Có nên 'bắt trend' kinh doanh trà chanh giã tay vào lúc này?
Sau hiện tượng nhượng quyền trà sữa, rồi bánh đồng xu thì trà chanh giã tay đang được xem là món thức uống nổi lên vào dịp cuối năm nay.
Trà chanh giã tay là gì?
Nghe cái tên rất "kiêu" nhưng thực chất nguyên liệu để làm nên nó lại rất đơn giản chỉ gồm chanh tươi, nước trà, đá, nước đường và sau đó dùng tay để giã thật mạnh phần chanh là có ngay món thức uống đang nổi đình nổi đám.
Chanh Quảng Đông (ảnh trái) có đầu hơi nhọn, vỏ dày và sần sùi hơn so với quả chanh bình thường.
Thế nhưng, "bí kíp" làm nên món thức uống này lại nằm ở nguyên liệu chứ không phải ở phần công thức. Đó chính là loại chanh đặc biệt xuất xứ từ Quảng Đông, Trung Quốc. Với đặc tính là ít nước, vỏ dày, nhưng bù lại có hương thơm vô cùng đặc biệt. Và cũng vì loại chanh này quá ít nước nên thay vì phải vắt như các giống chanh thường thấy, thì bắt buộc phải giã thật mạnh để lấy hương thơm tiết ra từ lớp vỏ và ít vị chua từ tép chanh. Bằng cách làm này, món trà chanh giã tay khi uống tạo cảm giác rất tươi ngon, mát lạnh, chua thanh, ngọt dịu, kèm chút đắng nhẹ - sự khác biệt lớn so với món trà chanh mà từ trước đến nay mọi người vẫn thường dùng.
Bắt nguồn món trà chanh giã tay tại Việt Nam?
Những ly trà chanh giã tay đang rất hot thời gian gần đây.
Tính tới thời điểm hiện tại, nơi được xem là đầu tiên bán món trà chanh giã tay này chính là xe bán dạo quanh Hồ Tây (Hà Nội) do anh Hoàng Thế Hảo làm từ đầu tháng 7 năm nay. Theo anh Hảo cho biết, do bản thân từng có thời gian mua bán giày dép, hoa quả… có cơ hội tiếp xúc nhiều với các thương lái người Trung Quốc mới biết tại đây đang nổi lên món thức uống trà chanh giã tay nên đã đầu tư một xe đẩy nhỏ bán thử.
Hàng vỉa hè của anh Hảo luôn trong tình trạng đắt khách suốt nhiều tháng qua. Ảnh: Hạnh Mỹ
Thời gian đầu lúc nào cũng gặp khó khăn bởi mọi người chưa biết trà chanh giã tay là gì, cũng bị nhầm lẫn giữa chanh thường và chanh Quảng Đông, trong khi 2 loại chanh này có giá mua chênh lệch rất lớn. Sau khoảng gần 2 tháng kiên trì, tiệm của anh Hảo đã bắt đầu đông khách do người uống trước lan truyền cho người sau. Dần dần, các thông tin về món thức uống này cũng được chia sẻ nhiều hơn trên mạng xã hội, giúp anh Hảo hiện nay mỗi ngày có thể bán lên tới hơn 300 cốc.
Hiệu ứng lan truyền tới các thành phố lớn
Tính đến hiện tại, món trà chanh giã tay đã xuất hiện ở rất nhiều nơi khác nhau. Tuy nhiên, Hà Nội, TPHCM là 2 thành phố lớn luôn đi đầu trong việc "bắt trend" nên cũng đã sớm xuất hiện các cửa hàng bày bán món thức uống này theo mô hình bình dân, vừa và nhỏ.
Về mức giá, tại hàng của anh Hảo đang bán là 25.000 đồng/ly với tiền chanh nhập vào rơi ở khoảng 100.000 - 200.000 đồng/kg ở thời điểm mới mở bán.
Ở TPHCM hiện đã có rất nhiều cửa tiệm online đến offline bắt đầu bán món nước này.
Còn tại TPHCM là nơi đi sau nhưng hiện đã có khoảng gần 20 tiệm bán món trà chanh này quanh khu vực quận 1, quận 5, quận 7, quận 4… với mức giá hoàn toàn khác nhau. Thấp nhất là 23.000 đồng và cao nhất lên tới 49.000 đồng/ly, do được bổ sung các loại syrup và nguyên liệu khác, chưa tính tiền thêm topping như trân châu trắng hoặc thạch các loại.
Liệu có nên đầu tư vào lúc này?
Đối với người có "máu" kinh doanh thì đây luôn là cơ hội tốt để có thể đầu tư, nhất là khi còn đang trend, mọi người tò mò, hưởng ứng. Thế nhưng, sau khi trải qua quá nhiều đợt thoái trào, sớm tới mà cũng chóng tàn như hiện tượng bánh đồng xu thời gian vừa qua, đã khiến mọi người hoài nghi vì quá khó để nắm bắt tâm lý của người tiêu dùng.
Các ly trà chanh giã tay được bán tại TPHCM với mức giá 39.000 đồng/ly bao gồm cả trân châu trắng và được để đá riêng giúp đảm bảo hương vị. Ảnh: Kim Thanh.
Theo anh Thịnh (sinh năm 1993) hiện là chủ của hai quán cà phê, nhà hàng tại TPHCM lẫn Biên Hòa, làm ngành F&B được 8 năm, cho biết. "Nếu xét về tính chất thì món này rất hợp để bán lâu dài tại TPHCM hơn là Hà Nội, do thời tiết khô và nóng quanh năm người ta sẽ dễ dàng tìm đến các món nước mát lạnh, vị chua của chanh giải tỏa được vị khát và bổ sung thêm vitamin rất tốt. Ngoài ra, giá cost tính trên đầu ly cũng không cao, thậm chí còn rẻ hơn các loại thức uống khác như trà đào, trà vải... nên càng là lợi thế cho người mua lẫn người bán.
Hai tháng trước mình có tìm hiểu vài bên cung cấp chanh Quảng Đông và nhận báo giá 140.000 đồng/kg nếu mua lẻ, nhập số lượng từ 5kg trở lên giá dao động từ 104.000 - 110.000 đồng/kg (chưa bao gồm phí vận chuyển), sẽ có sự chênh lệch theo nhu cầu của thị trường.
Chanh Quảng Đông vẫn còn tương đối khá khó mua tại TPHCM, chủ yếu phải thông qua trung gian. Nếu so với các quán ở Hà Nội thì tại TPHCM khó chiếm lợi thế về nguồn hàng lẫn về giá nên mình lưỡng lự chưa muốn bán vì sợ nhất tình trạng đứt hàng dẫn đến ép giá. Cho đến thời gian gần đây, mình đã bắt đầu thấy nhiều nơi tại TPHCM bán loại chanh này, hàng tươi ngon, loại 1 được cam kết tuyển từng trái tại vườn, nhưng vẫn không có ý định bán vì tình hình kinh doanh của các quán bên mình đang bị tuột doanh thu do cuối năm mọi người chi tiêu ít lại. Nếu món này có thể bán vào dịp hè vừa rồi thì khả năng cao mình sẽ làm, xem như món seasonal chạy thử nghiệm và thu hút thêm tệp khách hàng mới.
Còn mọi người có nên đầu tư không mình không dám khuyên. Bởi ai trong ngành này cũng biết, để tạo được món mới là khó 1, mà còn để nó thành trend lại khó 10. Nhưng hot rồi, bán được rồi cũng chưa chắc món đó tồn tại lâu vì hiệu ứng đám đông không thể kiểm soát. Cái này còn tùy thuộc vào "khẩu vị" kinh doanh của mỗi người, ví dụ mấy người bạn của mình rất thích theo trend, cái nào đầu tư trong mức cho phép họ sẵn sàng làm thử. Còn mình đi theo hướng an toàn để giảm thiểu rủi ro.
Theo mình biết, đang có một số nơi bắt đầu nghiên cứu mô hình nhượng quyền bán loại nước này nên khả năng cao sẽ tiếp tục hot thêm thời gian dài nữa với điều kiện phát triển thêm các mô hình lẫn hình thức khác nhau. Đồng thời, hiện món trà chanh này đã bước qua giai đoạn "phổ cập", tức mọi người đã biết chanh Quảng Đông là chanh gì, tìm kiếm thông tin không quá khó, có sự thừa nhận về hương vị và truyền thông đang tập trung khai thác, giúp thị trường và nhu cầu sử dụng gia tăng nên sẽ là thời điểm tốt để kinh doanh nhưng đừng trễ hơn nữa" - anh Thịnh cho biết.
Mặc dù là người đầu tiên bán món trà chanh giã tay tại khu vực Hà Nội, cũng có thể là khơi màu xu hướng, nhưng anh Hoàng Thế Hảo từng chia sẻ với chúng tôi rằng bản thân anh cũng không dám nghĩ tới việc bán món này mãi, một phần do yếu tố thời tiết, hiệu ứng đám đông khó kiểm soát và quan trọng nhất là vấn đề mất sức. "Mình đã đăng tuyển thêm người phụ giúp giã chanh, trả lương cao nhưng có người làm thử một buổi là xin nghỉ ngay". Đây cũng là vấn đề lớn, buộc người bán phải là đàn ông hoặc rất khỏe để vận động liên tục một ngày vài trăm ly là điều vô cùng khó.
Ngoài ra còn có một yếu tố cần cân nhắc nữa là món thức uống này không có công thức riêng, "điểm ăn tiền" lại nằm ở phần nguyên liệu. Trong khi đó, mọi người bây giờ đã có thể tự mua chanh Quảng Đông về để tự pha chế nên sẽ là vấn đề lớn nếu muốn kinh doanh theo công thức cũ. Tại TPHCM vài tiệm đã bắt đầu "biến tấu", thêm các loại hoa quả đóng hộp, syrup vị dâu, vị đào... kèm các loại thạch hay uống kèm với trà sữa nhằm tối đa hóa nhu cầu khách hàng, khẩu vị người bản địa, nhưng dấu ấn riêng để khó bị "sao chép" vẫn là yếu tố chưa nhìn thấy rõ.