Chuyện ít người tin có thể xảy ra về thu phí không dừng năm 2021

20/12/2021 15:55 PM | Xã hội

ePass Viettel giải quyết hạn chế của hệ thống cũ, tháo gỡ e ngại của người dùng, tạo bước nhảy về phổ cập thu phí không dừng, điều trước đó rất ít người tin có thể xảy ra.

Ngày 29/04/2019, liên danh Viettel -Vietinf-ITD (với tỷ lệ góp vốn 86%-12%-2%) trúng thầu triển khai dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (BOO). Tổng mức đầu tư hơn 1.228 tỷ đồng.

2 tháng rưỡi sau đó, vào ngày 14/07/2020, hợp đồng triển khai Dự án thu phí không dừng giai đoạn 2 giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Liên danh này chính thức ký kết.

"Nhảy vào lĩnh vực thu phí tự động không dừng – một cú liều đúng chất Viettel nhưng có lẽ thất bại đã được báo trước", "Hệ thống thu phí tự động không dừng của VETC đã mất 5 năm gần như dậm chân tại chỗ, Viettel có lẽ chỉ mất 1 năm để làm, nhưng là làm tại… châu Phi chứ không phải ở Việt Nam" – Trên mạng xã hội xuất hiện không ít ý kiến như vậy.

 Chuyện ít người tin có thể xảy ra về thu phí không dừng năm 2021 - Ảnh 1.

Chú thích ảnh: Sau 11 tháng, Viettel đã có hơn 1 triệu khách hàng dán ePass – điều rất khó tin nếu quan sát lĩnh vực này những năm trước đó.

Vì sao người ta nghi ngờ?

Sự nghi ngờ đó đến từ bối cảnh đầy bất cập và tắc nghẽn trong hoạt động thu phí tự động tại Việt Nam. VETC là đơn vị đã triển khai dịch vụ từ năm 2015, cho đến năm 2020 mới triển khai được gần 40 trạm, phát triển dịch vụ đến với gần 1 triệu thẻ thu phí tự động, chiếm 25% tổng số lượng xe toàn quốc. Và tỷ lệ tài khoản nạp tiền sử dụng dịch vụ chỉ đạt 30%.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư, Bộ GTVT từng cho biết, trong giai đoạn 1 của dự án, có thời điểm nhà đầu tư đứng trước nguy cơ vỡ nợ do số lượng người dùng ít nên doanh thu không đủ chi phí, liên tục lỗ. Ngân hàng tài trợ vốn thấy thiếu tính khả thi và dừng giải ngân, khiến nhà đầu tư đã xin trả lại dự án.

Về phía người dùng, các bất cập trong thanh toán trực tuyến chưa được giải quyết khiến cho các doanh nghiệp vận tải muốn tránh né việc phải để một lượng tiền mặt lớn trong tài khoản để trả trước cho ePass.

Đặc biệt, đâu đó còn nhiều xì xào về những mảng xám đằng sau các trạm BOT, và các chủ đầu tư e ngại việc phải minh bạch thu chi khi ứng dụng hệ thống thu phí tự động không dừng. Với một lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm như BOT, bài toán dành cho Viettel được đánh giá là khó hơn mọi bài toán mà họ từng giải.

1 triệu thẻ ePass sau 11 tháng và chuyện Viettel nói được làm được

Thế nhưng, chỉ sau 6 tháng thành lập liên danh, dự án thu phí tự động không dừng do Viettel đầu tư (Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam -VDTC) đã gây sốc khi hoàn thành triển khai cung cấp dịch vụ tại 35 trạm thu phí, tốc độ phát triển dịch vụ tốt hơn gần gấp 5 lần so với nhà cung cấp đầu tiên, nâng tổng số trạm thu phí ETC lên 91 trạm, đạt hơn 40% so với tổng trên toàn quốc.

 Chuyện ít người tin có thể xảy ra về thu phí không dừng năm 2021 - Ảnh 2.

Chú thích ảnh: Đi vào vận hành đúng hạn, cung cấp dịch vụ tốt và được khách hàng đón nhân là một thành công lớn của VDTC.

Sau 11 tháng chính thức khai trương và đưa vào vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng, VDTC đã cung cấp dịch vụ ePass cho hơn 1 triệu khách hàng, nâng tỉ lệ phương tiện có dán thẻ thu phí tự động tại Việt Nam từ 25% lên gần 50%, tăng trưởng gần 100%. Trước khi có ePass, số lượng phương tiện dán thẻ thu phí không dừng phải mất 5 năm mới đạt gần 1 triệu thẻ.

Tỷ lệ khách hàng phát sinh giao dịch (nạp tiền vào tài khoản giao thông/ liên kết tài khoản ngân hàng/ có hành vi qua trạm) sau khi đăng ký dịch vụ ePass đạt 75%. Thời gian vận chuyển của khách hàng giảm đến 60 lần.

Viettel không chỉ hoàn thành đúng hạn các cam kết với Bộ GTVT mà thậm chí, các chỉ tiêu còn vượt KPI. Đó là minh chứng cho việc "nói được – làm được" của Tập đoàn. Trong quá khứ, khi Viettel tuyên bố làm viễn thông, phá vỡ thế độc quyền của VNPT – hầu hết các chuyên gia đều nghi ngờ khả năng này.

Khi Viettel tuyên bố đầu tư ra nước ngoài, đưa thương hiệu viễn thông của Việt Nam ra thế giới – họ thậm chí bị coi là "có vấn đề", thậm chí coi thường vì chưa một công ty Việt Nam nào đầu tư lớn và thành công ở nước ngoài về viễn thông trước đó. Khi Viettel chuyển mình thành doanh nghiệp công nghệ, rồi tuyên bố sứ mệnh "tiên phong kiến tạo xã hội số" - không còn quá nhiều người nghi ngờ, nhưng cũng sự băn khoăn và nghi ngại vẫn có…. Thế nhưng, cũng như ePass, thực tế đã chứng minh tất cả.

