Chuyện khó tin ở Ba Lan: Ra luật cấm chợ búa, siêu thị kinh doanh ngày chủ nhật để lao động trong ngành bán lẻ 'có một ngày nghỉ thực sự'

13/03/2018 08:04 AM | Xã hội

Trên thực tế, luật cấm mua bán vào chủ nhật đã từng được ban hành ở Hungary, quốc gia ngay gần Ba Lan, từ năm 2015 nhưng chúng không được tuân thủ mấy. Hậu quả là chính phủ Hungary đã phải quyết định xóa bỏ bộ luật này vào năm 2016.

Mới đây, Ba Lan đã ban hành quy đinh mới cấm toàn bộ các siêu thị hay chợ cóc hoặc bất kỳ nhà bán lẻ nào hoạt động vào ngày chủ nhật, điều lần đầu tiên xảy ra kể từ khi luật tự do thương mại được giới thiệu vào thập niên 1990.

Nguyên nhân chính của động thái này là do nhiều lao động cảm thấy bị bỏ rơi trong những năm qua khi vẫn phải làm việc vào ngày chủ nhật mà không có một ngày nghỉ đúng nghĩa. Tuy vậy, nhiều công dân Ba Lan lại cho rằng việc chợ búa hoạt động vào chủ nhật là biểu hiện của thị trường thương mại tự do cũng như đem lại nhiều lợi ích cho xã hội.

Trên thực tế, luật cấm mua bán vào chủ nhật đã từng được ban hành ở Hungary, quốc gia ngay gần Ba Lan, từ năm 2015 nhưng chúng không được tuân thủ mấy. Hậu quả là chính phủ Hungary đã phải quyết định xóa bỏ bộ luật này vào năm 2016.

Tại các quốc gia khác như Đức hay Áo, người dân cũng đã quen với việc không mua bán trong ngày chủ nhật và cảm thấy xứng đáng khi được giành thời gian cho gia đình, người thân.

Chính phủ Ba Lan cho biết các lao động cần có một ngày nghỉ ngơi thực sự trong khi hiệp hội thiên chúa giáo, tôn giáo chiếm 90% dân số Ba Lan cũng ủng hộ quyết định trên.

Ban đầu, quy định mới cấm các hoạt động thương mại vào 2 chủ nhật mỗi tháng, tiếp đó là 3 chủ nhật mỗi tháng vào năm 2019 và cuối cùng là tất cả các chủ nhật hàng tháng vào năm 2020, ngoại trừ những ngày lễ Phục Sinh và Giáng sinh.

Chuyện khó tin ở Ba Lan: Ra luật cấm chợ búa, siêu thị kinh doanh ngày chủ nhật để lao động trong ngành bán lẻ có một ngày nghỉ thực sự - Ảnh 1.

Thủ đô Warsaw của Ba Lan

Trái ngược lại, những người theo đuổi tự do thương mại lại cho rằng quy định này tác động xấu đến thị trường cũng như khiến nhiều người mất việc, đặc biệt là những học sinh muốn làm thêm vào cuối tuần.

Thậm chí Liên đoàn lao động Ba Lan cũng cho rằng quy định mới sẽ khiến người lao động phải làm việc lâu hơn vào thứ 6-7 cũng như khiến công việc trở nên vất vả hơn do có nhiều khách hàng hơn.

Trong khi đó, nhiều báo cáo cho thấy Ba Lan là quốc gia lao động chăm chỉ nhất Liên minh Châu Âu (EU) và nhiều người cho biết họ chỉ rảnh chủ nhật để đi mua sắm. Số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy Ba Lan chỉ đứng sau Hy Lạp trong số 28 thành viên về thời gian lao động. Bình quân năm 2016, mỗi nhân viên Ba Lan làm việc tới 1.928 tiếng/năm.

Theo quy định, một số trường hợp sẽ được miễn trừ khỏi luật cấm, ví dụ trạm xăng, quán cà phê, hiệu thuốc hay vài ngành kinh doanh đặc biệt khác. Những cửa hàng ở sân bay hay trạm xe lửa cũng sẽ hoạt động bình thường vào chủ nhật. Trong khi đó, các siêu thị nhỏ cũng có thể mở cửa nhưng người chủ phải tự kinh doanh mà không được thuê nhân viên trong ngày chủ nhật.

Bất kỳ trường hợp nào vi phạm sẽ phải nộp phạt 100.000 Zlotys (29.500 USD) và có thể ngồi tù nếu tái phạm. Nhà chức trách cũng khuyến khích người dân tố cáo các trường hợp vi phạm lệnh cấm.

Mặc dù vậy, nhiều lao động vẫn phàn nàn khi quy định mới chỉ nhắm đến những người làm trong ngành bán lẻ mà chưa quan tâm đến các lĩnh vực khác.

"Bộ luật này vẫn chưa thực sự hoàn thiện", anh Mateusz Kica, một lái xe 29 tuổi tại thủ đô Warsaw nói.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM