Chuyện Heineken làm bia từ 12 tấn cam của một startup miền núi Nghệ An, bán hết veo sau 2 tháng và niềm tin vào nông nghiệp Việt Nam
"Thành công với Heineken không phải ở tiền bạc, mà là ở niềm tin, khi nông dân quê mình vẫn chỉ biết mang cam tươi đi bán", chị Nguyễn Thị Lê Na – nhà sáng lập Cam Vinh Kỳ Yến – bộc bạch. Mối duyên với nông nghiệp đến với chị Na gần 10 năm trước, khi bỏ công việc ổn định tại một tập đoàn lớn, trở về quê nhà Nghệ An tiếp quản vườn cam của cha mẹ…
Cuối tháng 10, Heineken thông báo tạm cháy hàng dòng sản phẩm Tiger Platinum Wheat Lager tại một số điểm bán. Đây là loại bia lúa mì thoảng hương vỏ cam, mà nguyên liệu vỏ cam được đặt hàng từ một startup miền núi tỉnh Nghệ An – Cam Vinh Kỳ Yến.
"Tổng giám đốc của Heineken cũng bất ngờ khi biết bia được làm từ loại vỏ cam đặc sản của Việt Nam chứ không phải là hàng nhập khẩu hay hương liệu. Những người nghiên cứu và sản xuất cũng bất ngờ vì cái hương vị riêng có ấy".
"Sáng nay, ngồi họp cùng các anh chị, mình còn hạnh phúc đến ứa nước mắt. Chị ấy còn bảo: 'Đấy, nông sản Việt Nam mình có nhiều thứ rất giá trị mà, như này đỡ phải nhập khẩu, đỡ phải đi xa, chờ đợi, còn đỡ ảnh hưởng môi trường mà ủng hộ cho nông sản Việt Nam mình'", chị Nguyễn Thị Lê Na – Nhà sáng lập và điều hành thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến, trải lòng trên trang cá nhân.
Mất 1 năm để trở thành đối tác của Heineken
Chị Nguyễn Thị Lê Na – Nhà sáng lập và điều hành thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến.
Cam Vinh Kỳ Yến có quy mô liên kết với nông dân hơn 50ha ở Quỳ Hợp, Nghệ An. Chia sẻ với chúng tôi, chị Na cho biết cơ duyên với Heineken vào khoảng cuối năm 2019, khi một người phụ trách thu mua của hãng bia này liên hệ tìm nguồn vỏ cam, chanh, bưởi… và một số loại trái cây có múi khác để thử nghiệm sản phẩm mới.
Phải mất hơn 1 năm trời thử nghiệm, xét nghiệm, đánh giá nhà xưởng và vùng nguyên liệu, hợp đồng đối tác giữa một startup trồng cam và một ông lớn FDI mới được chính thức ký kết.
"Ngay ban đầu, Heineken hỏi rất nhiều thông tin từ Cam Vinh Kỳ Yến như: Tính pháp lý của công ty? Đã từng cung cấp nguyên liệu cho các đối tác Nhà máy lớn nào chưa? Có chứng chỉ, chứng nhận hay có các tiêu chuẩn, xét nghiệm gì chưa?… May mắn là Cam Vinh Kỳ Yến dù nhỏ, ở vùng miền núi xa xôi, nhưng lại rất quan tâm và đã thực hiện nhiều vấn đề mà phía Heineken đề cập đến ngay từ khi thành lập doanh nghiệp".
"Trước đó, bên mình cũng cung cấp mứt vỏ cam và bột vỏ cam làm nguyên liệu chế biến đầu vào cho một số đơn vị làm mỹ phẩm hữu cơ cũng như nhà máy thực phẩm nên đã có khá nhiều kết quả xét nghiệm, kiểm nghiệm, các thông số Tiêu chuẩn sản phẩm, quy trình sản xuất, kể cả những bản khai về việc không sử dụng nguyên liệu từ động vật như trứng, sữa hay mật ong… Khá nhiều thứ nhỏ nhặt, mình cũng đều show hết cho phía đối tác", chị Na kể.
Sau nhiều mẫu sản phẩm gửi đến, cuối cùng, mẫu của Cam Vinh Kỳ Yến được chọn để đưa vào sản xuất thử nghiệm dòng bia mới.
Khoảng 1 năm sau đó, Heineken thử nghiệm thành công. Trước khi quyết định nhập số lượng lớn hơn cho mẻ sản xuất thử lô thương mại đầu tiên, Heineken bắt đầu quá trình hướng dẫn để bên Cam Vinh Kỳ Yến có thể hoàn thiện quy trình, phương thức làm việc và kiểm soát chất lượng nguyên liệu cùng nhau.
Với lô hàng thử nghiệm, phía Cam Vinh Kỳ Yến sử dụng hơn 12 tấn cam tươi để sản xuất cho Heineken. Không ngờ sản phẩm bán chạy, Heineken đã tổ chức họp để đặt gấp tiếp 1 lô trong năm 2021 giao vào đầu tháng 12.
"Thành công với Heineken không phải ở tiền bạc, mà là ở niềm tin, khi nông dân quê mình vẫn chỉ biết mang cam tươi đi bán"
* Chị và đội ngũ Cam Vinh Kỳ Yến đã nếm thử Tiger Platinum được làm từ vỏ cam bên mình chưa?
- Thật tình là đến giờ này vẫn chưa được thử vì thực ra cũng là hoàn toàn không biết đến việc bia Tiger Platinum ra mắt sản phẩm và cháy hàng chỉ trong 2 tháng. Hôm vừa rồi họp, các chị bên Heineken mới thông báo: "Cháy hàng rồi em ơi!", và giơ lon bia lên cho mình xem. Mình lúc đó thật hạnh phúc và vui sướng biết bao nhiêu vì cái cảm giác sản phẩm của mình chính là một phần trong đó. Chị chuyên gia phụ trách bên đó bảo là ngon lắm, nó là dòng bia trắng và bên Heineken đã nghiên cứu để nó phù hợp với khẩu vị người Việt nữa nên hương vị rất tuyệt vời.
Ngay sau cuộc họp mình cũng chạy ra mấy cửa hàng gần đó để mua thử mà cũng không có, nơi thì bảo là hết rồi. Mình cũng vui quá mà đăng lên Facebook. Một số anh chị là phân phối sản phẩm cũng nói là hết hàng rồi, thậm chí trong đó còn có anh ở cùng quê, tại nơi trồng cam luôn bảo là giờ mới được biết là vỏ cam này từ quê mình. Thật sự rất là tuyệt vời! Cả công ty mình cũng đang háo hức chờ để được mua thử xem sao.
* Bên cạnh Cam Vinh Kỳ Yến, chị cũng đang xây dựng mô hình mới?
Cam của Việt Nam hầu như không có tên trên bản đồ cam thế giới, vậy mà không hiểu sao người dân đua nhau trồng nhiều, rồi không biết bán đi đâu ngoài chờ thương lái
Năm 2020, cùng với sự thành công bước đầu của Cam Vinh Kỳ Yến tại Nghệ An, bên mình xây dựng mô hình kinh doanh mới là EcoVi, vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm và quy trình của Cam Vinh Kỳ Yến để đi mở rộng mô hình Canh tác Sinh thái và hướng dẫn chế biến, sản xuất, xây dựng thương hiệu và kinh doanh cho các sản phẩm trái cây đặc sản ở Việt Nam.
Hiện tại, EcoVi cũng đang liên kết hợp tác với một HTX ở Cao Phong, Hòa Bình với thương hiệu là EcoVi Hà Phong có quy mô hơn 200ha trồng cam và bưởi và đang xây dựng hệ thống kinh doanh 1.000 tấn trong mùa cam 2021 – 2022 này. Bên mình cũng đang trong quá trình làm việc với UBND huyện Bắc Quang, Hà Giang để xây dựng vùng canh tác Cam Sành sinh thái tại đây để giúp bà con nông dân nâng cao được giá trị sản phẩm dự kiến cũng sẽ bước đầu lựa chọn và tổ chức kinh doanh với quy mô sản lượng khoảng 1.000 tấn cho những hộ nông dân đăng ký sẵn sàng chuyển đổi canh tác sinh thái.
* Chị thấy đâu là giá trị lớn nhất sau thành công trong việc hợp tác với Heineken lần này?
Thành công trong hợp tác với Heineken lần này đối với Cam Vinh Kỳ Yến thì có lẽ giá trị nhất không phải là ở tiền bạc, mà chính là ở câu chuyện niềm tin về định hướng mà Cam Vinh Kỳ Yến đã lựa chọn từ ban đầu. Ở quê mình, người nông dân chỉ biết bán cam tươi, không làm được gì hơn nữa. Bởi vậy, sự phụ thuộc vào thị trường, thương lái vẫn là chính.
Trước đây, cam được mùa, được giá thì người dân đua nhau trồng, giờ cũng không chỉ ở Nghệ An mà dường như đâu đâu cũng trồng cam. Cam của Việt Nam hầu như không có tên trên bản đồ cam thế giới, vậy mà không hiểu sao người dân đua nhau trồng nhiều rồi đến khi không biết bán đi đâu ngoài chờ thương lái.
Mà khi trồng cũng không biết được tín hiệu của thị trường cần gì, có nhu cầu gì, cũng không biết loại nào phù hợp để ăn, loại nào tốt cho sản xuất, chế biến… Người dân đua nhau lạm dụng hóa chất nên giờ đất đai bị thoái hóa, cây trồng thì phải chặt phá đi rất nhiều rồi, nhiều nơi hoang tàn, xơ xác, cây cối không còn sức sống nữa.
Câu chuyện này có lẽ là câu chuyện chung của cả ngành nông nghiệp Việt Nam chứ không riêng gì cây cam ở Nghệ An. Từ hơn 5 năm về trước, mình đã vừa làm vừa truyền thông rất nhiều về hệ lụy này. May mắn rằng, đến nay, nhiều nơi đã có ý thức hơn. Các doanh nghiệp lớn đến giờ này cũng rất quan tâm đến những vấn đề này và họ cũng hướng đến mục tiêu kinh doanh tạo tác động xã hội và môi trường tốt hơn, bền vững hơn rất nhiều.
Mình tin rằng, đặc sản nông nghiệp Việt Nam chúng ta có vô vàn những giá trị đặc sắc, riêng có mà chỉ cần chúng ta biết cách nghiên cứu, khai thác và thật sự dành tâm huyết cho nó thì có thể nâng cao giá trị được hơn rất nhiều. Có lẽ đã đến lúc, chúng ta cần phải có những định nghĩa mới cho nông dân trong thời đại mới này, đó chính là những gì mà mình đang xây dựng cái gọi là Nông dân Sinh thái EcoVi. Và mình hy vọng rằng, rồi đây những nông dân sinh thái EcoVi sẽ là những hạt nhân cho nền Nông nghiệp Sinh thái sẽ được hình thành và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
* Xin cảm ơn chị!