Có một mặt hàng chỉ Trung Quốc mới có thể sản xuất nhiều và rẻ đến mức dù ông Trump áp thuế 25% khách hàng Mỹ vẫn mua
Với mạng lưới sản xuất chặt chẽ, các nhà máy làm đồ Giáng sinh ở Yiwu, Trung Quốc không dễ gì dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam để né chiến tranh thương mại.
Thành phố Yiwu miền nam Trung Quốc chẳng có tuyết cũng như cây thông, nhưng nơi đây lại là công xưởng sản xuất các đồ Giáng sinh cho hầu khắp thế giới, bao gồm Mỹ.
Đến với Yiwu, du khách có thể nhầm lẫn bởi nơi đây ngập tràn những sản phẩm cho mùa Giáng sinh, từ những cây thông giả, đèn trang trí hay những sản phẩm đặc hữu cho ngày lễ của người Phương Tây. Dù cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế lên những mặt hàng Giáng sinh nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng công việc kinh doanh tại Yiwu vẫn vô cùng nhộn nhịp.
"Các đơn hàng từ Mỹ trong mùa Giáng sinh năm nay vẫn khá tốt. Tôi thực sự không quan tâm Tổng thống Trump làm gì. Chúng chẳng ảnh hưởng đến chúng tôi", chủ cửa hàng Hong Feihong của Ziru Christmas Crafts nói.
Ngành sản xuất đồ Giáng sinh tại Trung Quốc có tổng giá trị lên tới 6,5 tỷ USD và không có bất kỳ một quốc gia nào đủ cơ sở hạ tầng và hệ thống phân phối để sản xuất với số lượng lớn được như Trung Quốc. Khoảng 70% số sản phẩm Giáng sinh tại Trung Quốc được sản xuất tại Yiwu.
Nhờ lợi thế lớn về nguồn lực và khả năng sản xuất bất chấp mức thuế 10%, nhiều doanh nghiệp Mỹ vẫn đặt hàng tới Yiwu. Thậm chí việc Mỹ sẽ nâng thuế lên 25% với các mặt hàng đèn và giấy trang trí vào đầu năm 2019 cũng không khiến các đơn hàng giảm sút cũng như khiến các nhà máy tại đây dịch chuyển sản xuất.
"Chẳng có nhà máy nào tại Yiwu muốn là người đầu tiên dịch chuyển sản xuất. Bởi vậy chẳng có ai dịch chuyển cả", chuyên gia Micheal McCool của AlixPartners nhận định.
Hiện Mỹ mua tới 90% số sản phẩm đèn trang trí Giáng sinh từ Trung Quốc nên mặt hàng này sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất trong cuộc chiến thương mại hiện nay. Năm 2017, Mỹ đã nhập khẩu tới 419 triệu USD đèn trang trí cùng 2,3 tỷ USD các vật dụng Giáng sinh khác từ Trung Quốc.
Bất chấp điều đó, những nhà sản xuất tại Yiwu chả mấy quan tâm. Họ cho biết nếu Tổng thống Trump áp thuế lên đèn trang trí thì họ sẽ bán cả bộ sản phẩm, như cây thông kèm đèn và họa tiết, qua đó tránh được các rào cản về thuế.
Thậm chí nếu chỉ xuất khẩu nguyên bộ đèn cũng không là vấn đề bởi những nhà bán lẻ Mỹ chẳng có nguồn cung nào rẻ hơn. Bình quân mỗi mét đèn trang trí Giáng sinh tại Yiwu có giá khoảng 0,1 USD, rất thấp so với nhiều nhà sản xuất khác. Đó là chưa kể Yiwu có cả một danh sách các sản phẩm đồng bộ cho người mua lựa chọn, qua đó giảm giá thành chung của các mặt hàng.
Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng Giáng sinh từ Trung Quốc (đỏ) và tổng kim ngạch nhập khẩu những mặt hàng này vào Mỹ (xanh) (tỷ USD)
Khó dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam
Một trong những ưu điểm biến Yiwu thành công xưởng sản xuất đồ Giáng sinh là một mạng lưới liên kết phức tạp đến tận những xưởng kinh doanh nhỏ nhất. Sự tập hợp từ những nhà cung cấp nguyên liệu cho đến các nhà máy hoàn thiện sản phẩm tạo nên hàng loạt những chuỗi cung ứng hoàn thiện tại Yiwu.
Ví dụ như nhà sản xuất Taizhou Huanyu của ông Wang Chaoyi chỉ có 20 công nhân nhưng doanh thu hàng năm đạt tới gần 10 triệu Nhân dân tệ (1,44 triệu USD). Mỗi khi ông Wang có một thiết kế mới là các nhà cung cấp cho xưởng lại thay đổi nhanh chóng cho phù hợp với yêu cầu mới.
"Quá trình này khá phức tạp và đòi hỏi những nhà cung cấp phải nói chuyện trực tiếp được với xưởng sản xuất cũng như yêu cầu mọi người phải quen thuộc lẫn nhau. Điều này sẽ rất khó thực hiện nếu bạn dịch chuyển nhà máy sang những nước khác như Việt Nam", ông Wang nói.
Việc sản xuất ra được một sản phẩm trang trí đòi hỏi sự hợp tác rất chặt chẽ từ nhà cung ứng. Ví dụ một cây thông Giáng sinh sẽ cần nguyên liệu làm thân cây, vỏ cây, đèn, các phụ kiện trang trí đi kèm… và chúng phải đạt tiêu chuẩn như những gì đã thiết kế.
"Nhìn những cây thông bé vậy thôi nhưng không hề dễ sản xuất hàng loạt. Mỗi một bộ phận của chúng đến từ những nhà máy khác nhau", chủ cửa hàng Hong Feihong của Ziru Christmas Crafts nói.
Câu chuyện của Taizhou Huanyu là một bài học cho hàng loạt những nhà sản xuất đồ chơi khác ở Trung Quốc khi họ dịch chuyển nhà máy đến Ấn Độ cũng như Indonesia nhằm tránh thuế và giảm chi phí nhân lực. Việc thiếu những chuỗi cung ứng hoàn thiện, các tư vấn của chuyên gia, thông thoáng của giao thông và sự thấu hiểu trong hợp tác kinh doanh khiến những công ty trên cuối cùng lại phải quay trở lại Trung Quốc.
Đầu năm nay, những hãng bán lẻ như Walmart, Dollar Tree, Ace Hardware đã viết thư đề nghị Tổng thống Trump loại mặt hàng đèn trang trí Giáng sinh khỏi danh sách các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu thuế đặc biệt.
"Theo những gì chúng tôi biết, các mặt hàng này chưa được sản xuất đại trà và thương mại hóa hiệu quả ở bất kỳ đâu ngoài Trung Quốc", bức thư của Ace Hardware gửi cho Bộ thương mại Mỹ ghi rõ.
Một yếu tố nữa khiến "Ngôi làng Giánh sinh" tại Trung Quốc này chẳng hề lo lắng là thị trường mùa lễ không chỉ có ở Mỹ.
"Nếu họ không chấp nhận mức giá của chúng tôi thì tôi luôn có thể bán cho những thị trường khác. Tôi lo lắng việc không sản xuất đủ hàng đáp ứng nhu cầu mùa lễ hơn là việc có bán được cho thị trường Mỹ hay không", ông chủ Ji Jingsen của hãng Bosen Gongyi nói.