Chuyến tàu mùa xuân chở công nhân nghèo dọc đường đất nước về đến ga Hà Nội và những khoảnh khắc đoàn tụ đầy xúc động
Trên chuyến tàu Thống Nhất kéo dài hơn 30 tiếng, có biết bao xúc cảm lâng lâng đến khó tả, 1.200 người lao động nghèo cùng "hành quân" từ Nam ra Bắc. Đi xa để trở về, khi mà những cành đào đã bắt đầu chớm nụ, những cơn mưa xuân báo hiệu mùa về nhẹ nhàng trên từng tán lá.
Cuối cùng thì, những đoàn tàu cuối năm cũng đã lăn bánh. Trong số 365 ngày hành trình dọc đất nước một năm qua, sứ mệnh của một đoàn tàu khi đưa những người con xa xứ về thăm quê nhà mới chính là thiêng liêng, cao cả nhất. Họ - đa phần là những lao động nghèo, đã rất lâu rồi chưa được ăn Tết trên chính quê hương. Đoàn tàu lăn bánh khỏi nhà ga, chở theo ánh mắt ngơ ngác của lũ trẻ nhỏ theo chân cha mẹ chúng. Tất cả, đều là lần đầu tiên cùng đi một hành trình dài như thế, hành trình mang tên: Về quê ăn Tết!
Chuyến tàu SE20 xuất phát tối muộn ngày 30/1, tức 25 Tết, từ ga Sài Gòn. 1200 lao động nghèo bắt đầu chuyến đi xuôi ngược, tìm về miền Bắc đón Tết cùng gia đình.
Những chuyến tàu đặc biệt của ngày cuối năm.
Những câu chuyện trên chuyến tàu Thống Nhất
Trên chuyến tàu Thống Nhất kéo dài hơn 30 tiếng, có 2 người phụ nữ chuyện trò cùng nhau. Họ là đồng hương, cùng quê xã Mường Lát, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. 5, 6 năm trước, họ vào Đồng Nai, xin làm tại khu công nghiệp Tam Phước (Biên Hoà), để con lại nhờ chồng chăm bẵm. Sau 3 năm chưa về quê, lần này chị Nghiêm Thị Hoa và chị Triệu Thị Chiếu quyết đón một cái Tết dù chắc hẳn còn nhiều thiếu thốn, nhưng ấm áp bên cạnh gia đình và người thân.
Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Hoa rưng rưng xúc động. Chị bảo, sắp được về lại quê hương, hạnh phúc và bồi hồi lắm!
Sau khi tàu đến ga Hà Nội, chị Chiếu gọi điện báo người thân, khoảng cách lúc này chưa đến 200km cho chuyến xe về quê. 2 chị tiếp tục bắt xe khách về thành phố Yên Bái. Ít ngày nữa, bỏ lại những ồn ào, xô bồ, hối hả của một năm qua, là những niềm vui, niềm hạnh phúc của đoàn viên, tề tựu. Chẳng cần nói ra, nhìn sâu trong ánh mắt của những người con xa xứ, chúng ta biết chắc một điều, rằng họ mong ngóng phút giây sum tụ gia đình đến nhường nào!
Nụ cười hạnh phúc của 2 người phụ nữ Yên Bái, lâu lắm rồi họ mới được về quê ăn Tết cùng gia đình.
Anh Vũ Ngọc Vũ (quê Hải Dương) xây dựng tổ ấm với chị Phạm Thị Nụ (Ninh Bình) gần 8 năm nay. Hiện, 2 anh chị sinh sống và làm việc tại Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Kết hôn đã lâu, nhưng nay anh chị mới có dịp đưa con cái về chào 2 bên gia đình. Tính ra cũng phải 4 năm rồi, 2 vợ chồng phải đón những cái Tết xa quê.
Công việc tại khu công nghiệp vất vả, nhọc nhằn nhiều khi khiến những người lao động nghèo không có cơ hội đoàn viên. Nói về Tết, không ai là không trân quý. Với người xa xứ, họ thậm chí còn mong ngóng hơn cả. Họ trân trọng những phút giây hiếm hoi được về nhà, bởi đâu phải ai cũng dư dả thời gian.
Cả năm bôn ba xứ người, điều tuyệt vời nhất của những ngày cuối năm ắt hẳn là thứ xúc cảm háo hức đến lâng lâng. Những câu chuyện trên chuyến tàu Thống Nhất cứ thế xoay vần. Người xuống, kể lên, từ Nam ra Bắc, cho những cái Tết đoàn viên đang chờ phía trước!
Gia đình anh Vũ về quê ăn Tết.
Chị Nụ ẵm đứa con nhỏ còn đang ngơ ngác nhìn xung quanh.
Hành trình nhiều cảm xúc của những con người xa quê nay được trở về đoàn tụ
Chuyến tàu dự kiến tới Nam Định lúc 9h30 nhưng phải hơn 10h tàu mới vào ga. Từ 8h30 sáng, ông Nguyễn Văn Nam ở Vụ Bản - Nam Định đã có mặt tại ga để đón con cháu từ Bình Dương. Đây là lần đầu tiên, 2 đứa cháu nội của ông Nam được về quê ăn Tết cùng mẹ. Con trai ông dự tính sát Giao thừa mới có thể về nhà.
Bồn chồn, ông liên tục gọi điện cho con dâu hỏi thăm khi nào tàu đến. Tiếng còi tàu rít lên hồi lâu từ đằng xa, ông vui mừng khôn xiết khi đoàn chạy chậm rồi dừng hẳn. Người đàn ông lớn tuổi vội vã đi tìm 2 đứa cháu. Gặp được chúng, ông ôm chầm khôn xiết.
Ông Nam đứng đợi con dâu và 2 đứa cháu nội.
Ông vỡ oà hạnh phúc khi ôm cháu vào lòng.
Thầy giáo Đỗ Cao Vương Dân đưa vợ con về quê ngoại Nam Định ăn Tết. Chưa nhiều dịp ra Bắc, gia đình thầy Dân dự định tham quan Hà Nội ít ngày, trước khi bắt xe trở lại quê vợ ngày 30 Tết. Cả quãng đường dài từ ga Phủ Lý (Hà Nam) về Hà Nội, gia đình anh đứng dọc hành lang tàu ngắm khung cảnh 2 bên đường. Ngoài kia, mưa phùn bắt đầu rơi, người người chở đào chở mai, đem Tết về rất gần với mọi nhà!
Hơn 30 tiếng di chuyển, chuyến tàu SE20 mang nhiều cảm xúc của những con người xa quê đến nhà ga cuối cùng. Sau chặng đường dài, nhiều người thích thú, hân hoan cảm nhận không khí se lạnh của miền Bắc, kiểu thời tiết đúng nghĩa giáp Tết mà cũng khá lâu rồi chưa có cơ hội "thưởng thức".
Gia đình thầy giáo Dân đứng dọc hành lang nhìn ra khung cảnh Tết bên ngoài cửa sổ.
Ngoài kia mai đào đang thi nhau khoe sắc.
Có những kỷ niệm mà ai trải qua dù chỉ một lần cũng sẽ nhớ mãi. Chuyến tàu từ Nam về Bắc để được ở bên gia đình, người thân luôn mang một cảm giác hạnh phúc ngập tràn đến khó tả. Là những người còn xa xứ, họ có một "đặc ân" rất lạ: đi xa để trở về, khi mà những cành đào đã bắt đầu chớm nụ, những cơn mưa xuân báo hiệu mùa về nhẹ nhàng trên từng tán lá. Xa xứ là cả một cuộc đánh cược, nếu đã hi sinh những tháng ngày thường trực vì miếng cơm manh áo, thì đổi lại bạn nhận về một khoảnh khắc sum họp bên gia đình. Và tất nhiên, nó vô giá!
Nếu được hỏi bất cứ ai một định nghĩa hoàn hảo nhất về Tết, chúng tôi cam đoan, với tất thảy mọi người, không phân biệt giàu - nghèo, vẫn luôn là sự đoàn viên, sum họp, là cuộc tề tựu nặng nghĩa nhất trong năm!
Sau cả năm xa cách, anh Nguyễn Văn Hòa về quê thăm gia đình.
Niềm vui vỡ oà của người lao động khi gặp lại người thân.
Nằm trong hoạt động hỗ trợ những lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Ngày 29, 30/1/2019 nhiều đoàn tàu thống nhất của công ty vận tải đường sắt Hà Nội đã đưa 1200 người về Bắc ăn Tết. Đây là hoạt động của liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp với công ty Cổ phần đường sắt Hà Nội và Mobifone hỗ trợ 1200 vé miễn phí cho người lao động và gia đình về quê ăn Tết.
1200 hành khách được chia ra nhiều đoàn tàu để đưa các hành khách về Vinh, Thanh Hóa, Nam Định và Hà Nội. Nhiều hành khách sau khi xuống ga còn phải di chuyển một đoạn đường dài nữa để về quê nhà.