Cổ đông Sacombank góp ý nên coi lại việc bán bảo hiểm, CEO khẳng định ngân hàng tư vấn chuyên nghiệp, rõ ràng, không ép buộc khách vay

28/04/2023 10:54 AM | Kinh doanh

Sáng ngày 25/4/2023, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài GònThương Tín (Sacombank) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2022. Trong số các ý kiến của cổ đông chủ yếu tập trung xoay quanh vấn đề chia cổ tức, một vị cổ đông đã nêu câu hỏi về việc có nên duy trì bán bảo hiểm qua ngân hàng hay không.

Cổ đông Sacombank góp ý nên coi lại việc bán bảo hiểm, CEO khẳng định ngân hàng tư vấn chuyên nghiệp, rõ ràng, không ép buộc khách vay - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm

Cụ thể, trong phần hỏi đáp, một vị cổ đông lâu năm của Sacombank đặt vấn đề có nên duy trì bảo hiểm không và e ngại việc này mang lại lợi nhuận cho Công ty bảo hiểm, trong khi Ngân hàng bị mang tiếng nhiều.

"Quý vị nên coi lại phần bán hợp đồng bảo hiểm của chúng ta. Không hiểu có nên duy trì phần này không? Mình xem lại phần bảo hiểm này, có lẽ mình chỉ làm giàu cho bên công ty bảo hiểm thôi, mình mang tiếng nhiều lắm" , cổ đông thẳng thắn bày tỏ trong hội nghị.

Thay mặt đoàn chủ tọa, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm trả lời câu hỏi về bancasuarance. Bà Diễm cho biết, xu thế các ngân hàng triển khai bảo hiểm liên kết để tăng thu dịch vụ và tạo lợi nhuận cho ngân hàng.

Về phía Sacombank, ngân hàng không có chủ trương cũng không có chỉ đạo bắt buộc khách hàng khi vay vốn sẽ phải mua hợp đồng bảo hiểm . Tất cả đều trên tinh thần tư vấn một cách chuyên nghiệp, rõ ràng giữa quyền lợi của khách hàng và chi phí mà khách hàng gặp phải khi thực hiện hợp đồng bảo hiểm đầu tư hay bảo hiểm nhân thọ.

Bà Diễm cũng khẳng định ở Sacombank không có trường hợp khách hàng lên gửi tiết kiệm biến thành hợp đồng bảo hiểm . Tất cả quy trình kiểm soát rủi ro với bảo hiểm đều thực hiện tuân thủ và giám sát chặt chẽ và với tất cả các khách hàng có thắc mắc về bảo hiểm Sacombank đều giải quyết triệt để vấn đề.

Cổ đông Sacombank góp ý nên coi lại việc bán bảo hiểm, CEO khẳng định ngân hàng tư vấn chuyên nghiệp, rõ ràng, không ép buộc khách vay - Ảnh 2.

Đại hội đồng cổ đông thường niên Sacombank 25/04/2023

Trong báo cáo về ngành ngân hàng công bố hồi đầu năm, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, các ngân hàng có động lực đẩy mạnh nguồn thu từ bán chéo bảo hiểm trong điều kiện room tín dụng hạn chế.

Trong năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancassurance tăng 45% so với năm trước và tổng thu phí bảo hiểm tại các ngân hàng niêm yết tăng 16,4% .

Các ngân hàng dẫn đầu về doanh số bán bảo hiểm mới bao gồm MB, VIB, Sacombank, ACB, Vietcombank.

Cụ thể, trong năm 2022, doanh số bảo hiểm mới của MB đạt 2.143 tỷ đồng, đứng đầu trong danh sách theo dõi của VCBS. Ngoài tháng 1, từ tháng 2/2022 đến tháng 12/2022, MB đều là ngân hàng dẫn đầu về doanh số bảo hiểm mới.

Đứng sau MB là VIB và Sacombank với doanh số năm 2022 đạt lần lượt 1.868 tỷ đồng và 1.817 tỷ đồng. Đối tác bảo hiểm liên kết của Sacombank là Dai-ichi Life Việt Nam.

Cổ đông Sacombank góp ý nên coi lại việc bán bảo hiểm, CEO khẳng định ngân hàng tư vấn chuyên nghiệp, rõ ràng, không ép buộc khách vay - Ảnh 3.

Ban lãnh đạo Sacombank và Dai-ichi Life Việt Nam tại Lễ ký kết nâng tầm Hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền

Ở các quốc gia càng phát triển thì tỷ lệ mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) vượt trội, chiếm trên hai phần ba. Điều đó cho thấy kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng được người mua tin cậy. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam trong thời gian qua có nhiều sự việc được báo chí và mạng xã hội đưa tin về việc các nhân viên ngân hàng tư vấn sai hay ép khách hàng mua BHNT, gây bức xúc trong dư luận.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp ngày 18/04 về tình hình triển khai cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ thời gian qua.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh vừa qua, phương tiện truyền thông đã phản ánh tình trạng nhân viên ngân hàng ép buộc, lôi kéo khách hàng tham gia bảo hiểm; doanh nghiệp, đại lý bảo hiểm giới thiệu, cung cấp thông tin sản phẩm bảo hiểm không rõ ràng, thiếu minh bạch, dẫn đến gây nhầm lẫn cho khách hàng tham gia bảo hiểm; chất lượng dịch vụ sau bán hàng chưa tốt.

Bên cạnh đó, trên thị trường có nhiều sản phẩm bảo hiểm nhân thọ được cung cấp, trong đó có một số sản phẩm rất phức tạp như bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư. Để phát triển ổn định, lành mạnh thị trường bảo hiểm nói chung và thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc nâng cao chất lượng của đại lý bảo hiểm. Giám sát hoạt động tư vấn của đại lý, bảo đảm minh bạch thông tin với khách hàng.

Cùng với đó, nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để phù hợp, triệt để khắc phục những bất cập trong triển khai bảo hiểm nhân thọ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có vi phạm.

Trọng Nghĩa

Cùng chuyên mục
XEM