Nói về việc tham gia lĩnh vực thu phí tự động không dừng, ông Lê Đăng Dũng - Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel nhấn mạnh: "Viettel xác định tham gia không phải vì mục tiêu kinh doanh mà nhằm thực hiện sứ mệnh đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí tự động được Chính phủ, Quốc hội và nhân dân tin tưởng giao phó". Đó cũng là trách nhiệm của một Tập đoàn trụ cột của quốc gia.

 Chuyện ít người tin có thể xảy ra về thu phí không dừng năm 2021 - Ảnh 3.

Chú thích ảnh: ePass chỉ là tấm thẻ nhỏ nhưng mang trong đó một khát vọng lớn.

Ông Dũng khẳng định, kể từ khi Viettel tuyên bố sứ mệnh của mình là tiên phong và chủ lực xây dựng xã hội số Việt Nam thì chuyển đổi số giao thông là một trong các lĩnh vực đầu tiên Viettel xác định phải đầu tư.

"Dòng máu Viettel, quyết tâm của thế hệ lãnh đạo và lịch sử Viettel đã tạo nên những con người Viettel hiện nay. Vì thế, chúng tôi quyết tâm đã làm gì cũng phải đặc biệt, khác biệt, đúng chất Viettel, có sự đột phá, sáng tạo, khác với những tiến trình, lộ trình mà mọi người đang nghĩ" – Ông Bùi Trình, Tổng giám đốc VDTC lý giải cho sự thần tốc của chiếc ePass Viettel.

Ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết "Viettel đã phá vỡ thế độc quyền trong việc cung cấp dịch vụ thu phí không dừng tại Việt Nam". Không những vậy, thành công bước đầu của ePass cũng phá vỡ những hoài nghi trước đó trong việc chuyển đổi số của lĩnh vực rất "nóng" như giao thông.

Sự khác biệt tạo nên kết quả khác biệt

Văn hóa quyết liệt, lăn xả hay ý chí Viettel chính là điều đã đập tan những nghi ngờ của thị trường đối với các khát vọng của Viettel. Nhưng việc "nói được – làm được" không chỉ dựa trên ý chí mà phải dựa trên những sức mạnh riêng biệt.

Với hệ sinh thái công nghệ viễn thông không doanh nghiệp nào có được, Viettel đã đưa vào hệ thống thu phí tự động không dừng của VDTC công nghệ hiện đại nhất theo tiêu chuẩn của các quốc gia phát triển trên thế giới. Đó là công nghệ nhận diện hình ảnh quang học (OCR), giúp cho việc đăng ký sử dụng dịch vụ của khách hàng chỉ tốn khoảng 3 phút.

Đó là hệ thống tính cước thời gian thực (OCS) do Viettel tự nghiên cứu phát triển, giúp cho thời gian lưu thông xe qua trạm giảm 60 lần so với thời gian trả phí bằng tiền mặt. Đó là giải pháp thanh toán trực tuyến khi kết nối với ViettelPay giúp khách hàng không cần nạp tiền vào tài khoản giao thông. Đó là hệ thống bán hàng với gần 3.000 điểm cung cấp dịch vụ và gần 20.000 nhân viên kinh doanh,…

 Chuyện ít người tin có thể xảy ra về thu phí không dừng năm 2021 - Ảnh 4.

Chú thích ảnh: Trên ePass có tích hợp rất nhiều công nghệ, để tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch vụ về giao thông thông minh sau này.

Để các công nghệ này có thể ứng dụng, tất nhiên phải dựa trên hệ thống hạ tầng viễn thông tốc độ nhanh, đảm bảo kết nối thông suốt do Tổng Công ty công trình Viettel đảm nhiệm việc xây dựng. Bên cạnh đó là các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh do Công ty an ninh mạng Viettel cung cấp cho toàn bộ hệ thống.

Để chinh phục các nhà đầu tư BOT, Viettel đã làm như thế nào? Ông Lê Đăng Dũng tiết lộ: "Khi chúng tôi triển khai dự án, khó khăn nhất là đàm phán với các nhà đầu tư BOT để họ chấp nhận sẵn sàng chuyển từ thu phí thủ công sang thu phí không dừng, bắt tay với Viettel để triển khai hệ thống. Viettel đã được hỗ trợ rất lớn từ Bộ Giao thông vận tải trong việc đàm phán với các chủ đầu tư BOT".

Sức mạnh cộng hưởng từ nội tại, quyết tâm cao, cộng với sự ủng hộ của cơ quan quản lý ngành giao thông là những nhân tố cốt lõi giúp Viettel "nói được, làm được", tạo nên bước đột phá 1 triệu thẻ ePass chỉ sau 11 tháng vận hành. Và đó mới là sự khởi đầu cho bước tiếp theo mà Viettel sẽ làm: phát triển giao thông thông minh ở Việt Nam.

Người đứng đầu Viettel bổ sung thêm: "Sau thành công bước đầu của hệ thống thu phí không dừng, chúng tôi đã nhận khá nhiều nhiệm vụ từ Bộ Giao thông Vận tải trong công cuộc xây dựng thông minh ở Việt Nam. Đường bộ chỉ là bước đầu. Sắp tới là đường thủy, hàng không. Để làm được những việc đó, đương nhiên là Tập đoàn cũng sẽ lấy VDTC làm chủ lực. Chúng tôi chắc chắn sẽ đầu tư nguồn lực cả về con người, cả về vật chất, cả về những công nghệ hiện đại nhất".

Theo Thu Hà

Cùng chuyên mục
XEM