CNBC: Đông Nam Á có thể trở thành điểm nóng Covid-19 tiếp theo và những biểu đồ này sẽ cho bạn biết lý do

21/04/2020 09:16 AM | Xã hội

Số ca mắc Covid-19 mới ở Đông Nam Á đang tăng nhanh những tuần gần đây, làm dấy lên lo ngại rằng khu vực này sẽ trở thành ổ dịch mới.

Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, toàn bộ Đông Nam Á đã có 28.000 ca nhiễm Covid-19 vào hôm 19/4. Indonesia, Philippines, Malaysia và Singapore chiếm tới 87,9% tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Đông Nam Á.

Trong khi số ca nhiễm Covid-19 ở Đông Nam Á còn ít hơn rất nhiều so với số người nhiễm ở Mỹ và một số nước châu Âu, một số nghiên cứu cho thấy hàng chục nghìn ca nhiễm mới có thể còn chưa được phát hiện do tỷ lệ xét nghiệm thấp ở các nước như Indonesia và Philippines.

CNBC: Đông Nam Á có thể trở thành điểm nóng Covid-19 tiếp theo và những biểu đồ này sẽ cho bạn biết lý do - Ảnh 1.

Đại dịch Covid-19 ở Đông Nam Á.

Trong khi đó tại Singapore, số ca mắc mắc mới được phát hiện trong các khu nhà ở chật hẹp dành cho người lao động nhập cư thổi bùng lên nỗi sợ hãi. Singapore từng được ca ngợi là mô hình chống dịch hiệu quả cũng đã chính thức thất thủ.

"Thực tế là, số ca mắc đang tăng mạnh ở Đông Nam Á. Chúng ta cần tiến hành nhiều xét nghiệm hơn nữa ở Philippines và Indonesia, những nơi có số ca xét nghiệm quá thấp", Simon Tay, chủ tịch một quỹ nghiên cứu quốc tế có trụ sở tại Singapore nhận định.

Hiện tại, việc xét nghiệm virus ở Đông Nam Á rất khác nhau. Singapore nằm trong top đầu với 16.203 xét nghiệm/1 triệu dân. Trong khi đó, Myanmar đứng cuối bảng với 85 xét nghiệm/1 triệu người. Tuy nhiên, người ta lại lo ngại nhất tình hình dịch bệnh bùng phát ở Indonesia và Philippines vì 2 quốc gia này có dân số đông.

CNBC: Đông Nam Á có thể trở thành điểm nóng Covid-19 tiếp theo và những biểu đồ này sẽ cho bạn biết lý do - Ảnh 2.

Tỷ lệ xét nghiệm Covid-19 ở Đông Nam Á.

Indonesia là quốc gia có dân số lớn thứ 4 thế giới với 270 triệu người. Hiện tại, quốc gia này mới tiến hành 43.000 xét nghiệm. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ xét nghiệm chỉ đạt 254/1 triệu dân, một trong những mức thấp nhất khu vực và trên toàn thế giới.

Nhà chức trách Indonesia đặt mục tiêu tiến hành 10.000 xét nghiệm/ngày và dự đoán rằng số ca nhiễm có thể lên tới 95.000 người khi xét nghiệm trên diện rộng được tiến hành.

Là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 vào đầu tháng 3, điều khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên.. Dường như Tổng thông Jokowi đã ưu tiên bảo vệ nền kinh tế hơn là ngăn chặn sự lây lan của virus. Trong khi đó, Singapore và Malaysia, những quốc gia phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên từ tháng 1, với 1 số trường hợp phát bệnh sau khi đi tới Indonesia.

CNBC: Đông Nam Á có thể trở thành điểm nóng Covid-19 tiếp theo và những biểu đồ này sẽ cho bạn biết lý do - Ảnh 3.

Covid-19 ở Indonesia.

Ngoài sự chậm trễ trong xét nghiệm, Chính phủ của Tổng thống Joko Widodo, thường được biết đến với cái tên Jokowi, đã bị chỉ trích vì không thực hiện đóng cửa trên quy mô toàn quốc cũng như cấm đi lại trong nước. Tuy nhiên, Tổng thống cho phép một số địa phương được áp dụng biện pháp đóng cửa, trong đó có Jakarta.

Việc hàng triệu người Indonesia trở về nhà sau trong tháng ăn chay Ramada của người Hồi giáo, sự kiện thường kết thúc với một bữa tiệc lớn có nhiều bạn bè tham gia, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Một số chuyên gia lo ngại số ca mắc có thể lên tới 1 triệu chỉ riêng ở đảo lớn Java vào tháng 7 này.

Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte đã phê duyệt việc mua 900.000 bộ dụng cụ thử nghiệm ngoài 100.000 bộ đã được sử dụng. Chính phủ đang tiến hành các biện pháp phong tỏa chặt chẽ. Tuy nhiên, mô hình của chính họ chỉ ra rằng 75% số ca nhiễm, khoảng 15.000 người, đã không được phát hiện.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM