Top 400 Đại học hàng đầu châu Á: Đại học Huế được xướng tên, Ngoại Thương, Kinh tế Quốc dân 'vắng bóng'

18/10/2017 14:04 PM | Xã hội

Ngoại Thương và Kinh tế Quốc dân, 2 "hotname" này vẫn 'lặn mất tăm' theo đánh giá của tổ chức quốc tế. Trong khi đó, ĐH Quốc Gia (Hà Nội và TPHCM) hay Bách Khoa Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế các trường Đại học số 1 Việt Nam.

Cách đây hơn 1 tháng, một bảng xếp hạng 49 trường Đại học ở Việt Nam với tác giả là 6 vị chuyên gia độc lập không liên quan đến các cơ quan Nhà nước đã gây xôn xao dư luận vì những thứ hạng thấp đến bất ngờ được đưa ra dành cho những tên tuổi như Ngoại Thương hay Kinh tế Quốc Dân.

Tuy nhiên, chỉ cách đây vài giờ đồng hồ, Tổ chức xếp hạng các trường đại học toàn cầu là QS University Rankings đã vừa công bố danh sách mới nhất 400 trường Đại học hàng đầu châu Á năm 2018.

Trong đó chỉ có đúng 5 trường Đại học là của Việt Nam. Điều đáng nói, có vẻ như bảng xếp hạng tầm cỡ châu lục được đánh giá bởi một tổ chức quốc tế này cũng thể hiện sự đồng thuận với kết quả mà 6 tác giả người Việt đã công bố hồi đầu tháng 9.

Top 400 Đại học hàng đầu châu Á: Đại học Huế được xướng tên,  Ngoại Thương, Kinh tế Quốc dân vắng bóng - Ảnh 1.

Các trường Đại học hàng đầu Việt Nam theo bảng xếp hạng 400 Đại học hàng đầu châu Á năm 2018

Cụ thể, các trường đại học của Việt Nam lọt vào top 400 trường đại học hàng đầu châu Á 2018 theo xếp hạng của QS University Rankings bao gồm có:

- Đại học Quốc gia Hà Nội xếp vị trí 139 châu Á

- Đại học Quốc gia TP.HCM xếp vị trí 142 châu Á

- Đại học Bách khoa Hà Nội xếp vị trí 291 châu Á, cùng thứ hạng với 10 trường Đại học khác

- Đại học Cần Thơ xếp vị trí 301 châu Á, cùng thứ hạng với 50 trường Đại học khác

- Đại học Huế xếp vị trí 351 châu Á, cùng thứ hạng với 50 trường Đại học khác

So với bảng xếp hạng năm ngoái 2017, đây vẫn là 5 gương mặt duy nhất trong tất cả các trường Đại học Việt Nam được chọn lựa để đứng vào top 400 của châu lục. Thứ thay đổi chỉ là thứ hạng các trường Đại học này: Đại học Quốc gia Hà Nội giữ nguyên vị trí, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội tăng hạng trong khi Đại học Cần Thơ, Đại học Huế tụt hạng.

Top 400 Đại học hàng đầu châu Á: Đại học Huế được xướng tên,  Ngoại Thương, Kinh tế Quốc dân vắng bóng - Ảnh 2.

Kết quả năm 2017 không có quá nhiều sự khác biệt

Điều quan trọng có thể thấy từ bảng xếp hạng của QS University Rankings năm nay là một lần nữa các trường Đại học vốn vẫn mặc nhiên được coi là ‘hàng đầu Việt Nam’ như Đại Học Ngoại Thương hay Đại Học Kinh tế Quốc Dân thì lại tiếp tục không được đánh giá cao từ con mắt châu lục.

Ngay cả một cơ sở quốc tế để so sánh những ‘hotname’ này với các trường Đại học khác tại châu Á, trong khu vực, hay là với chính những cái tên Việt Nam khác như Bách Khoa, Quốc gia...thì chúng ta cũng không thể tìm ra nổi.

Lý do là vì 2 trường Đại học khối ngành kinh tế này thậm chí còn không được QS University Rankings xếp hạng trong các bảng đánh giá của mình. Nói thêm, tình trạng này cũng đã được diễn ra suốt từ nhiều năm nay.

