Chuyên gia tiết lộ hành vi muốn tốt cho con nhưng vô tình chặn đứng tương lai của trẻ: Cha mẹ càng làm tới, con càng khó phát triển
Nhiều cha mẹ tin rằng, so sánh con cái với bạn bè là một công cụ tốt để tạo động lực và khả năng cạnh tranh. Nhưng thường thì "Con nhìn bạn X đi, vừa học giỏi vừa ngoan ngoãn" sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi.
Đôi nét về tác giả:
Chị Linh Phan là một chuyên gia tâm lý học/phát triển của trẻ nhỏ và nhà tư vấn phụ huynh chuyên nghiệp theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời cũng là tác giả các cuốn sách về làm cha mẹ như "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu" và "Gỡ lỗi cha mẹ trong giao tiếp với con".
Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.
Tôi sẽ giải thích cho các cha mẹ hiểu lời nhận xét như vậy dẫn tới điều gì và khi nào nên kiềm chế sự so sánh.
- Tôi có nên so sánh con với đứa trẻ khác không?
Điều này nên được thực hiện trong các tình huống mà hành vi của trẻ tương ứng với độ tuổi và nguyên tắc về nguyên nhân - kết quả. Ví dụ, bạn và con đang chờ xếp hàng để vào xem xiếc, mọi người đứng xếp hàng nghiêm chỉnh nhưng con bạn không làm điều đó, bạn có thể nhắc "Con hãy nhìn các bạn đều đang đứng xếp hàng ngay ngắn kìa!".
Hoặc là, trong một buổi hoà nhạc, khi mọi người im lặng trật tự lắng nghe, bạn có thể so sánh và yêu cầu con im lặng. Ở độ tuổi mẫu giáo và tiểu học, một đứa trẻ có thể thích nghi với những nguyên tắc chung (ví dụ như xếp hàng, chờ tới lượt…) không quá 20 phút một lần, nếu con cảm thấy khoẻ khoắn, tâm trạng bình thường. Ở tuổi vị thành niên, con có thể làm lâu hơn một chút, nhưng không phải quá nhiều.
Chúng ta có thể so sánh khi đó là tiêu chuẩn mà tất cả mọi người phải tuân thủ. Nhưng nếu đó là hành vi và phẩm chất bạn thích ở một đứa trẻ khác, hãy thận trọng. Đừng so sánh kiểu: "Con nhìn kìa, bạn tiêm mà có khóc đâu, sao con khóc nhiều vậy?". Hoặc "Bạn Y lớp con học giỏi thế, còn con chỉ xếp thứ 10".
Những câu nói này có thể mang tới một thông điệp khác: Bố/mẹ thích đứa trẻ khác hơn con.
- Tại sao người lớn chúng ta so sánh con cái mình?
Tất nhiên, vì muốn con mình trở nên tốt hơn. Nhưng so sánh không thật sự mang tới điều tốt hơn hay có thể giúp con bạn học được điều gì đó mới. Nhưng hãy tưởng tượng, bạn đi làm và sếp bạn nói với bạn "Này, cô A đã bán được hơn 1000 sản phẩm trong tháng này rồi đấy, quá xuất sắc, còn em thì sao, em còn chưa bán nổi 200 sản phẩm". Bạn sẽ cảm thấy thế nào?
Chắc chắn chẳng vui vẻ gì! Mà không chỉ không vui, một loạt cảm xúc khác nữa sẽ tới: Bối rối và lúng túng (A có thể làm điều đó còn tôi thì không), xấu hổ (tôi kém cỏi quá) và phẫn nộ (nhiệm vụ của tôi đâu phải chỉ có mỗi bán hàng). Và chắc chắn bạn cảm thấy mình bị hạ thấp giá trị, không được tôn trọng.
- Trẻ ở độ tuổi nào cũng có thể bị tổn thương bởi sự so sánh
Nhiều cha mẹ vẫn nghĩ so sánh là để tạo động lực phát triển. Thông thường, vì mục đích sư phạm mà cha mẹ so sánh con mình với đứa trẻ khác "Bạn B biết lắp lego ô tô rất đẹp, sao của con xấu thế", "C đã biết chơi cờ vua rồi, sao con không học đi", "Bạn D lúc nào cũng chào người lớn, còn con thì không bao giờ chịu chào hỏi gì cả".
Ông bà bố mẹ chúng ta đã làm điều này từ thời xa xưa và họ tin rằng sự so sánh là xúc tác để tạo ra sự cạnh tranh. Nhưng nó còn tạo ra nhiều thứ khác nữa.
Đầu tiên, đó là tổn thương vì bị từ chối, không được chấp nhận. Nhiều người lớn lên vẫn bị ám ảnh với niềm tin rằng "Tôi không đủ tốt", "Tôi không phải người phù hợp". Cảm giác này không bao giờ dịu vơi đi, bởi vì họ luôn thấy những người khác giỏi hơn mình ở một hoặc nhiều điểm nào đó. Một người có thể mang thái độ thiếu thân thiện này tới hết đời, hay còn được gọi bằng những cái tên khác như lòng tự trọng thấp, thiếu tự tin, tự ti.
Thứ hai, đứa trẻ sẽ trở nên tức giận và ghen tuông. Đối với người lớn, bị so sánh là trải nghiệm không hề vui vẻ. Với trẻ cũng không ngoại lệ, đặc biệt khi chúng chưa thể chuẩn bị tâm lý để đối phó với những điều này. So sánh rủi ro ở chỗ nó có thể kích hoạt sự thù hận, những mối quan hệ thù địch thay vì nỗ lực thật sự.
Để một đứa trẻ hiểu được sự so sánh một cách chính xác, thì trước tiên con cần phải cảm nhận được sự hỗ trợ của cha mẹ.
Hình minh họa. Ảnh: Internet
Nếu một đứa trẻ mẫu giáo khóc vì tiêm đau hoặc nằm ra sàn siêu thị vì không được mua kẹo, điều đó không có nghĩa là con không thể đối phó được với nỗi sợ hãi hay tức giận. Lúc này so sánh chẳng giúp ích gì. Nó không chỉ xấu và khó khăn thêm với con mà còn khiến con cảm thấy mình tồi tệ hơn người khác. Hoặc khi trẻ học yếu đi, điểm số kém hơn, bằng cách so sánh chúng ta hi vọng sẽ đánh thức tham vọng nơi con, nhưng thực tế là ta đã gửi đi một thông điệp: Bố mẹ sẽ không hài lòng nếu con không thành công.
Nếu một đứa trẻ sợ hãi, tức giận, bướng bỉnh, chán nản hoặc không kiên nhẫn thì tức là con đang gặp khó khăn trong việc đối phó với những cảm xúc của mình. Cần phải mang tới cho trẻ sự cảm thông, bình tĩnh để xem những điều gì là khó khăn. Hãy đáp ứng các nhu cầu cơ bản của trẻ, nói chuyện với giáo viên và chú ý nhiều hơn về những trải nghiệm của trẻ với bạn bè, ở trường lớp.
Đã có cha mẹ từng nói với tôi rằng, khi con họ chạy thi ở trường mẫu giáo, con họ nói "Con muốn chạy nhanh hơn bạn Xoài" và sự so sánh này dường như là động lực khá tốt. Thật ra chỉ những đứa trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ chưa bao giờ thua mới đến với một cuộc thi bằng niềm vui. Sự thiếu hiểu biết này sẽ mang tới cho trẻ hạnh phúc nhưng nó không kéo dài lâu. Khi ở độ tuổi lớn hơn, sự cạnh tranh sẽ mang tới lo lắng cho đứa trẻ. Nếu cha mẹ không cho phép con mình thất bại, điều này có thể là gánh nặng kép cho chúng. Và nhiều đứa trẻ sẽ từ chối cạnh tranh thêm nữa.
Tất nhiên sự lo lắng là cần thiết. Nếu có thể cho con duy trì sự lo lắng vừa phải, giúp con cân bằng và hỗ trợ thì sự lo lắng sẽ là động lực để giúp con tiến lên. Sự lo lắng có thể thúc đẩy con nghiên cứu về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và đối phương. Sau đó sự tự tin sẽ đến khi con hiểu đối thủ của mình là ai và những gì mình cần đối phó. Nếu cha mẹ chấp nhận và ủng hộ kể cả khi con thất bại, đứa trẻ có thể sẽ tăng cường khả năng của chính mình.
Vậy cha mẹ có thể động viên con thế nào?
- Làm thế nào để đánh thức động lực rồi giúp trẻ đạt mục tiêu của chúng?
Chúng ta cần theo dõi cẩn thận đứa trẻ của mình. Nơi nào thú vị an toàn, trẻ sẽ muốn thể hiện bản thân chúng. Chắc chắn đứa trẻ nào rồi cũng sẽ tự so sánh mình với những đứa trẻ khác, bạn sẽ sớm nhận ra điều đó.
Để hỗ trợ cho con, chúng ta nên nói "Mẹ biết con thấy X chơi đàn quá xuất sắc và lo lắng làm sao con có thể thắng cuộc thi này. Mẹ tin con có thể chơi tốt và thậm chí tốt hơn như thế. X cũng phải tập luyện rất nhiều và những ngày đầu tiên bạn ấy cũng gặp khó khăn giống con. Con đang bắt đầu, con tập mỗi ngày và con cũng sẽ thành công".
Hình minh họa. Ảnh: Internet
Việc một đứa trẻ so sánh mình với người khác là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu được, hãy dần dạy con cách so sánh với chính mình ngày hôm qua. Hãy gợi ý cho con về một điều con tự hào về bản thân, những cột mốc nhỏ con đã làm được. Nếu đứa trẻ có tư duy tiến bộ về bản thân, chúng sẽ có hành động và sự phát triển trong những gì chúng làm.
Câu chuyện so sánh này không phải chỉ là cha mẹ thôi không so sánh con mình với người khác mà quan trọng là chính cha mẹ cũng phải dừng so sánh chính mình với người khác. Thật không dễ gì để cha mẹ thôi so sánh, nhất là khi họ đã từng được nuôi dưỡng và rèn luyện theo cách này. Chúng ta so sánh mình với những cha mẹ khác có con chịu khó kiên nhẫn, có kết quả tốt hơn, cư xử đàng hoàng. Đối với chúng ta, những cha mẹ kia đã làm tốt hơn. Chúng ta thậm chí chán nản, tức giận và ném sự tức giận đó vào đứa trẻ.
Để dần vượt qua thói quen so sánh, hãy nhận thức được những cảm giác bị tổn thương, sự tức giận trong những thời điểm bạn tự so sánh. Khi đó, chúng ta có thể dừng lại và thoải mái hơn với việc thôi không so sánh. Trẻ gắn bó với cha mẹ và luôn cố gắng làm hài lòng cha mẹ theo cách của chúng. Bản năng đứa trẻ nào cũng có nhu cầu để cha mẹ tự hào về chúng. Vì vậy, với sự hỗ trợ của chúng ta, đứa trẻ sẽ luôn cố gắng trong khả năng và tương xứng với độ tuổi của chúng.
Hãy dựa vào điều đó để đồng hành cùng con!
Kết:
Trải nghiệm mình là người tệ hơn, thật không may, thường không giúp ích gì cho việc tiếp tục phấn đấu để trở nên tốt hơn. Sự so sánh không phải là động lực cho trẻ tốt hơn. Đó còn là thông điệp: "Hãy tốt hơn người khác" hoặc thậm chí "Hãy để người đó tồi tệ hơn bạn".
Và mục tiêu trong cuộc sống của đứa trẻ dường như chỉ xoay quanh việc cạnh tranh. Làm sao phải học giỏi nhất, đọc nhanh nhất, đếm tốt nhất. Khi cạnh tranh trở thành mục tiêu thì cuộc sống không còn những điều tốt đẹp khác nữa, mà chỉ có mong muốn phải tốt hơn người khác bằng mọi giá, bỏ qua những mong muốn của chính mình.