Cô công nhân nhặt chỉ kiếm triệu đô la nhờ áp dụng chiến lược ‘kiểu Viettel’: 'Có hàng chục tỷ sau 5 tháng là điều không tưởng'

22/11/2021 08:37 AM | Sống

“Chuyện của tôi kể ra, ai nghe cũng tưởng là đùa. Thế nhưng đó hoàn toàn là sự thật, không một chút “mô đi phê”, từ việc đã tính tới đi làm ôsin để kiếm 600 nghìn đồng tới lúc cầm trong tay hàng chục tỷ nhưng cứ nghĩ là mình sắp chết vì ung thư” – CEO Hà Bùi của thương hiệu Sohee chia sẻ.

 Cô công nhân nhặt chỉ kiếm triệu đô la nhờ áp dụng chiến lược ‘kiểu Viettel’: Có hàng chục tỷ sau 5 tháng là điều không tưởng  - Ảnh 1.

Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất xứ Thanh. Nơi mà các bậc phụ huynh đều rất chú trọng việc học hành và mong muốn con cái thành đạt, có công ăn việc làm ổn định, nhất là với con gái.

Tuy nhiên, tôi lại là đứa có cá tính mạnh mẽ, quyết đoán và có chút hiếu thắng nên mọi thứ đều làm theo bản năng. Tôi luôn nghĩ rằng mỗi người có một lựa chọn. Bố tôi vốn là người kinh doanh nên rất tôn trọng con gái.

Ngày đó, thấy bạn bè từ Sài Gòn về có tiền, ăn mặc đẹp, đứa nào cũng trắng trẻo, rất là thích nên tôi quyết định bỏ ôn thi ĐH, trốn gia đình vào chỗ bạn làm. Hồi ấy còn đi ô tô vào Sài Gòn, tới bến xe thì gọi vào xưởng rồi nối máy tới chỗ bạn làm công nhân. Đi bộ rất là xa, rồi tới nơi mới vỡ mộng.

Tận mắt chứng kiến mới thấy cuộc sống của bạn bè lúc ấy rất kinh khủng. Hoá ra họ trắng vì đâu có được thấy ánh sáng mặt trời. Sáng 7h tới công ty sau đó làm việc cả ngày ở đó, tăng ca tới 8-9h đêm là rất bình thường. Có hôm còn tăng ca tới 10h đêm. Và họ phải rất rất tiết kiệm để 1-2 năm về quê có thể hoành tráng.

 Cô công nhân nhặt chỉ kiếm triệu đô la nhờ áp dụng chiến lược ‘kiểu Viettel’: Có hàng chục tỷ sau 5 tháng là điều không tưởng  - Ảnh 2.

Lúc đó, thực sự là về không được mà ở lại cũng không xong. Ở quê thì nhà không hết gạo có thể đi vay, hết rau thì đi xin hàng xóm. Nhưng ở Sài Gòn, không có tiền là chết. Chết thực sự luôn.

Dẫu vậy, tôi lúc bấy giờ vẫn cảm thấy nếu về thì nhục lắm. Vì trốn gia đình đi nên tôi quyết tâm bằng mọi giá phải ở lại đi làm. Dù đi làm thì thực sự cực.

Có những hôm tăng ca về không có tiền, tôi và bạn phải chia nhau gói mì tôm. Có hôm chưa nhận được lương phải nấu cháo trắng ăn với muối.

Bấy giờ, tôi nhận ra, ở thành phố lớn nếu mình đi đúng hướng thì sẽ có thành công nhưng đi lệch đường thì sẽ mất hết tất cả. Suy nghĩ này ảnh hưởng tới lựa chọn kinh doanh mãi về sau này của tôi.

Vào Sài Gòn, tháng lương đầu tiên tôi nhận được chỉ vỏn vẹn 200 nghìn đồng. Trước lựa chọn của con gái, bố tôi không trách cứ gì cả. Ông đi vay lãi ngày để gửi vào cho con 400 nghìn đồng, cùng một lá thư rất dài. Trong thư, ông dặn tôi giữ mình trong một vùng đất xa hoa, nhiều cạm bẫy. Con gái làm sao phải "đói cho sạch, rách cho thơm". Lời dặn dò ấy tôi khắc ghi mãi trong lòng.

Kể cả những lúc khó khăn nhất, bạn bè bảo đi làm tiếp thị bia hay tiếp viên nhà hàng, thì cũng không bao giờ tôi làm. Đi ra ngoài nhìn mấy quán cà phê cóc nhỏ nhỏ mà người ta thường gọi là "cà phê ôm"… Tôi rất dị ứng và nhạy cảm với những điều như thế. Có thể nhiều người khi nhìn vào sẽ nghĩ rằng mình đi vào Sài Gòn chắc sẽ như thế này như thế kia nhưng cũng tùy từng bản chất, tính cách của mỗi người.

 Cô công nhân nhặt chỉ kiếm triệu đô la nhờ áp dụng chiến lược ‘kiểu Viettel’: Có hàng chục tỷ sau 5 tháng là điều không tưởng  - Ảnh 3.

Từng có lúc tôi nghĩ mình sẽ đi làm giúp việc cho nhà người ta, vừa có chỗ ăn ở, vừa có thu nhập khoảng 600 nghìn đồng/tháng để gửi về quê cho bố trả nợ. Nhưng công việc đó lại không đi học được. Vậy là, sau một thời gian ngắn khoảng vài tháng làm công nhân, tôi chọn đi bán shop thời trang để có thể kiếm thêm tiền và đi học tại chức.

Mới đi làm, tôi đã rất yêu thích công việc đó và là một nhân viên rất xuất sắc. Nếu các bạn khác tiếp khách hàng chỉ được 1-2 sản phẩm, thì tôi sẽ được 1 hoá đơn 5-7 sản phẩm và nhận thưởng nóng ngay 50 nghìn đồng. Một số tiền không nhỏ với tôi lúc ấy.

Tôi chợt nghĩ, nếu có thể đi làm kinh doanh, buôn bán thì sẽ có thu nhập tốt hơn nhiều so với công việc viên chức ổn định. Và tại sao mình không lựa chọn công việc mình yêu thích, vừa có thu nhập, vừa có sự chủ động và cả thời gian dành cho gia đình.

 Cô công nhân nhặt chỉ kiếm triệu đô la nhờ áp dụng chiến lược ‘kiểu Viettel’: Có hàng chục tỷ sau 5 tháng là điều không tưởng  - Ảnh 4.

Sau khi rời Sài Gòn, tôi về Hải Dương lập nghiệp. Ban đầu, tôi vay tiền của chị gái để kinh doanh nhỏ lẻ. Có lẽ, nhờ gu thời trang tốt, cộng thêm phần may mắn, việc kinh doanh rất phát đạt. Chỉ sau một tháng, tôi đã trả được món nợ vay lãi ngày 50 triệu đồng. Rồi trên đà phát triển, tôi làm đại lý cho 2 thương hiệu thời trang công sở có tiếng lúc bấy giờ.

Bước ngoặt đến khi tôi bị chèn ép, buộc phải lựa chọn 1 trong 2 thương hiệu khi đã rót hết vốn vào đầu tư để mở thêm đại lý mới. 2 bên giằng xé nhau thì bắt buộc mình phải tin tưởng và đưa ra sự lựa chọn.

Phía thương hiệu lâu năm hơn nói rằng, sẽ cho tôi 1 tỷ để bồi thường hợp đồng với bên còn lại. Sau đó, thương hiệu này lại lừa tôi – 1 cú lừa ngoạn mục – khi dừng hợp đồng. Chỉ vì tin người mà tôi mất hết vốn liếng, bao công sức tiền tài đổ hết vào việc làm đại lý. Vào thời điểm năm 2011-2012, đó là một số tiền rất lớn, có thể đủ để mua nhà.