Ở một khía cạnh khác, khi đem so sánh bảng xếp hạng của châu lục với bảng xếp hạng 49 trường Đại học gây xôn xao dư luận trước đó, có thể thấy rằng 5 trường Đại học được tổ chức quốc tế đánh giá cao cũng đều nằm trong top 10 các trường tốt nhất theo kết quả của 6 tác giả người Việt.

Cụ thể, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng thời xếp thứ nhất theo kết quả của 2 bảng xếp hạng. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (top 2 Việt Nam theo quốc tế) xếp thứ 5, Đại học Bách Khoa Hà Nội (top 3 Việt Nam theo quốc tế) xếp thứ 7, Đại học Cần Thơ (top 4 Việt Nam theo quốc tế) xếp thứ 6 và Đại học Huế (top 5 Việt Nam theo quốc tế) xếp thứ 8.

Như vây, chúng ta rõ ràng có thể dành niềm tin vào những trường Đại học ‘hàng đầu Việt Nam’ này vì nó đã được chứng nhận bởi 2 bảng xếp hạng hoàn toàn độc lập với nhau. Thậm chí, bảng xếp hạng của châu Á còn thể hiển điều này trong nhiều năm liền.

Top 400 Đại học hàng đầu châu Á: Đại học Huế được xướng tên,  Ngoại Thương, Kinh tế Quốc dân vắng bóng - Ảnh 3.

Kết quả về các trường Đại Học hàng đầu Việt Nam được đồng thuận bởi cả 2 bảng xếp hạng. Trong khi Ngoại Thương, Kinh tế Quốc Dân với thứ hạng thấp cũng không được xếp hạng châu Á

Cũng trong bảng xếp hạng của các tác giả Việt Nam, thứ hạng của Đại học Ngoại Thương và Đại học Kinh tế Quốc Dân là khá thấp, chỉ xếp thứ 23 và thứ 30 tương ứng trong tổng thể 49 trường được đánh giá.

Các tác giả giải thích lý do là vì bảng xếp hạng của họ được xây dựng với trọng số phần lớn nằm ở yếu tố nghiên cứu khoa học (40%). Theo các chuyên gia này, những cái tên như Ngoại Thương, Kinh tế Quốc Dân, Thương mại, Học viện tài chính...tuy có quy mô đào tạo lớn nhưng thực tế lại không có nhiều ấn phẩm khoa học quốc tế.

Thế nhưng với bảng xếp hạng của QS University Rankings, chuyện kết quả bị tác động quá nhiều bởi yếu tố các tác phẩm nghiên cứu đã bị loại trừ do hệ tiêu chí được xây dựng với trọng số chủ yếu nằm ở 'đánh giá của các nhà khoa học' (30%), 'đánh giá của nhà tuyển dụng' (20%) và 'tỷ lệ giảng viên trên số sinh viên' (15%). Yếu tố ‘số trích dẫn và bài báo khoa học’ hay ‘tỷ lệ số bài báo trên giảng viên’ chỉ còn chiếm tỷ lệ 10%.

Thậm chí, với tiếng vang là sinh viên đầu ra có chất lượng tốt, lương cao và được các nhà tuyển dụng thường xuyên đánh giá rất cao, những cái tên như Ngoại Thương, Kinh tế Quốc Dân được kỳ vọng sẽ được xếp vào top 400 Đại học hàng đầu châu Á hàng năm, cũng như trong top các trường Đại học tốt nhất Việt Nam theo đánh giá của quốc tế.

Điều rất tiếc là điều này cho đến nay vẫn chưa xảy ra!

QS Univeristy Rankings là một tổ chức uy tín đã thực hiện các bảng xếp hạng các trường Đại Học trên toàn thế giới trong nhiều năm liền. QS University Rankings Asia - bảng xếp hạng 400 trường Đại học hàng đầu châu Á do đó cũng là một ấn bản được những nhà làm giáo dục Đại học của châu lục trông đợi hàng năm.

Năm nay, đứng đầu bảng xếp hạng của châu Á tiếp tục là Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Đại học Công nghệ Nanyang Singapore (NTU), tiếp theo là Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong; Viện Khoa học và Công nghệ nâng cao Hàn Quốc (KAIST) và Đại học Hong Kong...

Kinh Bách

Cùng chuyên mục
XEM