Bảo hộ nông nghiệp nhìn từ chuyện 'giải cứu' thịt lợn ở Trung Quốc hay mía đường ở Mỹ

21/04/2017 09:54 AM | Xã hội

Câu chuyện Trung Quốc bảo hộ ngành nông nghiệp nội địa có lẽ không có gì mới với nhà đầu tư. Thậm chí, những cáo buộc bảo hộ của Trung Quốc là một trong những luận điểm tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2016, qua đó giúp ông đắc cử.

Trên thực tế, chính quyền của người tiền nhiệm Barack Obama cũng đã rất nhiều lần đệ đơn lên các tổ chức quốc tế nhằm phản đối chính sách bảo hộ quá bất công này của Trung Quốc. Năm 2016, Mỹ đã đề đơn lên Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) khi Trung Quốc đã trợ giá hơn 100 tỷ USD vào năm 2015 cho các sản phẩm nông sản như ngô, lúa gạo và lúa mì, cao hơn rất nhiều so với mức trợ giá 20 tỷ USD/năm của Mỹ.

Không riêng gì ngô lúa, một mặt hàng cũng được Trung Quốc trợ giá rất tích cực là thịt lợn. Ngay từ những năm 2007, tỷ lệ lạm phát tăng cao thúc đẩy giá thịt lớn lên, chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ 100 Nhân dân tệ cho mỗi đầu lợn cái mà nông dân nuôi, qua đó thúc đẩy năng suất ổn định thị trường.

Bảo hộ nông nghiệp nhìn từ chuyện giải cứu thịt lợn ở Trung Quốc hay mía đường ở Mỹ - Ảnh 1.

Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh cũng lập hẳn một kho dự trữ thịt lớn nhằm mua bán mặt hàng nông sản này, qua đó điều tiết thị trường. Theo Rabobank, Trung Quốc đã mua vào 2 đợt thịt lợn lớn vào năm 2013 tương ứng 75.000 tấn và 93.700 tấn, tương đương 0,3% số thịt trên thị trường nhằm bình ổn giá. Trái ngược lại vào năm 2016, chính quyền Bắc Kinh đã bán ra gần 2.800 tấn thịt lợn ra thị trường nhằm hạ mức giá quá cao của mặt hàng này.

Trớ trêu thay, không riêng gì Trung Quốc, chính Mỹ cũng vướng phải nhiều chỉ trích khi bảo hộ một số mặt hàng trong nước. Nổi tiếng nhất trong số đó là việc Bộ Nông nghiệp Mỹ bảo hộ cho ngành đường khi cho các hộ nông dân vay các khoản vay ưu đãi và để họ thanh toán nợ bằng sản phẩm nếu giá đường rơi xuống dưới 20,9 cent/pound.

Thậm chí, Bộ nông nghiệp còn thiết lập cơ chế mua lại đường số lượng lớn khi giá sụt giảm rồi bán lại số sản phẩm này với giá ưu đãi cho các nhà máy sản xuất Ethanol. Vào năm 2013, Mỹ đã tốn khoảng 171,5 triệu USD cho chương trình trợ giá này.

Với đóng góp 35 tỷ USD cho nền kinh tế cùng hơn 55.000 việc làm, ngành đường tại Mỹ đóng vai trò khá to lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế thì chương trình bảo hộ này của Mỹ có từ thời Đại khủng hoảng thập niên 1930. Trong thời kỳ đó, đường được coi là một trong những mặt hàng thiết yếu.

Bảo hộ nông nghiệp nhìn từ chuyện giải cứu thịt lợn ở Trung Quốc hay mía đường ở Mỹ - Ảnh 2.

Không riêng gì Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) cũng phải chi 39 tỷ Euro vào năm 2010 để hỗ trợ cho ngành nông nghiệp với các chính sách trợ giá, cho vay ưu đãi hay thiết lập các kho dự trữ nhằm điều tiết giá cả trên thị trường.

Tại Nga, Điện Kremlin cũng tăng cường hỗ trợ ngành nông nghiệp sau cuộc chiến cấm vận với Phương Tây. Hàng loạt lệnh cấm cũng như các quy định mới được Tổng thống Vladimir Putin đưa ra để bảo hộ cũng như kích thích nhu cầu nông sản trong nước.

Thậm chí một quốc gia có nhu cầu nhập khẩu lương thực cao như Nhật cũng thực hiện chính sách bảo hộ mạnh mẽ đối với ngành nông nghiệp. Ngoài nhiều kho dự trữ nông sản chiến lược, Nhật Bản cũng xây dựng các hàng rào thuế quan chặt chẽ nhằm đảm bảo nông sản nhập khẩu sẽ không ảnh hưởng đến người nông dân trong nước.

Những mặt hàng như khoai tây, gạo, đường... tương ứng có mức thuế nhập khẩu cao không tưởng là 1.700%, 778%, 328%... Thậm chí, từng mặt hàng nông sản khi nhập khẩu hưởng mức thuế khác nhau cho những mục đích khác nhau.

Như vậy, chuyện chính phủ bảo hộ các mặt hàng nông sản nhằm ổn định an ninh lương thực, đảm bảo cuộc sống cho bà con nông dân là điều hiển nhiên thậm chí cả với các nền kinh tế phát triển. Vấn đề duy nhất còn lại là nên hỗ trợ thế nào, hộ trợ bao nhiêu và kéo dài bao lâu.

BT

Cùng chuyên mục
XEM