Chuyện vị vua ăn không kiểm soát và cái kết kỳ lạ để lại tiếng xấu muôn đời
Người ta thường nói mọi chuyện đều có nhân quả...
Sinh ra vào khoảng năm 1028, William I là con trai ngoài giá thú của Robert I, Công tước xứ Normandy, thuộc nước Pháp ngày nay, và cô gái thường dân tên Herleva. Theo lịch sử ghi chép, bà Herleva là con của một thợ thuộc da (quá trình xử lý da của động vật để sản xuất da thuộc, vật liệu bền hơn và khó bị phân hủy hơn). Khi còn nhỏ, William I thường được gọi với cái tên William the Bastard.
Hình ảnh vua William I.
Năm ông lên 8 tuổi, Công tước Robert I qua đời và truyền lại ngôi vị cho con trai. Vì cha mẹ không cưới hỏi đàng hoàng nên việc William I có được tước vị từ cha đã gây ra cuộc chiến tàn khốc ngay sau đó.
Cả đời gây thù chuốc oán
Từ khi còn nhỏ đã sống trong cảnh tranh quyền đoạt tước nên William I lớn lên với tính cách ngang bướng, tàn bạo. Và ông đã dùng nó để cai trị công quốc của mình.
Theo tư liệu của hãng tin BBC, có lần, William I phải đích thân đi đàn áp một vụ nổi loạn do người anh họ cầm đầu. Sau khi giành chiến thắng, ông đã trừng phạt những kẻ nổi loạn bằng cách chặt tay, chân của họ.
Năm 1066, đánh dấu một cột mốc lớn trong hành trình chinh phục quyền lực của William I. Năm đó, vua Edward của nước Anh chọn một hậu duệ khác lên ngôi (Edward không có con trai), dù trước đó ông đã hứa hẹn trao ngai vàng cho người cháu họ là William I.
Tức giận vì bị thất hứa, William I đem quân từ Pháp đến Anh để cưỡng đoạt ngai vàng. Giành chiến thắng trong trận chiến Hastings đẫm máu, William I lên ngôi vua vào đúng dịp lễ Giáng sinh.
Tranh vẽ trận chiến Hastings.
William I lên ngôi đã thực hiện một loạt cải cách xã hội và hiến pháp, củng cố mối quan hệ chặt chẽ với Pháp và chấm dứt ảnh hưởng của người Viking ở Anh. Tuy nhiên, ông vẫn bị coi là một bạo chúa.
Năm 1069, ông bắt đầu chiến dịch được biết đến với tên gọi "The Harrying of the North" - một chiến dịch dập tắt các cuộc nổi loạn bằng cách đốt phá hết làng mạc, mùa màng, tàn sát gia súc và thậm chí cả dân làng vô tội với mục tiêu đuổi cùng giết tận những kẻ phá rối.
Chiến dịch này để lại hậu quả tàn khốc, người thì chết đói, kẻ sống sót cũng chẳng đủ ăn. Tiếng kêu than ai oán của dân lành vang vọng khắp nơi.
Dân đói khổ nhưng William I thì ngược lại. Ông ăn uống mất kiểm soát dẫn đến béo phì. Càng về già cân nặng càng tăng không phanh. Năm 1087, số đo vòng bụng khiến William I đi chẳng vững nữa.
Trong một trận chiến, William I bị thương khi con ngựa của ông bất ngờ chồm lên, đâm yên vào bụng ông với một lực mạnh đến nỗi thủng ruột.
Bức tượng vua William I.
Vị vua mang vết thương chí tử đến lánh nạn ở Rouen, nơi ông đã trải qua 6 tuần đau đớn và hấp hối trong tay các hiệp sĩ, quý tộc và giáo sĩ. Theo cuốn "Historia Ecclesiastica" của tác giả Orderic Vitalis, vị vua khét tiếng tàn ác cuối cùng đã thú nhận rằng, những gì ông làm trong thời gian trị vì của mình thật khủng khiếp:
"Tôi đã đối xử với những cư dân bản địa của vương quốc với sự nghiêm khắc vô lý, áp bức tàn nhẫn cả người cao lẫn người thấp, tước quyền thừa kế của nhiều người một cách bất công, và gây ra cái chết của hàng ngàn người bởi nạn đói và chiến tranh, đặc biệt là ở Yorkshire.
Trong cơn thịnh nộ điên cuồng, tôi giáng đòn đau đớn xuống người Anh như một con sư tử đang nổi cơn thịnh nộ, và ra lệnh đốt nhà cửa, mùa màng cùng tất cả đồ đạc của họ, đồng thời giết những đàn cừu và gia súc của họ ở khắp mọi nơi. Than ôi! tôi là kẻ sát nhân dã man của hàng ngàn người, cả già lẫn trẻ của đất nước xinh đẹp này".
Nhà vua trước khi nhắm mắt xuôi tay đã ra lệnh ban phát toàn bộ của cải của mình cho người nghèo và các nhà thờ với mục đích mà ông nói: "Hãy để những gì tôi tích lũy bù đắp cho dân lành".
Tuy nhiên, các nhà sử học hiện đại nghi ngờ những lời nói này không phải là của vua William I.
Cái chết "bốc mùi" kỳ lạ
Ngày 9/9, vua William I qua đời. Tác giả Orderic viết: "Những người hầu cận cấp dưới, khi thấy vua qua đời đã lập tức quay lưng. Họ cuỗm luôn vũ khí, bình, quần áo, vải vóc và tất cả đồ đạc của hoàng gia, rồi vội vã bỏ đi để lại thi thể của nhà vua gần như không mảnh vải trên sàn nhà... Họ rời bỏ ông ta như thể ông ta là một kẻ man rợ".
Nghĩa tử là nghĩa tận nhưng không một ai nghĩ đến chuyện chôn cất nhà vua. Cuối cùng, hầu tước Enter Herluin - người với sự tử tế vốn có cùng lòng tự tôn dân tộc – đã quyết định đưa vua William I về nơi an nghỉ cuối cùng.
Herluin tự bỏ tiền túi thuê một chiếc xe tang đưa thi thể vua đến bến cảng trên sông Seine, sau đó đi đường thủy và cả đường bộ để trở về quê nhà tại Caen, một địa phương thuộc tỉnh Calvados, vùng Normandy (Pháp). Cuộc hành trình chỉ hơn 100km nhưng mất quá nhiều thời gian.
Sau khi thi thể đến Caen, đám tang bị hoãn lại do hỏa hoạn bùng phát trong thành phố. Người ta đổ dồn sức lực đi dập lửa, làm gì còn tâm trí đưa tang.
Tranh vẽ cảnh đám tang của William I, có một người đàn ông đến đòi đất.
Chưa hết, trong tang lễ của William I (có sự tham dự của vị Vua tương lai của nước Anh, Henry), một người đàn ông bỗng nhiên tuyên bố rằng mảnh đất nơi nhà vua được chôn cất thực sự là của ông và gia đình ông đã bị cướp đất trắng trợn. Đám tang trở thành một cuộc họp pháp lý kéo dài. Cuối cùng, kẻ gây rối đã được bồi thường.
Sự chậm trễ đã gây ra những hậu quả tai hại: Nó khiến thi thể vị vua quá cố bị căng phồng lên rất nhiều trong cái nắng nóng.
Trong khi người ta cố gắng đưa thi thể William I vào ngôi mộ, đám ruột của ông vỡ ra và một mùi hôi thối không thể chịu nổi xộc vào mũi đám đông. Mùi hôi thối không gì che lấp được, đám tang kết thúc chóng vánh.
Vậy mà sau khi được chôn cất, vua William I vẫn chưa thể an nghỉ. Phần mộ của ông 3 lần bị đào lên bởi người La Mã, người theo phái Thần học Calvin và trong cuộc Cách mạng Pháp.
Xương cốt của vua sau đó phân tán khắp nơi. Đến nay, chỉ mỗi phần xương đùi còn được lưu giữ, đánh dấu bởi một phiến đá bên đường.
Nguồn: Mentalfloss