CNN: Covid-19 sẽ thay đổi ngành bất động sản và thị trường lao động mãi mãi
Báo cáo của KPMG là hồi chuông cảnh tỉnh đối với những tập đoàn kinh doanh bất động sản cho thuê văn phòng. Đó là chưa kể đến những nhà hàng, quán cà phê hay các loại hình dịch vụ phụ thuộc vào lượng nhân viên văn phòng ở các khu trung tâm cũng sẽ chịu thiệt hại nếu công ty chuyển sang lao động trực tuyến.
Theo hãng tin CNN, khung cảnh những tòa nhà cao chọc trời với đầy nhân viên rồi sẽ dần biến mất thời kỳ hậu dịch Covid-19. Đại dịch này sẽ buộc hàng triệu lao động Mỹ phải từ bỏ văn phòng của mình để làm ở nhà, hay thậm chí tệ hơn là bị buộc thôi việc.
Hiện nay, khảo sát cho thấy việc cắt giảm không gian làm việc để chuyển sang lao động trực tuyến hoặc thuê ngoài (Outsourcing) không chỉ còn là mong muốn nhất thời mà dần trở thành xu thế mới của thời hậu Covid-19, ngay cả khi Vaccine đã được sản xuất.
Khảo sát của KPMG cho thấy 68% các CEO của những tập đoàn lớn có kế hoạch cắt giảm không gian làm việc. Nguyên nhân chính là đại dịch hóa ra khiến nhiều giám đốc nhận thấy rằng nhân viên có thể không cần đến văn phòng mà vẫn hoàn thành tốt công việc. Thậm chí, việc outsourcing công việc hóa ra lại đơn giản và tiết kiệm hơn thuê nhân viên đến ngồi trên văn phòng.
Trên thực tế, xu thế làm việc online hay outsourcing đã có từ trước nhưng phải đến khi dịch Covid-19 bùng phát mới buộc nhiều công ty chuyển đổi mô hình lao động, qua đó nhận thấy được sự tiện lợi của phương pháp làm việc này. Đồng thời, sự hiệu quả trong làm việc từ xa cũng khiến nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi về sự cần thiết của những văn phòng đắt đỏ khu trung tâm.
"Chúng tôi đã được chứng kiến bằng chứng rằng nhân viên có thể làm việc từ xa vô cùng hiệu quả và năng suất", CEO Paul Knopp của KPMG nói với hãng tin CNN.
Khảo sát của KPMG được thực hiện với những công ty có doanh thu thường niên ít nhất từ 1 tỷ USD trở lên và chúng cho thấy ngay cả khi Vaccine chống dịch Covid-19 đã được sản xuất thì xu thế dịch chuyển sang làm việc online hay Outsourcing công việc sẽ không dừng lại. Rõ ràng, các doanh nghiệp Mỹ đang tăng mạnh đầu tư cho chuyển đổi số khi nhận thấy chúng hiệu quả, tiết kiệm và an toàn hơn so với mô hình lao động thông thường.
Khoảng ¾ số CEO được phỏng vấn cho biết họ có kế hoạch đầu tư thêm vào mô hình làm việc online. Trong khi đó, khoảng 2/3 cho biết sẽ đổ tiền cho những mô hình làm việc tiên tiến hơn như tự động hóa, trí thông minh nhân tạo…
"Đây là xu thế trong dài hạn và nó không thể thay đổi. Các doanh nghiệp hiện nay đang tập trung giảm diện tích thuê mặt bằng lại", CEO Knopp nhận định.
Ảnh minh họa
Thay đổi cấu trúc lao động
Đối với nhân viên, việc công ty cho lao động trực tuyến khiến họ có cảm giác khá lẫn lộn. Một số cảm thấy được giải phóng khỏi những ràng buộc của làm việc truyền thống tại văn phòng trong khi số khác lại gặp khó khăn do còn bận chăm sóc con cái hay lo việc nhà.
Tuy nhiên đối với công ty, họ không chỉ tiết kiệm được chi phí thuê mặt bằng mà còn tận dụng được những tài năng thực sự. Trước đây, yếu tố quê quán hay nơi ở của lao động khá quan trọng khi công ty thích thuê những người ở gần văn phòng hay có khả năng chuyển đến gần nơi làm việc. Thế nhưng yếu tố này đã dần biến mất với xu thế làm việc online và Outsourcing.
Khảo sát của KPMG cho thấy 72% số CEO nhận thấy lao động từ xa khiến họ mở rộng được lựa chọn trong tuyển dụng tài năng.
"Nơi bạn sống không còn là yếu tố quá quan trọng trong tuyển dụng nữa", CEO Knopp cho biết.
Thậm chí, công ty còn có thể tiết kiệm chi phí nhân công với mô hình làm việc từ xa hay Outsourcing. Ví dụ một kỹ sư máy tính sống ở Nebraska sẽ đòi lương thấp hơn so với đồng nghiệp đang sống ở San Francisco hay London. Tương tự, việc Outsourcing dự án cho những lao động ở các nước đang phát triển như Trung Quốc sẽ rẻ hơn thuê trực tiếp tại Mỹ.
Ngoài ra, dịch Covid-19 còn khiến việc tuyển dụng hiện nay trở nên linh động hơn. Những CEO có thể phỏng vấn trực tuyến hay tương tác với ứng viên qua máy tính thay vì phải gặp mặt trực tiếp như trước đây, tạo nên hiệu quả cao trong tuyển dụng cũng như tiết kiệm chi phí, thời gian.
Ngành bất động sản rúng động
Báo cáo của KPMG là hồi chuông cảnh tỉnh đối với những tập đoàn kinh doanh bất động sản cho thuê văn phòng. Đó là chưa kể đến những nhà hàng, quán cà phê hay các loại hình dịch vụ phụ thuộc vào lượng nhân viên văn phòng ở các khu trung tâm cũng sẽ chịu thiệt hại nếu công ty chuyển sang lao động trực tuyến.
Bởi vậy, những kỳ vọng rằng các văn phòng sẽ kín nhân viên trở lại và kích thích kinh tế sau khi đã có Vaccine là một ý tưởng không thực sự khả thi. Ngay cả các nhà đầu tư hiện cũng đã nhận ra được xu thế mới và rút vốn khỏi các doanh nghiệp bất động sản.
Cổ phiếu của hãng Vordano Realty Trust chuyên kinh doanh cho thuê văn phòng và không gian bán lẻ ở New York đã giảm gần 50% giá trị từ đầu năm đến nay. Một công ty khác cũng kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản ở New York là SL Green Realty cũng có cổ phiếu giảm đến 46% trong cùng kỳ. Thậm chí tập đoàn nổi tiếng Empire State Realty sở hữu tòa nhà Empire state Building, biểu tượng của thành phố New York cũng có cổ phiếu mất giá đến 55%.
Làm việc tại gia sẽ là xu thế mới của tương lai?
Mặc dù vậy, KPMG cho rằng không phải các công ty sẽ chuyển toàn bộ sang làm việc online mà sẽ điều chỉnh dần dần. Việc có hợp đồng thuê dài hạn cũng như văn hóa làm việc được xây dựng từ lâu khiến nhiều công ty không thể gấp gáp chuyển đổi mô hình.
Trong khi những hãng công nghệ như Twitter cho phép nhân viên làm việc ở nhà vĩnh viễn thì nhiều công ty có khả năng sẽ thực hiện mô hình hỗn hợp. Nghĩa là cho một bộ phận ở nhà làm việc, sau đó chuyển đổi phần không gian thừa làm phòng họp trực tuyến.
"Xu thế là các doanh nghiệp sẽ ít phụ thuộc vào không gian làm việc hơn mà chủ yếu sử dụng những ứng dụng công nghệ. Nhân viên sẽ đến văn phòng để họp hoặc thảo luận trong khi phần lớn thời gian trong tuần họ có thể làm việc từ xa", CEO Knopp nói.