Chuyện lạ: Hà Lan quá thiếu tù nhân, phải rao bán trại giam hoặc biến thành nơi ở cho người nhập cư

04/09/2019 07:30 AM | Xã hội

"Mục đích cuối cùng của việc giam giữ là gì? Nếu để làm giảm tỷ lệ tội phạm thì việc giam giữ lâu dài mà không có chương trình cải tạo hợp lý sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả. Tù có thời hạn sẽ mất đi tính răn đe sau lần giam đầu tiên và nó sẽ chỉ làm tăng sự bất ổn khi khiến những người ra tù không thể hòa nhập cộng đồng", Giáo sư Laan cho biết.

Nói về chuyện giam giữ tù nhân, có lẽ hiếm có nơi nào trên thế giới kỳ lạ như Hà Lan. Tỷ lệ tù nhân của nước này đang giảm mạnh qua từng năm, từ mức 20.463 người năm 2006 xuống chỉ còn 10.102 năm 2018.

Theo tính toán của Tổ chức thống kê tù nhân thế giới (WPB), tỷ lệ tù nhân tại Hà Lan vào khoảng 59 người trên 100.000 cư dân. Tại Mỹ, con số này là 666 tù nhân trên mỗi 100.000 cư dân, tương đương 2,1 triệu tội phạm bị giam giữ trong các nhà tù. Thậm chí theo nhiều ước tính, với đà giảm tù nhân như hiện nay thì đến năm 2023, Hà Lan có lẽ chỉ còn 9.810 người trong các trại giam.

Tại Mỹ, nhà tù luôn quá tải với số lượng tù nhân bình quân vào khoảng 103,9% công suất trại giam, trong khi tỷ lệ này tại Hà Lan chỉ chưa đến 68,1%. Thú vị hơn, Hà Lan có khoảng 19,1% tù nhân là người nước ngoài trong khi con số này chỉ là 5,2% tại Mỹ.

Nhà tù được cải tạo thành khách sạn tại Hà Lan do thiếu tù nhân

Vào năm 2016, Hà Lan đã phải "nhập khẩu" 240 tù nhân từ Na Uy để duy trì hoạt động cho các trại giam.

Cách đây 5 năm, nhà tù 158 năm tại thành phố Utrecht của Hà Lan đã đóng cửa cùng một nửa số nhà tù khác trên cả nước do thiếu tù nhân. Năm 2018, chính quyền Amsterdam đóng cửa thêm 4 nhà tù trong khi rất nhiều nhà tù khác lâm vào tình trạng trống không và bị rao bán.

Thậm chí những trại giam như Bijlmerbajes tại thủ đô Amsterdam bị đóng cửa vào năm 2016 còn được xây dựng trở thành nhà ở, quán cà phê, trường học hay nơi tập trung của những người nhập cư hay người tị nạn. Trong khi đó, một số nhà tù khác được cải tạo thành khách sạn.

Vậy tại sao tỷ lệ tù nhân tại Hà Lan lại thấp như vậy? Phải chăng hệ thống luật pháp của nước này không hiệu quả?

Giam lâu chưa chắc đã tốt cho xã hội

Trên thực tế, Hà Lan cũng lâm vào tình trạng quá tải nhà tù trong giai đoạn 1947-1974. Tuy vậy kể từ năm 1975, mọi thứ dần thay đổi và nguyên nhân chính là hệ thống luật pháp của Hà Lan hướng đến cải tạo tù nhân và tái hòa nhập họ về với xã hội hơn là mang tính trừng phạt. 

Các tòa án của Hà Lan luôn cố gắng xem xét tác động của những vụ án đến xã hội, tuyên bố thời gian đi tù ngắn hơn, gia tăng các khoản phạt bằng tiền và chú trọng nhiều hơn đến việc cải tạo tù nhân để họ có thể quay về với xã hội.

Bên cạnh đó, việc nới lỏng các quy định về chất gây nghiện, phát triển mạnh công nghệ vòng định vị cổ chân cùng nhiều chương trình giám sát tái hòa nhập cộng đồng khác khiến mô hình giam giữ trong nhà tù trở nên lỗi thời.

"So sánh với Mỹ, tòa án tại Hà Lan ít khi tuyên án nặng với các tù nhân hơn, thay vào đó là những khoản phạt tiền hay lao động công ích. Hệ thống tư pháp của Hà Lan xem xét kỹ lưỡng từng vụ án một chứ không dựa theo những tiền lệ hay quy định cứng nhắc. Họ sẽ quyết định xem việc giam giữ tội phạm có giúp cải thiện tình hình hơn không hay chỉ tạo thêm 1 kẻ cặn bã cho xã hội", Giáo sư tội phạm học Hilde Wermink của trường đại học Leiden University nói.

Thiếu tù nhân khiến Hà Lan phải đau đầu giải quyết việc làm cho các cai tù cũng như chuyển đổi mục đich sử dụng của các bất động sản

Nghiên cứu của Giáo sư Wermink cho thấy việc giam giữ dài hạn tù nhân trên thực tế chẳng làm giảm tỷ lệ tội phạm trong khi những hình thức phạt khác như lao động công ích hoặc vòng cổ kiểm soát điện tử lại cho kết quả khả quan hơn.

Năm 2015, một cuộc khảo sát về những tù nhân và người bị buộc đeo vòng cổ chân kiểm soát điện tử từ 6 tháng-3 năm cho thấy những người đeo vòng có biểu hiện tốt hơn những người bị giam trong tù.

Nhà tù là nơi cải tạo, không phải nơi trừng phạt

Đối với những tù nhân phải vào nhà giam, Hà Lan cũng có một hệ thống quản lý hướng tới phá vỡ rào cản ngăn cách và cải tạo hơn là chỉ giam giữ đơn thuần. Nhiều tổ chức phi lợi nhuận tại Hà Lan tổ chức những chương trình để các nhà quản lý vào trại giam thăm tù nhân, những người trong tương lai có thể trở thành nhân viên của họ.

Thậm chí, nhiều tù nhân cải tạo tốt có thể làm việc bán thời gian, nấu nướng dọn dẹp hoặc những công việc đơn giản nửa ngày trước khi trở về phòng giam vào buổi tối. Tất nhiên, họ sẽ phải đeo vòng cổ chân kiểm soát.

Tù nhân tại Hà Lan được khuyến khích liên lạc ra bên ngoài thay vì bị cấm đoán như ở nhiều nước. Tại một số trại giam, tù nhân được khuyến khích sử dụng Skype để gọi về cho gia đình, đọc truyện đêm khuya cho con họ trước khi đi ngủ nhằm gia tăng sự kết nối.

Nhận thức được vấn đề tái hòa nhập cộng đồng mới là điều khó khăn nhất với các tù nhân, tòa án Hà Lan thường kết án khá ngắn hạn. Khoảng 55% số trường hợp kết án tù tại Hà Lan bị phán dưới 1 tháng và khoảng ¾ là dưới 3 tháng.

"Hệ thống tư pháp Hà Lan coi việc giam giữ tù nhân cũng tương đương với việc tước bỏ tự do và đã là một hình phạt rồi. Bởi vậy họ cố gắng đối xử với người tù nhân đạo nhất có thể mà không bao gồm những hình phạt về thể xác hay tinh thần nào khác", Giáo sư Peter van der Laan của Viện nghiên cứu tội phạm và hành pháp Hà Lan (DSCCL) nói.

Chuyện lạ: Hà Lan quá thiếu tù nhân, phải rao bán trại giam hoặc biến thành nơi ở cho người nhập cư - Ảnh 3.

Chào mừng bạn đến với nhà tù Hà Lan, nơi tù nhân cũng có quyền con người.

Theo ông Laan, việc giam giữ, thậm chỉ là ngắn hạn, cũng khiến tù nhân bị tước đi cơ hội việc làm, cắt đứt quan hệ xã hội hay thiệt hại về tài sản. Bởi vậy tòa án Hà Lan luôn xem xét chặt chẽ việc giam cầm 1 người có làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ sau khi ra tù hay không trước khi phán quyết.

"Mục đích cuối cùng của việc giam giữ là gì? Nếu để làm giảm tỷ lệ tội phạm thì việc giam giữ lâu dài mà không có chương trình cải tạo hợp lý sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả. Tù có thời hạn sẽ mất đi tính răn đe sau lần giam đầu tiên và nó sẽ chỉ làm tăng sự bất ổn khi khiến những người ra tù không thể hòa nhập cộng đồng", Giáo sư Laan cho biết.

AB

Cùng chuyên mục
XEM