Cô gái 26 tuổi kiếm 60 triệu/tháng nhưng chỉ tiêu 25 triệu, mỗi năm dành 100 triệu đi du lịch

12/01/2025 07:53 AM | Sống

Cô gái này phân bổ chi tiêu, tiết kiệm và hưởng thụ cuộc sống đâu ra đấy, không khen không được!

Còn trẻ, còn độc thân và chưa vướng bận áp lực bỉm sữa, nhưng vẫn có ý thức tiết kiệm, quản lý chi tiêu là điều khiến nhiều người phải nể khi nghe chia sẻ của cô gái 26 tuổi này.

Với mức thu nhập trung bình 60 triệu/tháng, cô cho biết mỗi tháng, cô chỉ tiêu khoảng 25,5 triệu. Hàng năm, cô trích 100 triệu để đi du lịch trải nghiệm trong nước và ngoài nước.

Ảnh minh họa

“Chi phí cố định hàng tháng của em như sau:

- Tiền thuê nhà, điện, nước: 5.000.000

- Tiền gửi bố mẹ ở quê: 5.000.000

- Tiền đóng học cho em trai: 3.000.000

- Tiền ăn uống: 8.000.000 (hơi cao do em chỉ ăn ngoài)

- Tiền đi chơi, spa, gội đầu: 3.000.000

- Tiền gửi xe, đi lại: 1.500.000

Tổng chi: 25.500.000

Đó là chi phí cố định, ngoài ra mỗi năm e có dành khoảng 100.000.000 để đi du lịch, trải nghiệm trong nước và nước ngoài.

Em muốn xin lời khuyên của các chị đi trước ạ. Em có nên tiếp tục sống vì tuổi trẻ không? Vì em thấy mình chỉ có vài năm có thể thoải mái thăm quan và khám phá, nhưng em cũng muốn tiết kiệm để mua nhà, vì dự định năm 30 tuổi em sẽ kết hôn ạ” - Cô chia sẻ.

Có thể thấy, thu nhập trung bình năm của cô là 720 triệu đồng. Như vậy, khoản 100 triệu để đi du lịch, tính ra, chỉ chiếm khoảng 13,8% so với thu nhập cả năm. Tỷ lệ này là hợp lý, không quá cao. Chưa kể, với mức chi tiêu cố định khoảng 25,5 triệu/tháng, cô vẫn tiết kiệm được 34,5 triệu đồng - tương đương hơn 50% thu nhập.

Nhìn chung, phần lớn mọi người đều cho rằng cách quản lý chi tiêu, tiết kiệm của cô hiện khá ổn. Nếu muốn tiết kiệm nhiều hơn, cô có thể tự nấu ăn để cắt giảm tiền ăn ngoài, đồng thời, giảm ngân sách du lịch còn 50 triệu/năm là ổn.

“Lương 60 triệu, trừ đi 25,5 triệu cố định thì vẫn còn dư ra 34,5 triệu. Mỗi tháng cất đi 25 triệu. Còn 9,5 triệu để dành mỗi tháng cho vào ví đi du lịch là có 114 triệu /năm để đi chơi. Nếu không dùng hết khoản đó thì dồn sang tiền tiết kiệm. Vậy tính ra 1 năm cũng có ít nhất 300 triệu tiết kiệm.

Với thu nhập của bạn, mình thấy tích lũy như vậy là ổn, tiêu như bạn cũng rất ok rồi, đừng tiêu hết sạch tiền là được. Trẻ thì nên tận hưởng, trải nghiệm” - Một người chia sẻ quan điểm.

“Chi tiêu mua sắm, ăn uống thì có thể bớt lại, còn đi du lịch trải nghiệm thì hãy đi khi còn có thể. Bây giờ bạn vừa có tiền, vừa có sức khỏe, vừa có thời gian thì cứ đi đi. Vài năm nữa, chỉ cần thiếu hụt 1 trong 3 điều kiện ấy thôi là có muốn cũng khó mà đi được nữa. Hồi hơn 20 tuổi, mình cũng kiếm được nhiều tiền, cũng đi rất nhiều nơi. Bây giờ thì cả chục năm rồi chỉ loanh quanh ở nhà. Nhưng mình cũng chưa bao giờ hối hận vì những năm tuổi trẻ đó, không mua được vài mảnh đất nhưng mình lại được trải nghiệm thế giới ngoài kia, chẳng có gì phải hối tiếc” - Một người khác chia sẻ.

“Nếu muốn mua được nhà trong 4 năm tới (khi bạn 30 tuổi), thì giờ nên tiết kiệm tối đa, vì với tỷ lệ tiết kiệm như hiện tại, sau 4 năm bạn có khoảng 1,6 tỷ thì có thể vẫn chưa đủ tiền mua nhà. Còn nếu không đặt nặng mục tiêu mua nhà năm 30 tuổi thì mình thấy chi tiêu như bạn bây giờ là hợp lý rồi, so với mức thu nhập của chính bạn” - Một người khác nhận định.

3 điều cần nhớ để tối ưu khoản tiền dư ra mỗi tháng

1 - Không "bỏ hết trứng vào một giỏ"

"Không bỏ hết trứng vào một giỏ" là nguyên tắc khá phổ biến của những nhà đầu tư. Bằng cách để vốn vào nhiều loại hình đầu tư khác nhau, chúng ta có thể dàn trải rủi ro và tránh bị động khi có biến cố tài chính.

Ảnh minh họa

Với số tiền để dành được mỗi tháng, bạn có thể phân bổ chúng làm 4 phần: Gửi tiết kiệm dài hạn, xây dựng quỹ dự phòng, mua vàng, đầu tư.

Tùy vào mục tiêu cũng như khẩu vị rủi ro mà tỷ lệ của 4 khoản trên có thể khác nhau. Nhưng việc phân bổ số tiền dư ra mỗi tháng vào 4 khoản ấy vừa giúp bạn có tài sản dài hạn (vàng), vừa có nguồn tiền sinh lời (gửi tiết kiệm, đầu tư) và vừa có tiền đề phòng những tình huống cấp bách, đột xuất (dự phòng).

2 - Mua vàng tích sản đều đặn hàng tháng

Nhiều người có dự định mua vàng, nhưng vì thấy giá vàng tăng nên lại chần chừ, cứ đợi ngày này qua ngày khác, rồi thành ra chẳng mua nữa, còn tiền thì cũng đã tiêu hết vì không kiểm soát được ham muốn mua sắm.

Trên thực tế, việc canh giá vàng tăng không ảnh hưởng quá nhiều đến ngân sách mua vàng, nếu bạn chỉ mua 1-2 chỉ hoặc thậm chí 5 chỉ. Chỉ khi nào số vàng bạn mua tính bằng cây, thì việc giá vàng tăng mới ảnh hưởng tới ngân sách mua vàng. Chứ mua 1-2 chỉ mỗi tháng, giá vàng có lên tới đỉnh, số tiền tăng thêm cũng chỉ 200-300k, quả thực không ảnh hưởng nhiều tới ngân sách chi tiêu cho các nhu cầu khác.

Ảnh minh họa

Thế nên nếu đã có dự định mua vàng tích sản, điều quan trọng nhất là phải mua đều hàng tháng, đừng quá quan tâm tới biến động giá vàng. Cứ đúng ngày, đúng giờ là cầm tiền đi mua. Mua xong mang về, cất vàng vào két sắt, giữ qua 5-10 năm thì không bao giờ lo mất giá hay lo lỗ.

3 - Chọn hình thức đầu tư chậm mà chắc

Nếu không có nhiều kiến thức và kinh nghiệm đầu tư, hình thức đầu tư ít rủi ro nhất chính là đầu tư chứng chỉ quỹ. Tuyệt đối tránh xa các loại hình đầu tư “cam kết lãi, đầu tư nhanh’, vì khả năng mất sạch là khá cao, nhất là với những người chưa vững tâm lý trước biến động thị trường.

Nếu bạn chưa biết: Chứng chỉ quỹ là một dạng đầu tư thụ động, được thiết kế dành cho những người chưa biết gì hoặc chưa biết nhiều về thị trường đầu tư. Bạn có thể hiểu đơn giản rằng chứng chỉ quỹ giống như một cái rổ, trong đó có chứa các mã cổ phiếu nhất định, được chọn lọc bởi các nhà quản lý chứng chỉ quỹ.

“Mua chứng chỉ quỹ giúp giảm thiểu tối đa sai lâm trong đầu tư với những nhà đầu tư F0. Bạn càng đưa ra nhiều quyết định mua bán, giao dịch cổ phiếu, cơ hội để bạn mắc sai lầm càng cao. Lựa chọn công ty để đầu tư chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Nếu kiến thức chưa đủ vững, bạn nên đầu tư chứng chỉ quỹ, vì danh mục đầu tư đã được cái chuyên gia/nhà quản lý chứng chỉ quỹ đánh giá, chọn lọc giúp cho bạn rồi” - Anh Gerard Do, Người quản lý hệ sinh thái khởi nghiệp tại Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, đồng thời là tác giả cuốn sách Nguyên tắc cơ bản trong đầu tư, khẳng định.


Theo Ngọc Linh

Cùng chuyên mục
XEM