Mặc dù bản thân khá tức khi bị "lật kèo". Người ta hứa trả lại tiền nhưng rồi lại thất hứa, không thanh toán tiền cho mình. Song tôi cũng không hận thù gì mà coi đó là động lực để bản thân vươn lên. Dẫu vậy, khó khăn vẫn chồng chất khó khăn.

 Cô công nhân nhặt chỉ kiếm triệu đô la nhờ áp dụng chiến lược ‘kiểu Viettel’: Có hàng chục tỷ sau 5 tháng là điều không tưởng  - Ảnh 5.

Giữa lúc biến cố ấy, tôi lại tiếp tục ngã lần 2. Việc mua trang thiết bị, máy móc để khởi nghiệp và xây dựng thương hiệu Sohee tiếp tục gặp sự cố. Lúc đó, tôi hết sạch vốn liếng. Tất cả vàng bạc trên người đã bán sạch hết rồi, chỉ còn chiếc ô tô Altis là đứng tên mình. Nhà cửa lúc ấy đứng tên chung với ông xã. Anh sợ vợ làm ăn thua lỗ nên không ký cho tôi để vay ngân hàng.

Cuối cùng, tôi cầm cố chiếc xe Altis - phương tiện cuối cùng có thể dùng thế chấp ngân hàng – vay 500 triệu đồng để tiếp tục.

Thú thật, bấy giờ tôi cũng không nghĩ mình sẽ thành công như thế. Chỉ biết là mình đã làm nhiều đến mức kiệt sức, thân thể bị bào mòn lúc nào mà không biết. Có những ngày, dù bản thân không thở được, tôi vẫn nằm co ro trên xe cùng anh lái xe đi khắp nơi để tìm mặt bằng. Một mình phải làm hết từ A tới Z. Ban ngày làm với với các phòng ban thiết kế, buổi chiều đến các nơi để nhập vải về, lên mẫu. Đêm đến thì hôm nào không đi tỉnh thì phải làm thiết kế. Có những hôm phải đi chụp mẫu, tôi phải thức trắng đêm để nghĩ ý tưởng.

 Cô công nhân nhặt chỉ kiếm triệu đô la nhờ áp dụng chiến lược ‘kiểu Viettel’: Có hàng chục tỷ sau 5 tháng là điều không tưởng  - Ảnh 6.

Bộ sưu tập đầu tiên nhanh chóng hoàn thiện, gồm 40 mẫu thiết kế. Tôi tức tốc đi Sài Gòn và mời được người mẫu Ngọc Quyên và nhiếp ảnh gia Lê Thiện Viễn chụp. Đây là nhiếp ảnh gia và người mẫu rất nổi tiếng lúc đó. Để mời được họ cũng có chút khó khăn vì bấy giờ, tôi không tên tuổi, thậm chí chưa có thương hiệu luôn.

May mắn là những thiết kế của mình rất đẹp và trông xịn sò nên khi xem ảnh sản phẩm trước, anh Lê Thiện Viễn và cả Ngọc Quyên đã đồng ý chụp cho mình. Bộ sưu tập đấy rất rất thành công. Thành công đến tận bây giờ. Hiện tại, nhiều mẫu vẫn tái sản xuất và bán rất tốt.

Tất cả mọi người đều thắc mắc tại sao thương hiệu lại mang tên Sohee, cái tên này có ý nghĩa gì không. Thật ra, đối với tôi đó là một sự lựa chọn bản năng thôi. Bản thân tôi rất thích xem phim Hàn và cũng hay dùng đồ của Hàn Quốc như mỹ phẩm, phụ kiện... nên cũng lấy đó làm tiền đề để đặt tên.

Tôi thấy người Việt Nam rất là thích phong cách ăn mặc của người Hàn Quốc. Thế nhưng, trên phim và ngoài đời hoàn toàn khác nhau. Khi mình khảo sát thị trường tại Hàn Quốc, cùng đồ như thế nhưng muốn mặc đẹp thì cần phải gộp rất nhiều yếu tố, từ trang điểm đến phối đồ, phụ kiện. Mọi người cứ nói rằng tôi xem phim Hàn Quốc rồi mua những món đồ giống hệt nhưng khi mặc lại không được đẹp. Vốn dĩ người Việt Nam mình không có xấu nhưng vấn đề là mình chưa biết cách để mặc, mặc ra sao, mặc vào những dịp nào cho phù hợp.

Nắm bắt được điều này, nên trong thiết kế, tôi hướng tới những gì khách hàng cần. Những đồ tiệc tùng, "phiêu, bay" để dự sự kiện hay mặc vào những dịp đặc biệt chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Các thiết kế của Sohee sẽ thiên về đồ an toàn, công sở để khách hàng khi mặc lên chỉ cần đánh một chút son thôi đã rất đẹp rồi.

 Cô công nhân nhặt chỉ kiếm triệu đô la nhờ áp dụng chiến lược ‘kiểu Viettel’: Có hàng chục tỷ sau 5 tháng là điều không tưởng  - Ảnh 7.

Ngày rời Hải Dương lên Hà Nội để thành lập Sohee, tôi tức tốc đi trong đêm, bởi không muốn lãng phí thêm một giây phút nào nữa. Tới mức, nhiều người nghĩ rằng mình đi trốn nợ.

Thuê một chung cư 4 triệu để ở, tìm một cái nhà 50m2 4 tầng để làm xưởng, còn lại dồn hết vào việc thuê mặt bằng, tôi bắt tay vào khởi nghiệp. Bấy giờ, Sohee mới chỉ là một hộ kinh doanh cá thể, chưa thành lập công ty. Thứ nhất là mình chưa đủ vốn. Thứ hai là cũng mới quyết định không đi làm thuê nữa, và chưa đủ tự tin để "đánh lớn".

Thời điểm đó là vào ngày 16/7 âm lịch, tới giờ, tôi không còn nhớ được ngày dương nữa, bởi cột mốc tháng 7 âm đó quá ấn tượng, tôi mất sạch tiền khi bị cú lừa mua máy móc thiết bị. Thế nhưng, sau khi vay được tiền và quyết tâm làm tiếp, đúng ngày 20/10/2013 Sohee ra mắt, khai trương cửa hàng đầu tiên ở Thanh Hoá, sau đó thì tiếp tục mở được 5 cửa hàng ở Hà Nội, Hải Dương và Bắc Ninh.

Bắt đầu từ tháng 7 âm, đến đúng tháng 12 âm lịch, tôi kiếm được hơn 1 triệu USD. Lúc đấy, bản thân tôi cảm thấy đó là 1 sự không tưởng. Sau 5 tháng học hỏi và vỡ ra được nhiều điều, cùng với thành công bước đầu tạo tiền đề cho sự phát triển lớn mạnh và bền cững hơn, đến năm 2014, tôi quyết định thành lập công ty cho riêng mình.

 Cô công nhân nhặt chỉ kiếm triệu đô la nhờ áp dụng chiến lược ‘kiểu Viettel’: Có hàng chục tỷ sau 5 tháng là điều không tưởng  - Ảnh 8.

Chạm tay vào 1 triệu đô sau 5 tháng quả là một giấc mơ có thật. Nhưng mọi thứ đến với tôi không hề dễ dàng. Nhiều người nói, để thành công phải đổ mồ hôi, tâm huyết. Với tôi, có lẽ mình đã phải "bán máu" đi để đổi lại thành công ngày hôm nay. Trong quãng thời gian làm việc điên cuồng đó, có lúc tôi nghĩ mình đang bị ung thư giai đoạn cuối vì không thể thở được, không thể nói được, ho rũ rượi suốt một thời gian dài mà vẫn làm việc ngày đêm.

