Chuyện ngược đời: Thế giới đổ xô đạo nhái các công ty Trung Quốc, có thương hiệu bất lực nhìn mất cả 1 thị trường

06/02/2024 08:04 AM | Kinh doanh

Khi ngày càng nhiều công ty Trung Quốc vươn ra nước ngoài và thành công, họ gặp 1 trở ngại lớn: Những kẻ bắt chước.

Suốt nhiều năm, các công ty phương Tây luôn phàn nàn về vấn nạn hàng nhái của Trung Quốc. Giờ đây, tình huống đã đảo chiều và các công ty ở nơi khác lại đang đổ xô tới “bắt chước” các công ty Trung Quốc.

Đối thủ tại Trung Quốc của Starbucks là Luckin Coffee đã đấu tranh pháp lý lâu dài với một sản phẩm giống họ ở Thái Lan, cáo buộc điều này làm tổn hại đến thương hiệu của mình. Chuỗi đồ uống nhượng quyền Heytea gần đây đã mở cửa hàng đầu tiên ở New York, bán loại trà bọt phô mai đặc trưng của mình. Và hãng này cũng đã phải đối đầu với Heetea – một chuỗi nhái tới từ Singapore.

Và đằng sau nhà máy chế biến lithium đầu tiên của Nigeria, được ra mắt hoành tráng vào tháng 10, không phải là nhà cung cấp Ganfeng Lithium có trụ sở tại Trung Quốc của Tesla mà là một liên doanh địa phương có tên là Ganfeng Lithium Industry.

Khi ngày càng nhiều công ty Trung Quốc vươn ra nước ngoài và trở thành những thương hiệu được thèm muốn, họ đang phát hiện ra một trong những cạm bẫy của việc đạt được thành công quốc tế: Những kẻ bắt chước.

Suy cho cùng, “bạn sẽ gặp nhiều rủi ro hơn nếu bạn thực sự thành công và nổi tiếng”, Catherine Lee, đối tác cấp cao của công ty luật quốc tế Dentons Rodyk và là một trong những luật sư đại diện cho Heytea của Trung Quốc cho biết.

Các luật sư quốc tế được tờ The Wall Street Journal phỏng vấn cho biết các yêu cầu từ các công ty Trung Quốc muốn bảo vệ tài sản trí tuệ của họ đã tăng lên trong những năm gần đây. Theo dữ liệu từ Cục Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc, có gần 6,2 triệu lượt đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc vào năm 2022, gấp ba lần so với 5 năm trước đó.

Trung Quốc đã tăng cường thực thi pháp luật trong nước, với mức phạt cao hơn đối với các hành vi vi phạm bằng sáng chế và rút ngắn thời gian xét xử các vụ việc của tòa án. Theo Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc, vào năm 2022, Trung Quốc đã xử lý khoảng 430.000 vụ án sở hữu trí tuệ dân sự sơ thẩm, tăng từ 280.000 vụ vào năm 2018.

Năm 2005, Starbucks kiện Shanghai Xingbake Cafe, một chuỗi cửa hàng cà phê Trung Quốc sử dụng các ký tự tiếng Trung của Starbucks, vì vi phạm nhãn hiệu, cáo buộc rằng Shanghai Xingbake Cafe là hang nhái của họ và gây nhầm lẫn cho khách hàng đồng thời làm giảm giá trị thương hiệu của họ ở Trung Quốc. Starbucks đã thắng kiện và Xingbakake bị yêu cầu bồi thường thiệt hại và đổi tên.

"Luckin Coffee Thái Lan"

Giờ đây, Luckin Coffee, chuỗi cà phê đã đánh bật Starbucks khỏi vị trí dẫn đầu tại thị trường cà phê Trung Quốc, đang phải chiến đấu chống lại một đối thủ tương tự ở nước ngoài.

Những bức ảnh xuất hiện trên mạng cách đây hai năm cho thấy một quán cà phê ở Thái Lan có tên “Luckin Coffee” và logo hình con nai màu xanh trên nền trắng nhìn sang trái. Logo của Luckin Coffee có trụ sở tại Trung Quốc có hình một con nai trắng trên nền xanh nhìn sang bên phải. Công ty Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố vào tháng 8/2022 và gọi cửa hàng tại Thái Lan là “giả mạo” và cho biết họ sẽ có hành động pháp lý.

Chuyện ngược đời: Thế giới đổ xô đạo nhái các công ty Trung Quốc, có thương hiệu bất lực nhìn mất cả 1 thị trường  - Ảnh 1.

Luckin Coffee Thái Lan và Luckin Coffee Trung Quốc.

Tuy nhiên, vào tháng 12/2023, Luckin phiên bản Thái Lan cho biết trên mạng xã hội rằng Tòa án Thương mại Quốc tế và Sở hữu Trí tuệ Trung ương của Thái Lan đã bác bỏ vụ kiện của Luckin vì vi phạm nhãn hiệu và bản quyền.

