Có nên đưa việc hiến máu vào quy định bắt buộc?

09/01/2017 14:07 PM | Xã hội

Máu được xem như là một bộ phận trong cơ thể con người, là bất khả xâm phạm về thân thể trừ khi người đó tự nguyện.

Mới đây, trong dự án Luật về máu và tế bào gốc, Bộ Y tế đã đưa ra 2 giải pháp về nghĩa vụ của công dân liên quan đến hiến máu.

Theo đó, Giải pháp 1 là quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu; Giải pháp 2: Quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu.

Lý giải về việc đưa ra giải pháp 1, Bộ Y tế cho rằng, với đất nước hơn 90 triệu dân, việc hiến máu bắt buộc sẽ giúp một năm sẽ có khoảng 46 triệu người phải tham gia hiến máu (trừ 30,3 triệu công dân dưới 18 tuổi và khoảng 14,2 triệu người mắc các bệnh không thể hiến máu) giúp cho có nguồn máu đầy đủ và ổn định.

Bộ Y tế khẳng định giải pháp trên không có tác động đến tăng chi cho Nhà nước mà chỉ tăng chi cho Quỹ bảo hiểm y tế với mức tăng chi bình quân khoảng 500 tỷ/năm.

Cụ thể, nếu thực hiện chính sách này thì hằng năm sẽ tiêu tốn khoảng 4.180 tỷ đồng, trong đó: Quỹ bảo hiểm y tế sẽ phải tăng chi khoảng 400 tỷ/năm, chủ sử dụng lao động sẽ phải bỏ ra khoảng 3.200 tỷ để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà NLĐ sự dụng để đi hiến máu và bản thân NLĐ sẽ phải bỏ ra tên 580 tỷ cho việc đi lại phục vụ cho việc hiến máu.

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trần Minh Hùng, Văn phòng luật sư Gia đình – đoàn luật sư TP HCM cho rằng, việc đề xuất bắt buộc công dân hiến máu 1 năm/lần là chưa có căn cứ pháp lý và không thực tiễn, giá trị áp dụng không khả thi.

Bởi theo luật sư Hùng, đã gọi là "hiến", "cho", "tặng"... thì không có nghĩa vụ phải thực hiện, người đó có quyền hiến hay không là quyền của họ, không nên đồng nhất khái niệm “hiến” với “nghĩa vụ bắt buộc” là một.

“Việc hiến máu theo tôi chỉ nên đặt ra trách nhiệm của mỗi công dân chứ không nên bắt buộc hay quy định là nghĩa vụ. Vì máu được xem như là một bộ phận trong cơ thể con người, là bất khả xâm phạm về thân thể trừ khi người đó tự nguyện”, luật sư Hùng cho hay.

Theo Khoản 1, 3 Điều 20, Hiến pháp 2014 quy định:

"1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

3. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm".

Căn cứ quy định trên hiện hiến máu là việc tự nguyện chứ không thể là nghĩa vụ. Do vậy, không nên bắt buộc mà chỉ nên khuyến khích và chỉ dừng ở mức trách nhiệm.

Mai Lan

Cùng chuyên mục
XEM