm tới 7,25%, mức giảm lớn nhất trong gần 6 tháng qua. Trong khi đó, Hang Seng Index cũng đã giảm 682 điểm, tương đương khoảng 3,52%. Đây cũng là chỉ số giảm mạnh bậc nhất ở châu Á – Thái Bình Dương.
Marvin Chen, nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence, cho biết: “Thương vụ UBS mua Credit Suisse đã khiến một số nhà đầu tư chịu tổn thất nặng nề. Điều đó khiến nhiều người đang xem xét lại ngành tài chính toàn cầu để ước tính những rủi ro với khoản đầu tư của họ.
Trong khi đó, các nhà quản lý quỹ phòng hộ và các nhà đầu tư lớn tin rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực tài chính toàn cầu đã được làm sáng tỏ, ngay cả khi các khoản hỗ trợ khủng được tung ra nhằm bình ổn tâm lý thị trường.
Hai tuần qua, đã có 2 ngân hàng tầm trung của Mỹ sụp đổ. Trong khi đó, các ngân hàng hàng đầu phố Wall đã phải bơm 30 tỷ USD để hỗ trợ một ngân hàng yếu kém khác là First Republic Bank. Hai ngày cuối tuần, các bên cũng đã điên cuồng đàm phán để đạt thỏa thuận giúp UBS tiếp quản Credit Suisse với giá hơn 3 tỷ USD, chưa bằng 1 nửa thị giá ngân hàng này.
Michael A. Rosen, giám đốc đầu tư của công ty tư vấn Angeles Investments có trụ sở tại Santa Monica, nói rằng: “Thỏa thuận giữa UBS và Credit Suisse đã giúp loại bỏ một mối bất ổn tiềm tàng. Tuy nhiên, những vấn đề trong hệ thống ngân hàng không biến mất và chủ yếu chúng đến từ chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương”.
Một số người thở phào nhẹ nhõm trong thương vụ của 2 ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ. Số khác lại lo lắng rằng số 3,2 tỷ USD mà UBS sẽ trả ít hơn rất nhiều so với thị giá 9,5 tỷ USD của ngân hàng này tính theo phiên giao dịch cuối tuần trước, điều khiến thị trường không coi thương vụ này là một thỏa thuận tích cực.
Trong khi đó, nhiều quản lý quỹ đã bị công ty yêu cầu cấm thảo luận về thương vụ này. Điều đó cho thấy nhiều bên không muốn công khai quan điểm, lập trường của mình về thương vụ rúng động.
Tuy nhiên, một số khác lại liên tục viết trên mạng xã hội để thể hiện lập trường. Không ít trong số đó cho rằng đây là một tin tốt.
Trước những biến cố trong lĩnh vực ngân hàng cả ở Mỹ lẫn châu Âu, một số nhà đầu tư đã kêu gọi các cơ quan quản lý áp dụng những quy tắc mới với lĩnh vực này. Một trong số đó đề xuất thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay hoặc buộc những ngân hàng yếu kém phải huy động vốn.
Trong khi đó, với nhiều áp lực ở phía trước, nhiều người cho rằng việc mua cổ phiếu các ngân hàng sau khi giá giảm mạnh có thể là lựa chọn khó khăn bởi hoạt động cho vay của họ cũng có thể bị thu hẹp.
Hiện tại, nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi động thái của FED sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày. Một số người cho rằng FED nên ngừng tăng lãi suất, số khác nghiêng về phía FED sẽ tăng lãi suất 0,25%. Kịch bản FED tăng thêm 0,5% lãi suất đã không còn nằm trong dự đoán của nhiều người.
Tham khảo: Reuters, Bloomberg