Lý do rất đơn giản, Thái Lan, giống như Trung Quốc, tuân theo chế độ “nộp đơn đầu tiên” đối với sở hữu trí tuệ, theo đó cấp quyền sử dụng cho bất kỳ ai đăng ký nhãn hiệu trước tiên.

50R, công ty đứng sau Luckin Thái Lan, đã đăng ký gần 200 nhãn hiệu tại Thái Lan, bao gồm những cái tên như TikTok, T-Mall và Pinduoduo – tất cả đều là những nền tảng trực tuyến phổ biến của Trung Quốc.

Công ty này đã đăng ký Luckin với chính quyền Thái Lan vào năm 2018, trước Luckin của Trung Quốc ba năm và sau đó tiến hành bán cà phê.

Lin Shanlin, luật sư của Công ty Luật Kế toán Mandarin có trụ sở tại Bangkok cho biết, danh tiếng trước năm 2018 của Luckin ở Trung Quốc không có trọng lượng đối với tòa án Thái Lan vì thiếu hiệp ước bảo vệ thương hiệu giữa hai nước.

Khoảng 73 trong số “100 thương hiệu Trung Quốc có giá trị nhất năm 2023” do công ty dữ liệu tiếp thị Kantar xác định đã cố gắng đăng ký nhãn hiệu của họ tại Thái Lan. Theo dữ liệu được thu thập bởi Akkaraporn Muangsobha, đối tác của công ty luật quốc tế Rajah & Tann Asia có trụ sở tại Bangkok, trong gần một nửa số trường hợp, điều này dường như được thực hiện bởi các bên thứ ba bị nghi ngờ không phải là chủ sở hữu hợp pháp của nhãn hiệu.

Không chỉ là cái tên

Sự dẫn đầu toàn cầu của Trung Quốc về tấm pin mặt trời và pin cũng đang thu hút những kẻ bắt chước.

Một công ty có tên Ganfeng Lithium Industry đã tổ chức buổi lễ đánh dấu việc xây dựng một nhà máy chế biến lithium trị giá 250 triệu USD vào tháng 10.

Vài ngày sau, Ganfeng của Nigeria đưa ra một tuyên bố phản đối các báo cáo truyền thông gọi họ là công ty con của Ganfeng Lithium của Trung Quốc, một trong những nhà sản xuất pin lithium lớn nhất thế giới cho xe điện. Thay vào đó, công ty này còn cáo buộc đối tác Trung Quốc mạo danh.

Ganfeng của Nigeria cho biết trong tuyên bố: “Công ty chưa bao giờ dựa vào hoặc sử dụng bất kỳ nguồn lực hay ảnh hưởng nào” từ tên gọi đã có từ lâu của mình, đồng thời nói thêm rằng các ký tự tiếng Trung cho tên của họ có nghĩa là “Mùa thu hoạch ngọt ngào”.

Ganfeng của Trung Quốc cho biết họ rất ngạc nhiên khi thấy ai đó thực hiện toàn bộ dự án dưới tên của họ. Họ nói thêm rằng hiện đang trong quá trình đăng ký nhãn hiệu của mình ở Nigeria và các nơi khác trên thế giới.

Ở những quốc gia có luật sở hữu trí tuệ chặt chẽ, các công ty Trung Quốc hoạt động tốt hơn.

Tại Singapore, một cửa hàng có tên Heetea bắt đầu hoạt động cách đây hơn sáu năm, bán đồ uống có lớp bọt phô mai mặn bên trên trà tươi. Logo của họ có hình một người đàn ông hoạt hình mặc đồ đen trắng đang uống nước từ cốc.

Kế hoạch của Heetea chỉ có một trở ngại duy nhất: Heytea.

Heytea là một chuỗi đồ uống của Trung Quốc được thành lập vào năm 2012 và đã nổi tiếng khắp Trung Quốc khi giới thiệu trà phô mai đến nhiều đối tượng.

Văn phòng sở hữu trí tuệ của Singapore đứng về phía công ty Trung Quốc, vô hiệu hóa nhãn hiệu của Heetea vào năm 2021.

Văn phòng chỉ ra những điểm tương đồng nổi bật trong logo. Vì tương lai, những người hành nghề luật sở hữu trí tuệ cho rằng các công ty Trung Quốc cần làm những gì mà các công ty phương Tây từ lâu đã thực hiện: Tiến hành thẩm định, đăng ký nhãn hiệu sớm và giám sát việc sử dụng chúng ở nước ngoài.

Lời khuyên đó đến quá muộn đối với Luckin Coffee của Trung Quốc, ít nhất là ở Thái Lan, nơi hãng này sẽ không được phép mở cửa hàng mang tên “Luckin Coffee”.

Theo: WSJ

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM