Có một châu Âu không bình yên
Châu Âu đang trải qua những ngày u ám dù đang giữa mùa hè. Paris, Brussels, Nice, Munich... hàng trăm sinh mạng vô tội đã ra đi trong các vụ thảm sát.
Chỉ riêng trong mười ngày ngắn ngủi của tháng 7, hàng loạt vụ tấn công đẫm máu dồn dập xảy ra gây không ít hoang mang.
Dù chính quyền Đức tuyên bố chưa tìm ra mối liên hệ trực tiếp nào giữa hung thủ 18 tuổi thực hiện vụ xả súng ở Trung tâm thương mại Munich và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), điều này cũng không giúp trấn an người dân được bao nhiêu.
Trước Munich vài ngày là một vụ đâm chém trên đoàn tàu gần thành phố Würzburg, miền bắc bang Bavaria. Cảnh sát Đức cho biết hung thủ - một thanh niên nhập cư 17 tuổi người Afghanistan - tự mình hành động và được “truyền cảm hứng” bởi IS...
Mà không nhắc đến IS thì dân Đức cũng đã đủ ám ảnh bởi mới một tuần trước đó, thông tin về vụ thảm sát 84 người bằng xe tải ở thành phố Nice ( Pháp ) đã lan đi khắp thế giới.
Đáng chú ý, Tổng thống Pháp François Hollande khi đó đã cảnh báo khủng bố tiếp theo sẽ “gieo rắc sự sợ hãi” ở Đức sau khi đã tấn công các nước khác. Và đúng vậy, cảnh báo của ông Hollande đã trở thành sự thật một tuần sau đó.
Tờ Guardian của Anh bình luận chừng ấy sự kiện đủ làm rung chuyển châu lục già nua, vốn đã rạn nứt, sợ hãi, đúng vào thời điểm không thể tệ hơn.
Dù động cơ của những kẻ sát nhân là gì đi nữa, trong bối cảnh kinh tế trì trệ, dân nhập cư - tị nạn tràn ngập, chúng tạo thêm điều kiện để các đảng phái cực hữu chống dân nhập cư ngày càng nhận nhiều sự ủng hộ.
Sau vụ thảm sát ở Nice, bà Marine Le Pen, thủ lĩnh Mặt trận Dân tộc Pháp, buộc tội chính quyền Đảng Xã hội của Tổng thống Hollande “không chịu làm gì” để bảo vệ người dân.
Tại Đức, vài giờ sau vụ xả súng ở Munich, Christian Lüth - người phát ngôn Đảng dân túy Alternative für Deutschland (AfD) - viết trên mạng xã hội: “Hãy bầu cho AfD! Súng nổ ở trung tâm mua sắm Olympia: người chết ở Munich”...
Quả thật, châu Âu đang dần co mình lại. Một thăm dò hồi tháng trước của Trung tâm Pew (Washington DC, Mỹ) cho thấy trung bình 56% người ở 10 nước châu Âu (trong đó có Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha...) cảm thấy đất nước của họ nên “lo chuyện trong nhà trước khi giúp người khác”.
Hơn một nửa số người ở 8/10 quốc gia cảm thấy người tị nạn “làm gia tăng nguy cơ khủng bố”; 25% nói họ không nghĩ tốt về đạo Hồi...
Với những cuộc trưng cầu ý dân và bầu cử quan trọng sẽ diễn ra trong 12 tháng tới tại Áo, Hà Lan, Đức, Pháp... tâm trạng vỡ mộng, bất mãn với nền tảng chính trị ở cử tri châu Âu không hứa hẹn điều gì tốt đẹp cho các đảng cầm quyền.
Các đảng phái dân chủ xã hội trung tả, dân chủ Thiên Chúa giáo trung hữu... dẫn đầu nền chính trị châu Âu trong 60 năm qua giờ đây thậm chí chật vật để giữ niềm tin của nhóm cử tri trung thành.
Tại Đức, đảng đối lập AfD còn được dự báo sẽ phá vỡ quyền lực của liên minh cầm quyền vốn kéo dài từ sau Thế chiến thứ hai đến nay.