Chuyện lạ ở Trung Quốc: Không chỉ chứng khoán mà gia súc, rau cỏ đều có thể... lên sàn

22/04/2017 14:53 PM | Kinh tế vĩ mô

Từ gia súc đến hoa cỏ, các sàn giao dịch đang mọc lên ở khắp nơi trên đất nước Trung Quốc. Và sự đầu cơ cũng vậy.

Nhiều khả năng, cứ có một thứ mà người ta mua bán được, thì Trung Quốc sẽ tạo ra một sàn giao dịch cho thứ đó. Và ví dụ mới nhất là Sàn giao dịch Lừa.

Giúp định giá nông sản, kim loại và hóa chất, các sàn giao dịch hiện nay đã xuất hiện ở 32 trong số 34 khu vực cấp tỉnh ở Trung Quốc. Một sàn giao dịch hoa lan đã bắt đầu hoạt động vào tháng 9 vừa rồi và vào tháng 5 sắp tới, một sàn giao dịch cổ phiếu của các công ty nhỏ sẽ xuất hiện ở Ninh Ba.

Theo Hao Hong, trưởng nhóm chiến lược tại Bocom International Holdings Co. (Hong Kong), thì các sàn giao dịch được quản lý chặt chẽ rất có lợi cho sự phát triển các thị trường ở Trung Quốc. Nhưng chúng cũng làm nảy sinh những mối lo ngại về đầu cơ".

Ở Trung Quốc, lừa không chỉ là gia súc thồ hàng mà còn là một loại hàng hóa nông nghiệp. Người Trung Hoa có một thứ thuốc chữa bệnh thiếu máu gọi là cao lừa, được làm từ da lừa. Nhu cầu về cao lừa đã tăng lên rất mạnh trong 10 năm gần đây khi hàng triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc.

Giá lừa đã tăng gấp 4 lần trong giai đoạn đó – lên mức 8.000 NDT (khoảng 25 triệu đồng) một con – một phần là do người chăn nuôi không gây giống được. Lừa là loài rất khó sinh sản nhanh; chúng có thời gian mang thai kéo dài đến 14 tháng.

Nhu cầu về lừa ở Trung Quốc vì thế đã lan ra hải ngoại. Theo BBC, Cộng hòa Niger đã cấm xuất khẩu lừa để bảo tồn loài động vật này; Burkina Faso cũng cấm xuất khẩu da lừa. Ở một số nơi lừa được dùng để cày bừa hoặc phục vụ sức kéo, giá lừa đã bị thổi phồng lên rất cao khiến các gia đình khó có thể mua một con mới để thay thế.

Ở Trung Quốc, các công ty cao lừa rất khó tìm được nguồn da lừa đủ để sản xuất thường xuyên. Vì thế, Dong-E-E-Jiao Co., một công ty nhà nước, đã tạo ra sàn giao dịch vào tháng 12 vừa rồi để "cổ vũ ngành chăn nuôi lừa và tăng sản lượng trên toàn quốc".

Sàn giao dịch này, có trụ sở ở một vùng nông thôn thuộc tỉnh Sơn Đông, xử lý các giao dịch qua điện thoại. Một người nông dân có thể gọi đến và nói ông muốn bán vài con lừa, sàn giao dịch sẽ cử một nhân viên đến (họ có khoảng hơn 100 nhân viên như vậy) để chứng thực chất lượng. Việc này cũng giúp tìm được mức giá mà người mua và người bán đồng thuận, sau đó quá trình vận chuyển sẽ được tiến hành sau khi có thỏa thuận rõ ràng.

[A Tùng] Chuyện lạ ở Trung Quốc: Không chỉ chứng khoán mà gia súc, rau cỏ đều có thể... lên sàn - Ảnh 1.

Kể từ khi mở cửa, tổng giá trị giao dịch về lừa đã đạt 370 triệu NDT. Theo Liu Guangyuan, người quản lý sàn giao dịch, con số này có thể đạt 1,5 tỷ NDT vào cuối năm nay. Họ còn dự định sẽ bắt đầu cho giao dịch trên web và ứng dụng di động vào tháng 4 tới.

Sự bùng nổ các sàn giao dịch ở Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại là các chính quyền địa phương không đủ khả năng để kiểm soát. Vào năm 2015, cảnh sát tuyên bố ông chủ của Trung tâm giao dịch Vàng Bạc Trung Quốc đã bỏ trốn, cuỗm đi toàn bộ số tiền quỹ của sàn giao dịch. Một cán bộ điều tra cho biết vụ việc đã được chuyển đến Bắc Kinh và không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào. Nhiều người cho rằng, các sàn giao dịch lừa đảo sẽ lấy tiền từ các thị trường hợp pháp để đầu cơ, phá hoại trật tự ở các thị trường tài chính, và vì thế chúng cần bị loại bỏ kịp thời.

Tuy nhiên vẫn có nhiều câu chuyện thành công về các sàn giao dịch này. Một trong những ví dụ nổi bật nhất là Sàn giao dịch Thép không gỉ Trung Quốc, ra đời vào năm 2006 và hiện nay đã có đầy đủ phẩm chất của một thị trường lớn trong tương lai: giao dịch tập trung, hợp đồng chuẩn hóa, có nhà kho và người bảo vệ. Hiện sàn này đang là đối thủ đáng gờm của Sàn giao dịch Thượng Hải về xác định giá chuẩn cho ni-ken.

Mặc dù số lượng các sàn giao dịch ở Trung Quốc là rất lớn, nhưng rõ ràng nhiều sàn ra đời là do nhu cầu thực sự của nền kinh tế. Vấn đề đặt ra chỉ là làm sao kiểm soát được chúng mà thôi.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM