Đông Nam Á thiệt hại nặng nề khi hàng triệu người lao động không còn được tự do đi lại?

20/02/2018 11:01 AM | Kinh tế vĩ mô

Mô hình tăng trưởng dựa vào lao động giá rẻ của Đông Nam Á sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Các biện pháp siết chặt quản lý đối với lao động nước ngoài tại Malaysia và Thái Lan đang khiến hàng triệu người lao động Đông Nam Á phải mất việc, mặt bằng mức lương tăng cao.

Ngoài ra, nếu tình trạng này tiếp diễn, nó đe dọa sẽ tác động xấu đến mô hình tăng trưởng của Đông Nam Á vốn phụ thuộc nhiều vào tự do di chuyển và lao động giá rẻ, theo báo Nikkei đưa tin mới đây.

Công ty Top Glove của Malaysia, công ty sản xuất găng tay cao su lớn nhất thế giới, đang đối diện với nhiều thách thức khi chi phí lao động tăng quá cao, theo Chủ tịch điều hành công ty này, ông Lim Wee Chai. Hiện tại, người lao động ngoại quốc chiếm hơn nửa trong tổng số 13 nghìn người lao động của công ty.

Chi phí lao động tăng cao có nguyên nhân trực tiếp từ việc Malaysia đang thiếu hụt dần lao động nước ngoài. Nhiều công ty như Top Glove thuộc nhóm ngành thâm dụng lao động, nhóm công ty này đang cố gắng trả lương cao để giữ chân người lao động nước ngoài nhằm ngăn họ không bỏ về nước, hoặc họ tuyển thêm người dân địa phương vào làm việc để đỡ thiếu lao động.

Trong năm nay, Top Glove có kế hoạch sẽ xây dựng thêm hai nhà máy mới, thế nhưng tình trạng thiếu lao động triền miên có thể khiến những kế hoạch này không thể khả thi.

Công ty quản lý đồn điền Felda Global Ventures Holdings của Malaysia cho đến mới đây đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đủ 8000 nghìn công nhân. Trước đây, đã từng có thời điểm đến 70% người lao động tại nhà máy của công ty đến từ Indonesia.

Thế nhưng đến năm ngoái, số lượng người Indonesia đến tìm việc ở Malaysia giảm hẳn. Điều này đã buộc Felda phải thu hẹp hoạt động, nguồn thu của công ty cũng giảm hẳn.

Tại tỉnh Samut Sakhon của Thái Lan, một trong những khu vực nuôi cá lớn nhất tại nước này, giờ đây đang thiếu đến 5.000 người lao động sau khi chính phủ Thái Lan siết chặt quản lý lao động nước ngoài khiến nhiều người lao động nước ngoài phải ra đi.

Theo số liệu từ Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có 6,9 triệu người lao động đang di cư nội khối. Gần 80% trong số này hiện đang làm việc tại Thái Lan và Malaysia – hai nền kinh tế phát triển rất năng động của khu vực.

Trong nhiều năm trước đây, chính phủ cả hai nước này đã không quá sát sao quản lý người lao động nhập cư không có đủ giấy tờ hợp lệ. Những người lao động kiểu này thường sẽ làm các công việc khó khăn hoặc nguy hiểm.

Liên hợp quốc tính toán rằng có tổng số khoảng 4 triệu người từng làm việc bất hợp pháp tại Thái Lan và Malaysia, tổng số người lao động nhập cư như vậy thực tế có thể lên đến khoảng 10 triệu người, tương đương với khoảng hơn 10% tổng số người trong lực lượng lao động của hai nước trên.

Những người lao động nhập cư trong khu vực Đông Nam Á không chỉ đến từ Lào, Campuchia hay Indonesia mà còn từ nhiều nền kinh tế đang phát triển khác như Bangladesh, Nepal. Kiều hối từ những người lao động nước ngoài này đóng vai trò cực kỳ quan trọng với tăng trưởng kinh tế tại những nền kinh tế nghèo. Nhiều người trong số này đang buộc phải về nước.

Nguyên nhân chính là bởi chính phủ Thái Lan và Malaysia đang thắt chặt các quy định quản lý. Cho đến nay, nhiều tổ chức tại Mỹ và châu Âu đã chỉ trích việc hàng triệu người lao động Đông Nam Á đang phải làm việc trong điều kiện không được đảm bảo về quyền con người.

Tại Thái Lan, các công ty có sử dụng lao động bất hợp pháp sẽ phải chịu phạt. Còn tại Malaysia, gần đây, chính phủ đã bắt giữ rất nhiều người lao động nhập cư cũng như chủ sử dụng lao động nhập cư. Đồng thời trong năm nay, chính phủ Malaysia quyết định áp dụng luật thuế mới đối với những công ty có sử dụng lao động nước ngoài.

Chính phủ hai nước đều đã áp dụng chính sách cho phép người lao động nước ngoài đăng ký làm việc hợp pháp và nhận được giấy cư trú ngắn hạn tại đất nước. Thế nhưng số lượng giấy phép được phát hành ra vô cùng hạn chế. Tính đến hết tháng 11/2017, tại Malaysia chỉ có hơn 200 nghìn giấy phép được cấp, nhiều người lao động nhập cư bị ép buộc phải về nước.

Ước tính có đến 1 triệu người lao động tại Malaysia và cũng 1 triệu người lao động tại Thái Lan bỗng nhiên mất việc theo quy định mới. Lực lượng lao động Đông Nam Á vì vậy bị hao hụt nghiêm trọng.

Nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là những ngành phụ thuộc nhiều vào người lao động nước ngoài trong đó bao gồm ngành nông nghiệp, xây dựng và những ngành sản xuất thâm dụng lao động. Chủ doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nâng lương để thu hút thêm lao động địa phương nhằm bù vào sự thiếu hụt đó.

Theo Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM