Cơ hội đầu tư nhìn từ kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp
Việc thoái vốn Nhà nước ra khỏi các doanh nghiệp Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân được tham gia mua cổ phần; có cơ hội để trở thành nhà đầu tư chiến lược của doanh nghiệp.
Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế tới năm 2020 đặt ra mục tiêu tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, nhằm tạo sự bình đẳng về môi trường kinh doanh với các thành phần kinh tế khác. Việc thoái vốn Nhà nước ra khỏi các doanh nghiệp Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân được tham gia mua cổ phần; có cơ hội để trở thành nhà đầu tư chiến lược của doanh nghiệp.
Kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2017 đã có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện ở mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước: quý I đạt 5,15%, quý II tăng 6,28%, quý III đạt mức 7,46%.
Trong 9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 154,3 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ 2016, các ngành dịch vụ, công nghiệp chế biến chế tạo và ngay cả nông nghiệp đều có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Lạm phát được duy trì ở mức thấp, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối gia tăng.
Điều này thể hiện nỗ lực của Chính phủ nhằm “khơi thông” mọi tiềm năng tăng trưởng nhưng vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển đầu tư quốc tế tới các thị trường tiềm năng có chính trị -xã hội ổn định, môi trường đầu tư cải thiện đã và đang tạo cơ hội cho Việt Nam tranh thủ các dòng vốn mới.
Đánh giá tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018, ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Tư vấn và Đầu tư khách hàng tổ chức, Công ty CP Chứng khoán Sài gòn (SSI) nhận định: “Mức độ tăng trưởng của Việt Nam vào năm 2018 sẽ mạnh mẽ hơn, khi Việt Nam còn có khả năng tối ưu hóa mức tăng trưởng đầu tư”.
Trong khi đầu tư nước ngoài tiếp tục đà tăng trưởng (do vốn FDI đăng ký tăng mạnh trong năm 2017) thì đầu tư tư nhân sẽ có khả năng duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ nhờ có sự hồi phục hồi của tổng cầu, tỉ suất lợi nhuận ổn định và gặt hái được kết quả tích cực từ các biện pháp cải cách thủ tục hành chính nhằm xóa bỏ những trở ngại về các yêu cầu và điều kiện kinh doanh.
Một điểm quan trọng khác là đầu tư công có thể có mức tăng trưởng tốt hơn sau khi các điểm nghẽn về cơ chế và thủ tục triển khai có thể được giải quyết.
Về kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, năm 2018 có thể sẽ là một năm mà hoạt động này trở nên cực kỳ sôi động. Bên cạnh việc kế hoạch đặt ra cho năm 2018 đã dày đặc tên các doanh nghiệp lớn, thì nhiều khả năng một phần trong kế hoạch 2017 có thể được chuyển sang thực hiện trong năm 2018 vì nhiều lý do.
Cùng nhìn lại Infographic dưới đây để thấy rõ quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp đã diễn ra trong 6 năm qua và các cơ hội trong giai đoạn sắp tới.
Nguồn: SSI Research, tổng hợp