CNN: Đại dịch Covid-19 đang khiến đồng USD thất sủng?
Tập đoàn tư vấn tài chính Nomura cho rằng với tình hình nợ nần lớn và nền kinh tế Mỹ gặp nhiều thách thức hiện nay, đồng USD sẽ mất tới 20% giá trị trong vòng 5 năm tới.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, rất nhiều nhà đầu tư đổ xô mua vào đồng USD như một dạng tài sản trú ẩn an toàn. Thế nhưng khi đến nước Mỹ cũng đang chật vật kiểm soát dịch bệnh này thì mọi chuyện cũng dần thay đổi.
Hiện nay, nhiều chuyên gia Phố Wall còn cảnh báo rằng đồng USD sẽ mất giá vì đại dịch, nhất là khi Mỹ liên tục có những động thái kích động chiến tranh thương mại hay làm căng thẳng tình hình.
"Chúng tôi dự đoán đồng USD sẽ mất dần sức ảnh hưởng và giảm giá trong dài hạn", báo cáo của hãng Nomura gửi khách hàng ghi rõ.
Mất vị thế?
Đồng USD vốn là biểu tượng của sức mạnh kinh tế Mỹ thường được dùng trong rất nhiều giao dịch quốc tế cũng như được coi là nơi trú ẩn an toàn do niềm tin vào cường quốc số 1 thế giới. Đây cũng là đồng tiền được các quốc gia dự trữ nhiều nhất trong kho dự trữ ngoại hối chiến lược.
Thế nhưng hiện nay nhà đầu tư đang khá lo lắng về một tương lai ảm đạm cho đồng USD khi nợ công của Mỹ ngày một nhiều do những khoản cứu trợ sau dịch Covid-19 khổng lồ, đi kèm với đó là chính sách cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến quan hệ với nhiều nước trở nên căng thẳng.
Chỉ số USD Index so sánh đồng USD với một rổ các đồng tiền chủ chốt khác
Việc Mỹ từ bỏ hình ảnh là người lãnh đạo của thế giới chuyển sang đặt lợi ích của người dân lên trước, qua đó tạo nên ngày càng nhiều xung đột sẽ khiến nhiều đồng minh chuyển hướng sang những đồng tiền khác an toàn hơn, ví dụ như Franc của Thụy Sĩ.
Đồng quan điểm, hãng BlackRock đã khuyến khích các khách hàng xem xét đầu tư sang Châu Âu, nơi một số quốc gia cân bằng được tốt hơn giữa chống dịch Covid-19 và mở cửa lại nền kinh tế.
Theo hãng tin CNN, những yếu tố trên sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá đồng USD trong vài tháng tới nhưng sự suy yếu về dài hạn mới là vấn đề nghiêm trọng.
Hiện số người nhiễm bệnh tại Mỹ đã đạt gần 3,4 triệu người và ngày càng nhiều chuyên gia lo lắng về tình hình kinh tế đất nước. Rất nhiều bang tại Mỹ đã phải tái thiết lập lệnh cách ly sau khi mở cửa thúc đẩy lại kinh tế do số ca nhiễm Sars nCov2 tăng trở lại. Điều này khiến triển vọng hồi phục của nền kinh tế Mỹ trở nên mỏng manh hơn.
Bang California, nơi tự hào có nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới mới đây đã phải yêu cầu các nhà hàng, rạp chiếu phim, sở thú, bảo tàng và quán bar tạm dừng kinh doanh. Ít nhất 27 bang của Mỹ đã phải tạm ngừng việc mở cửa lại nền kinh tế hoặc tái thiết lập lệnh cách ly nhằm chống đợt lây lan thứ 2.
"Mỹ đã mở cửa trở lại quá sớm. Bởi vậy đồng USD sẽ giảm giá trong trung hạn vì cách phản ứng vội vàng này với đại dịch Covid-19", Chuyên gia kinh tế Jordan Rochester của Nomura nhận định.
Hàng loạt các yếu tố kinh tế vĩ mô cũng củng cố giả thuyết về sự giảm giá của đồng USD. Lãi suất tại Mỹ hiện đang gần 0%, thâm hụt ngân sách cao do phải hỗ trợ chống dịch, tổng nợ công của Mỹ ước tính đạt tới 101% GDP trong năm nay.
Bộ tài chính Mỹ cho biết với việc chính quyền Washington tăng cường vay nợ nhằm cứu trợ doanh nghiệp cũng như thúc đẩy nền kinh tế, ngân sách Mỹ đã thâm hụt tới 864 tỷ USD tính đến tháng 6/2020. Tồi tệ hơn, thâm hụt tài khoản vãng lai quá lớn cho thấy Mỹ đang chi nhiều hơn so với thu vào.
Trong khi các nền kinh tế phát triển khác cũng nợ nần lớn nhưng tại Mỹ, chính phủ đang phát hành trái phiếu với tốc độ vượt mức mua vào của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhằm ổn định thị trường. Theo chuyên gia Rochester, điều này có nghĩa quá nhiều trái phiếu Mỹ dư thừa trên thị trường, qua đó làm giảm giá trị của đồng USD.
Giảm giá 20%
Trái ngược lại, một số chuyên gia cho rằng đồng USD sẽ không dễ dàng đánh mất vị thế của mình khi nó được dùng nhiều trong các giao dịch quốc tế, bao gồm những mặt hàng chủ chốt như dầu mỏ. Hiện đồng USD chiếm 62% dự trữ ngoại hối trên toàn cầu và tham gia tới 88% giao dịch thương mại. Bởi vậy chúng sẽ khó lòng mất vị thế hoàn toàn trong thời gian ngắn.
"Tôi không cho rằng đây là thời điểm đồng USD mất đi sức hút của nó", Giám đốc chiến lược về ngoại tệ Jane Foley của Rabobank nhận định.
Theo giám đốc Foley, đồng USD sẽ nhanh chóng lấy lại sức mạnh khi kinh tế Mỹ hồi phục trở lại. Tuy nhiên hãng Nomura cho rằng với tình hình nợ nần lớn và nền kinh tế Mỹ gặp nhiều thách thức hiện nay, đồng USD sẽ mất tới 20% giá trị trong vòng 5 năm tới.
Tuy nhiên những dự đoán này cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, ví dụ như việc liệu Tổng thống Trump có tái đắc cử hay không, hay việc đồng tiền ảo sẽ ảnh hưởng thế nào đến thị trường tiền tệ. Mới đây, Trung Quốc đã bắt đầu ứng dụng tiền số của riêng họ, còn Facebook trước đó cũng cho ra đời đồng Libra.
Trong khi đồng USD gặp rắc rối thì nhiều nhà đầu tư đang hướng đến đồng Euro. Bất chấp cuộc suy thoái kinh tế đang diễn ra tại Châu Âu, giá đồng Euro đã tăng 2% so với đồng USD từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân chính là do Mỹ phản ứng quá vội vàng khiến dịch bệnh tái bùng phát trong khi nhiều nền kinh tế chính ở Châu Âu đã cách ly từ sớm và các hoạt động kinh doanh đã dần trở lại.
Dù có bất đồng như Liên minh Châu Âu (EU) đã thông qua khoản cứu trợ lên tới 750 tỷ Euro, tương đương 825 tỷ USD cho khoảng 2021-2027 nhằm thúc đẩy nền kinh tế trở lại sau dịch.
Một cuộc khảo sát của Bank of America cho thấy lượng nắm giữ cổ phiếu, trái phiếu Châu Âu đã tăng vọt thời gian gần đây. Hơn 40% số người được hỏi cho thấy họ muốn đổ tiền vào tài sản bằng đồng Euro trong thời gian tới.