Cơ chế ngân sách mới cho Thủ đô: Sẽ cho phép Hà Nội vay thêm để đầu tư cơ sở hạ tầng ?

14/12/2016 15:14 PM | Xã hội

Để chuẩn bị cho phiên họp thứ 5 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao Bộ trưởng Bộ Tài chính chuẩn bị tờ trình của Chính phủ về việc ban hành Nghị định quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho thủ đô Hà Nội

Mới đây, để chuẩn bị cho Phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ ngày 19-22/12/2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phân công các thành viên Chính phủ chuẩn bị một số tờ trình, báo cáo với một vài nội dung mới.

Trong đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ phải chuẩn bị Tờ trình của Chính phủ về dự án Pháp lệnh phí, lệ phí Tòa án. Cùng với đó, vị Bộ trưởng cũng được phân công soạn tờ trình của Chính phủ về việc ban hành Nghị định quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho TP Hà Nội.

Về mặt này, trước đó, cũng chính Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Nghị định mới về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội nhằm thay thế Nghị định 123/2004/NĐ-CP (123) và Nghị định 112/2015/NĐ-CP (112) của Chính phủ.

Theo Bộ tài chính, việc thiết lập cho thủ đô một cơ chế tài chính, ngân sách mới là cần thiết bởi lẽ dù qua hơn 10 năm thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên với cơ chế hiện tại, ngân sách thủ đô vẫn đang phải đương đầu với một vài khó khăn cố hữu.

Nổi cộm nhất, đó là chuyện mức dư nợ mà Hà Nội được phép huy động vẫn đang thấp hơn rất nhiều so với tầm vóc và yêu cầu đầu tư của một thủ đô.

Ví dụ như trong giai đoạn 2012 - 2015, nhu cầu đầu tư các công trình trọng điểm lên đến là 28.845 tỷ đồng. Thành phố đã bố trí ngân sách và huy động thông qua phát hành trái phiếu xây dựng thủ đô các năm 2012 - 2014 cho các dự án 12.417 tỷ đồng. Còn phần nhu cầu vốn còn lại là 16.428 tỷ đồng thì vẫn chưa bố trí được nguồn huy động.

Vì dư nợ so với nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn ở mức thấp, trong thời gian tới thành phố dự kiến sẽ cần huy động vốn ở mức cao hơn để có nguồn đầu tư phát triển, nhằm sớm hoàn thành công trình trọng điểm đưa vào sử dụng. Vì thế, một cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù riêng cho Hà Nội phải nói là rất cần thiết.

Ngoài ra, cũng trong khuôn khổ chuẩn bị cho phiên họp thứ 5, các Bộ trưởng khác cũng được yêu cầu báo cáo về một số vấn đề của ngành mình phụ trách.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sẽ chuẩn bị Tờ trình của Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trụ sở cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Công Thương chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 1052/NQ-UBTVQH ngày 24/10/2015 về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM