Có 1 loại rau không chứa thuốc trừ sâu làm 3 món siêu ngon, ăn vừa giúp kháng khuẩn lại tốt cho hệ xương khớp
Loại rau này vừa là dược liệu dân gian quý giá tốt cho hệ xương khớp lại có thể làm rau chế biến được rất nhiều món ăn ngon.
Trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa từ thu sang đông, nhiệt độ dần giảm xuống khiến những người lớn tuổi dễ bị các vấn đề về xương khớp. Để bảo vệ sức khỏe nói chung và củng cố hệ xương khớp nói riêng, ngoài chế độ sinh hoạt, tập thể dục hợp lý thì bổ sung dinh dưỡng cũng là yếu tố cần thiết. Bạn có thể dùng những loại nguyên liệu dân dã chế biến thành các món ăn để hỗ trợ giảm đau nhức, tê cứng khớp, nâng cao hệ miễn dịch. Một trong những loại nguyên liệu tốt cho hệ xương mà bạn có thể dùng đó là lá lốt. Lá lốt chứa nhiều thành phần dưỡng chất quan trọng, tốt cho sức khỏe như: Protein, chất xơ, canxi, photpho, sắt, vitamin C... Và điều quan trọng đây được đánh giá là loại rau không chứa thuốc trừ sâu.
Theo Đông y, lá lốt có vị nồng, hơi cay, tính ấm, có tác dụng làm chỉ thống (giảm đau), tán hàn (trừ lạnh), hạ khí (đưa khí đi xuống), ôn trung (làm ấm bụng) nên thường dùng chữa các chứng đau nhức xương khớp khi chuyển trời, trời lạnh, ra mồ hôi tay chân.
Theo y học hiện đại, lá và thân cây lá lốt rất giàu ancaloit và tinh dầu, thành phần chính là beta-caryophylen giúp kháng khuẩn, chống viêm, giảm sưng đau rất tốt (đặc biệt là với bệnh thấp khớp rất hiệu quả). Do rất giàu tinh dầu có mùi thơm đặc trưng nên sâu bọ và côn trùng khá "kị". Cũng vì lẽ đó mà lá lốt không bao giờ phải sử dụng đến thuốc trừ sâu/thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sinh trưởng. Ngoài việc dùng làm dược liệu chữa trị các chứng bệnh trong Đông y, lá lốt cũng thường được người dân sử dụng như một loại rau để nấu các món ăn ngon và tốt cho sức khỏe, đặc biệt là với những người có bệnh xương khớp.
1. Mực hấp lá lốt thơm ngon: Món ăn an toàn nhờ loại rau không chứa thuốc trừ sâu
Thành phần nguyên liệu: 500g mực ống, 20-25 lá lốt, 1 nhánh gừng, 2 củ sả, 1/2 củ hành tây, gia vị, bột nêm.
Cách làm món mực hấp lá lốt:
Bước 1: Mực mua về đem sơ chế sạch (rút bỏ mai, nội tạng, lớp màng bên ngoài), sau đó cắt thành các miếng nhỏ vừa ăn. Tiếp theo bạn cho mực vào bát tô, thêm gia vị, bột nêm, gừng băm nhỏ rồi, trộn đều và ướp trong khoảng 15 phút. Sả rửa sạch, xắt lát mỏng. Lá lốt rửa sạch thái nhỏ. Hành tây rửa sạch bổ miếng cau.
Bước 2: Sau khi ướp xong bạn trộn mực cùng với lá lốt đã cắt nhỏ. Chuẩn bị một đĩa sâu lòng, xếp một lớp lá lốt xuống đáy đĩa. Tiếp theo cho mực đã trộn lá lốt thái nhỏ lên rồi thêm sả và gừng thái lát vào. Nếu thích ăn cay bạn có thể cho thêm vào vài lát ớt. Đặt nồi hấp lên bếp, đun sôi nước. Sau đó đặt đĩa mực lên xửng và hấp trong khoảng 15 phút là mực chín.
2. Canh lá lốt thịt bò
Thành phần nguyên liệu: 1 nắm lá lốt, 300g thịt bò loại mềm, 1 lít nước dùng gà, tỏi, hành tím, bột nêm, gia vị.
Cách nấu món canh lá lốt thịt bò:
Bước 1: Lá lốt rửa sạch, để ráo nước rồi cắt sợi nhỏ. Tỏi và hành tím lột bỏ vỏ sau đó băm nhỏ. Thịt bò thái thật mỏng, ướp với chút bột nêm, tỏi, hành tím đã băm nhỏ. Lưu ý bạn chừa lại một chút hành và tỏi băm để phi thơm. Ướp thịt bò trong khoảng 15-20 phút cho thấm gia vị.
Bước 2: Đặt nồi lên bếp, đun nóng rồi cho chút dầu ăn vào. Sau đó thêm hành và tỏi băm vào phi đến khi dậy mùi thơm thì thêm thịt bò rồi đảo nhanh tay để thịt bò chín tái. Sau đó trút thịt bò ra đĩa, để riêng. Đổ nước dùng gà vào nồi (nếu không có nước dùng gà thì bạn dùng nước lọc cũng được), đun sôi thì thêm lá lốt, nêm chút bột nêm, gia vị cho vừa ăn. Cuối cùng cho thịt bò vào, đun ở lửa lớn cho canh sôi lại thì tắt bếp.
3. Chả trứng kiến lá lốt
Thành phần nguyên liệu: 200g thịt băm, 100g trứng kiến, 1 nắm lá lốt, 1 củ sả xay, 1 cây hành lá xắt nhỏ, 3 tép tỏi băm nhỏ, lượng gia vị thích hợp, một chút bột tiêu, một chút đường, lượng dầu ăn thích hợp.
Cách làm món chả trứng kiến lá lốt:
Bước 1: Cho thịt băm vào bát tô, thêm chút gia vị, bột tiêu, đường, hành lá, sả và tỏi băm. Dùng đũa trộn đều để các nguyên liệu hòa quyện, thịt thấm gia vị. Ướp thịt băm trong khoảng 15-20 phút. Trứng kiến đem rửa sạch, để ráo rồi xào sơ với một chút dầu ăn. Sau đó cho trứng kiến vào bát thịt băm đã ướp, nhẹ nhàng trộn đều. Lá lốt rửa sạch để ráo nước.
Ảnh: Cookpad.
Bước 2: Lấy một lượng nhân thịt trộn trứng kiến vừa phải đặt vào lá lốt (mặt có màu nhạt). Sau đó cuộn lại và dùng tăm (hoặc chính cuống lá lốt) cố định để tránh lá lốt bong ra. Lần lượt làm như vậy cho đến khi hết nguyên liệu. Sau đó cho lượng dầu ăn vừa phải vào chảo, đun nóng. Lần lượt thả từng chiếc chả trứng kiến lá lốt vào chiên đến khi thấy hơi sém là được. Bạn nên chiên ở mức lửa vừa phải để tránh tình trạng lá lốt cháy mà bên trong nhân chưa chín.
Ảnh: Cookpad.
Bạn thấy đấy, lá lốt không chỉ là vị thuốc dân gian chữa được nhiều chứng bệnh mà còn là một loại rau để chế biến những món ăn ngon miệng. Ngoài các món quen thuộc như chả lá lốt hay bò cuốn lá lốt thì món canh lá lốt thịt bò, chả trứng kiến lá lốt hay mực hấp lá lốt cũng là những lựa lý tưởng để bạn đưa vào thực đơn của gia đình mình nhằm nâng cao và cải thiện sức khỏe. Các món ăn này vừa đơn giản lại dễ làm, rất thích hợp ăn vào mùa thu đông. Bạn hãy bổ sung ngay cho thực đơn nhà mình nhé!