Tôi đi tất cả các bệnh viện ở Hà Nội, chỉ thiếu đi nước ngoài, để kiểm tra sức khỏe của phổi nhưng cũng không tìm ra được bệnh gì. Hóa ra là mình làm việc quá nhiều nên kiệt quệ. Sau này nhìn lại mới thấy, vì nghèo nên mình quyết tâm thoát ra khỏi cái nghèo, nên bằng mọi giá mình phải làm, làm đến quên cả bản thân.

Lúc đó, con tôi còn rất nhỏ. Tôi chỉ nghĩ phải làm thế nào kiếm được thật nhiều tiền để lo cho các cháu ăn học, trưởng thành. Tôi không thể tưởng tượng được các con sẽ sống như thế nào nếu không có mình, 1 bé mới được 1 tuổi, bé lớn hơn cũng vừa lên 4. Các con bấy giờ chính là động lực để tôi tiếp tục chiến đấu, tiếp tục làm việc.

 Cô công nhân nhặt chỉ kiếm triệu đô la nhờ áp dụng chiến lược ‘kiểu Viettel’: Có hàng chục tỷ sau 5 tháng là điều không tưởng  - Ảnh 9.

Sau đó, vì nghĩ rằng, bị ung thư thì mình vẫn sẽ sống được vài năm nên tôi mua 1 con xe Mercedes S500 để di chuyển. Đó là cách tôi đầu tư cho bản thân và sức khoẻ của mình, bởi tôi thường xuyên ăn ngủ, làm việc trên xe nên cần một chiếc xe tốt để không đau mỏi người sau nhiều giờ di chuyển liên tỉnh.

Và đến bây giờ, tôi vẫn ăn cơm trên xe, nghỉ ngơi trên xe khi đi công tác vì không có thời gian. Có ngày, 24h mà tôi ký đến 5 cái hợp đồng thuê mặt bằng. Có lúc mình phải tăng ca đến 10-11h đêm. Tại showroom, mình phải ngồi xổm để ăn bát phở sau đó làm việc tiếp đến 12h.

Có bạn nhân viên làm part-time ở Sohee nói với tôi rằng: "Chị ơi, chị là chủ tịch à sao trông như con sen thế. Chị cứ để đấy cho bọn em làm". Nhưng do các bạn làm mình không yên tâm nên không thể giao phó hết được. Có một chuyện rất thật rằng nếu anh ỷ lại vào nhân viên anh sẽ thất bại hoàn toàn vì các bạn chỉ có trách nhiệm làm việc theo giờ, hết giờ là về. Cho nên tôi phải quan tâm rất kỹ từng tí một. 1 đơn hàng sai là đi 1 dặm.

 Cô công nhân nhặt chỉ kiếm triệu đô la nhờ áp dụng chiến lược ‘kiểu Viettel’: Có hàng chục tỷ sau 5 tháng là điều không tưởng  - Ảnh 10.

Khi sai, các bạn chỉ nhắn 1 câu xin lỗi, mình phạt họ KPI, giảm 50% lương thì chỉ giảm được 10-12 triệu nhưng đơn hàng đó của mình bị trả về sẽ mất khoản tiền lớn. Con số có thể gấp hàng chục lần số tiền họ bị phạt và người chịu trách nhiệm vẫn là chủ doanh nghiệp. Đấy là lý do tôi kiểm soát rất kỹ cho từng đơn hàng một, từng công việc nhỏ một.

Đến bây giờ tôi vẫn không có thói quen đọc báo cáo vì phải nắm bắt công việc tận tay, chi tiết thì mới có thể thành công. Mọi người thắc mắc tại sao ở thị trường khó khăn như vậy nhưng Sohee vẫn thành công. Đó là bởi người lãnh đạo bỏ ra rất nhiều tâm huyết, công sức và nhiều nhân viên của tôi cũng làm như vậy thì mọi thứ sẽ trả lại đúng với những gì mình bỏ ra.

Ở Sohee, tôi còn có 1 nguyên tắc là phải đảm bảo cho những người đang làm việc cho mình. Lương không được chậm, dù chỉ một ngày. Chưa bao giờ công nhân của Sohee bị thất nghiệp. Sohee có tiếng là kiểm duyệt hàng rất chặt nhưng hàng luôn đảm bảo. Đặc biệt, Sohee biết người lao động cần gì. Họ cần thu nhập ổn định, hàng hóa đảm bảo.

Có rất nhiều người lôi kéo người làm gia công của tôi vì mình đã đào tạo họ 8 năm và tay nghề rất cứng nhưng nhân công vẫn không bỏ Sohee. Các thương hiệu mới thành lập có thể trả cho họ giá cao nhưng chỉ 1 thời gian ngắn họ sẽ thất nghiệp. Riêng với Sohee, trong 8 năm qua, nhân công chưa bao giờ hết việc.

 Cô công nhân nhặt chỉ kiếm triệu đô la nhờ áp dụng chiến lược ‘kiểu Viettel’: Có hàng chục tỷ sau 5 tháng là điều không tưởng  - Ảnh 11.

Khi nói chuyện với mọi người, tôi hay nhắc tới từ bản năng. Bởi đúng là rất nhiều quyết định và lựa chọn trong sự nghiệp và cuộc sống, tôi dựa vào bản năng.

Cũng như việc phát triển từ các tỉnh lẻ trước, rồi mới quay lại thủ đô của Sohee, điều mà nhiều người ví là giống với chiến lược "lấy nông thôn vây thành thị" của Tập đoàn Viettel. Thực ra, khi mới khởi nghiệp, tôi chỉ là cô công nhân nhặt chỉ, kinh doanh thời trang hộ cá thể bé tí, biết gì về chiến lược của Viettel đâu. Lựa chọn tập trung kinh doanh ở tỉnh trước hoàn toàn dựa vào cảm nhận của bản thân thôi. May mắn sao lại thành công rực rỡ.

Tôi nghiệm ra một điều, ở thành phố để cạnh tranh kinh doanh rất khó với một người không có vốn và mọi thứ như mình. Trong khi đó, ở tỉnh, các chị em dễ tính hơn và mọi thứ đầu tư ít hơn rất nhiều. Đặc biệt do có kinh nghiệm làm đại lý cho 2 thương hiệu nên tôi biết thị trường nào đang bán tốt, khách hàng ở đâu, họ đang cần sản phẩm gì. Do vậy, tôi mới lựa chọn tỉnh để kinh doanh và điều đó đã tạo nên khởi đầu vô cùng thuận lợi của Sohee.

 Cô công nhân nhặt chỉ kiếm triệu đô la nhờ áp dụng chiến lược ‘kiểu Viettel’: Có hàng chục tỷ sau 5 tháng là điều không tưởng  - Ảnh 12.

Đến giờ, tôi vẫn liên tục đi tìm những "chân trời mới" ở các tỉnh. Mỗi khi bản thân có năng lượng hay tìm thấy một điểm khởi đầu yêu thích, tôi lại mở chi nhánh. Năm 2020, mặc dù đại dịch hoành hành, tôi vẫn mở 8-9 chi nhánh mới. Năm 2021 cũng dịch nhưng tôi vẫn mở thêm được mấy cái. Nếu tìm được mặt bằng đẹp, chắc chắn tôi sẽ mở tiếp chứ không dừng lại. Tới giờ, chúng tôi đã cận kề con số 30 cửa hàng khắp cả nước.

Nhiều người ngỡ ngàng khi Sohee liên tục mở rộng trong giai đoạn dịch bệnh. Vậy nhưng, tôi cho rằng, nếu bỏ qua cơ hội thì phải đến 1, 2 năm sau, ta mới có thể tìm thấy được mặt bằng ưng ý. Địa điểm, vị trí cửa hàng là yếu tố cực kỳ quan trọng, quyết định việc kinh doanh của mình thành công hay không. Ví dụ trên một trục đường đó, chỉ cần đi tiến lên 500m thôi là đã không thể kinh doanh được rồi.

Bây giờ, khi có được sự nghiệp nhất định, tôi đã có đủ tự tin để đứng ở Hà Nội hay TP.HCM vì biết họ cần gì. Chứ trước kia, khi mới chân ướt chân ráo từ tỉnh lẻ lên Hà Nội không phải để kinh doanh mà để tìm hiểu môi trường và đề ra chiến lược riêng cho bản thân. Lúc đó, tôi nghĩ khi nào mình đủ chín chắn mình sẽ quay trở lại thành phố.

 Cô công nhân nhặt chỉ kiếm triệu đô la nhờ áp dụng chiến lược ‘kiểu Viettel’: Có hàng chục tỷ sau 5 tháng là điều không tưởng  - Ảnh 13.

Và đúng lời hứa đó, đến năm 2016 tôi quay trở lại thủ đô và hiện tại Sohee có 6 cửa hàng. Cũng được xem là có chỗ đứng trên thương trường. Bây giờ tôi rất là tự tin, nếu dịch bệnh năm sau được kiểm soát tốt chắc chắn Sohee sẽ mở 10 cái trong TPHCM. Sau đó là mở rộng ở miền Trung, Đà Nẵng, Đà Lạt...

Năm nay, ông xã cũng đang mở 1 thương hiệu đồ nam và tôi cũng hỗ trợ rất nhiều vì anh chưa có nhiều kinh nghiệm. Lúc này tôi thấy bản thân lại tràn đầy năng lượng như lúc mới khởi nghiệp.

Ai cũng bảo tuổi này nên nghỉ ngơi đi, đến lúc già yếu rồi lại không làm ăn được gì, tiền nhiều cũng không thể mang theo. Mấy tháng dịch ở nhà tôi ốm vật ốm vờ, nên phải mua 1 chiếc máy để tập tại gia. Nhưng chỉ cần đi làm mà mắt tôi sáng lên, đang ốm cũng lập tức khỏi hẳn, năng lượng tràn đầy.

Những ngày vừa qua tôi làm đến 8-9 giờ tối, thậm chí có những hôm làm đến 2-3 giờ sáng và 6 giờ đã bật dậy rồi. Tôi cũng không hiểu năng lượng ở đâu ra. Nhưng ở nhà thì rất là mệt và cứ đi làm lại không có chuyện gì xảy ra.

Tôi quan điểm rằng, mọi thứ đều phải khởi nguồn từ đam mê, có như vậy mình mới giữ được sự nhiệt huyết, tận tâm và yêu công việc. Bất cứ một thay đổi nhỏ, một tín hiệu bất ổn hay đại lý nào ế ẩm, tôi đều sẽ xuống tận nơi để tìm nguyên nhân và cách giải quyết.

Cũng giống như 1 ngôi nhà, hỏng là phải sửa. Công ty cũng thế, chỗ nào hỏng là phải sửa, sửa không được là mình phải thay cái mới chứ không thể để càng ngày càng xuống cấp. Đó chính là điều rất quan trọng trong kinh doanh.

Nhiều lúc bản thân tôi cũng không hiểu sao mà khởi nghiệp đến năm nay là năm thứ 9 rồi mà trong người vẫn tràn đầy nhiệt huyết như thuở ban đầu. Có lẽ tất cả cũng vì đam mê. Đúng là tiền thì ai cũng thích nhưng không có đam mê, nhiệt huyết thì cũng khó mà thành công.

Khi đã gần kề độ tuổi 40, tôi vẫn luôn nhắc nhở mình không ngủ quên trên chiến thắng. Bản thân lúc nào cũng hừng hực tinh thần khởi nghiệp và truyền cảm hứng cho những người xung quanh, để chúng tôi cùng nhau tiến tới những thành công mới. 

Bài: Hồng Đăng Ảnh : Nguyễn Long Thiết kế: Hương Xuân

Cùng chuyên mục
XEM