Chuyên gia tâm lý đại học Stanford: Đây là kỹ năng số 1 mà phụ huynh thông thái cần dạy cho con nhưng hầu hết họ không làm được điều đó

22/09/2019 08:45 AM | Sống

Là cha mẹ, tất cả chúng ta đều muốn nuôi dạy những đứa trẻ thông minh và tập trung. Đặc biệt là trong một thế giới nơi sự phân tâm kỹ thuật số dường như không thể tránh khỏi. Ngay cả những người khổng lồ công nghệ như Steve Jobs và Bill Gates cũng có chiến lược giới hạn thời gian trên màn hình của con cái họ.

Nir Eyal là giảng viên tại Trường Kinh doanh Stanford. Anh hiện viết sách, tư vấn và dạy về sự giao thoa giữa tâm lý học, công nghệ và kinh doanh. Cuốn sách được xuất bản gần đây nhất của anh có tựa đề "Indistractable: How to Control Your Attention and Choose Your Life".

Dưới đây là những chia sẻ của Nir Eyal về kỹ năng cần thiết nhất mà các phụ huynh cần trang bị cho con cái của họ từ lúc nhỏ:

"Không bị phân tâm" là kỹ năng quan trọng nhất trong thế kỷ 21 và nó là một trong những điều mà nhiều bậc cha mẹ không dạy cho con cái mình. Sau nhiều năm nghiên cứu sự giao thoa giữa tâm lý học và công nghệ, một trong những sai lầm lớn nhất mà tôi thấy cha mẹ mắc phải là không trao quyền cho trẻ tự kiểm soát thời gian của chính mình.

Cho phép trẻ làm như vậy là một món quà to lớn đối với chúng. Cha mẹ nên biết rằng, trẻ cần phải học cách tự theo dõi hành vi của chính mình bằng việc quản lý thời gian và sự chú ý của chúng đối với những đồ vật xung quanh.

Dạy trẻ từ nhỏ

 Chuyên gia tâm lý đại học Stanford: Đây là kỹ năng số 1 mà phụ huynh thông thái cần dạy cho con nhưng hầu hết họ không làm được điều đó  - Ảnh 1.

Khi con gái tôi lên 5, bé đã bắt đầu biết đòi hỏi và khóc lóc để được chơi và xem video trên ipad. Lúc đó, tôi và vợ của mình nghĩ đã đến thời điểm phải đưa ra biện pháp để chấm dứt hành động này càng sớm càng tốt.

Chúng tôi luôn cố gắng làm hết sức mình để tôn trọng nhu cầu của con bé theo cách mà Richard Ryan khuyến nghị. Ryan là một trong những nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới về biện pháp giúp điều khiển hành vi của con người.

Chúng tôi đã giải thích cho bé theo cách đơn giản nhất rằng: "Việc dành quá nhiều thời gian trên màn hình có thể gây ra một vài hậu quả mà sau này sẽ khiến con cảm thấy rất hối hận. Dành quá nhiều thời gian với các ứng dụng và video trên ipad, có nghĩa là con sẽ có ít thời gian hơn để chơi với bạn bè tại công viên, đi bơi bể bơi hoặc ở bên cạnh bố mẹ".

Chúng tôi cũng giải thích rằng các ứng dụng và video trên iPad được thiết kế có chủ ý để khiến con dễ dàng bị cuốn hút và không thể dứt ra được.

Điều quan trọng là con bé cần phải hiểu được động cơ của các công ty trò chơi và mạng xã hội. Mặc dù các sản phẩm này bán cho con người niềm vui và sự kết nối, chúng cũng thu lợi từ thời gian và sự chú ý của chúng ta.

Những kiến thức này có vẻ hơi nhiều đối với một đứa trẻ 5 tuổi. Nhưng chúng tôi cảm thấy cần phải trang bị cho con bé khả năng đưa ra quyết định về thời gian sử dụng màn hình và thực hiện các quy tắc của riêng mình.

Trao cho con quyền tự chủ một cách hợp lý

 Chuyên gia tâm lý đại học Stanford: Đây là kỹ năng số 1 mà phụ huynh thông thái cần dạy cho con nhưng hầu hết họ không làm được điều đó  - Ảnh 2.

Sau đó chúng tôi đã yêu cầu con bé tự cân nhắc xem bao nhiêu thời gian trên màn hình mỗi ngày là đủ.

Khi nghe chúng tôi giải thích tại sao việc giới hạn thời gian trên màn hình lại quan trọng, và với quyền tự do quyết định trong tay, con bé đã ngượng ngùng yêu cầu hai tập phim. Một hoặc hai tập của một chương trình dành cho trẻ em trên Netflix dài khoảng 45 phút.

Tôi hỏi: "45 phút có phải là thời gian trên màn hình phù hợp với con không?" Con bé gật đầu đồng ý. Tôi tin chắc một điều, con bé có thể tự cảm thấy rằng bản thân đã đạt được kết quả theo ý muốn hơn là bị ép buộc bởi cha mẹ. Đối với tôi, 45 phút đối với một đứa trẻ là thời gian phù hợp, vì con bé cần phải dành nhiều thời gian cho các hoạt động khác.

Tôi hỏi thêm: "Con có kế hoạch như thế nào để đảm bảo rằng mình không xem quá 45 phút mỗi ngày?" Không muốn mất đi cuộc đàm phán mà phần thắng đang nghiêng về phía mình, con bé đề nghị việc tự đặt đồng hồ bấm giờ.

"Bố thấy đó là một ý kiến hay. Tuy nhiên, nếu mẹ và bố phát hiện việc con không thể giữ lời hứa với chính mình và với bố mẹ, chúng ta sẽ phải xem lại cuộc thảo luận này", tôi nói. Và con bé đã đồng ý với điều đó.

Ngăn chặn sự mất tập trung với nỗ lực không ngừng

Bây giờ, khi đã lớn hơn, con bé vẫn luôn tự điều chỉnh thời gian trên màn hình của mình. Con bé đã thực hiện một số điều chỉnh cho các biện pháp tự áp đặt của mình khi trưởng thành, chẳng hạn như chỉ xem các tập phim dài tập vào cuối tuần. Điều quan trọng là, những quy tắc này do chính con bé đặt ra chứ không phải của chúng tôi và con bé phải có trách nhiệm thực thi chúng.

Điều cần thiết nhất bây giờ là bạn phải tạo ra những cuộc đối thoại với trẻ và giúp chúng thiết lập các quy tắc riêng. Khi cha mẹ áp đặt các giới hạn mà không có sự tham gia của chính con cái họ, điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy bực bội và muốn chống đối những gì được đưa ra. Những chiến lược này sẽ không thể đảm bảo cho sự hòa hợp giữa cha mẹ và con cái.

Trên thực tế, chúng ta nên có những cuộc thảo luận sôi nổi về vai trò của công nghệ trong gia đình và cuộc sống đối với những đứa con của mình. Thể hiện sự tôn trọng đối với quan điểm của mỗi người là dấu hiệu của một gia đình hạnh phúc.

Điều này sẽ giúp cho trẻ tự theo dõi hành vi của chính mình, và học được các kỹ năng cần thiết để biết điều chỉnh ngay cả khi không có sự giám sát của cha mẹ.

Một điều chắc chắn là: Công nghệ ngày càng trở nên phổ biến và thu hút. Trẻ em cần phải nhận thức được rằng các sản phẩm công nghệ này được thiết kế với tính hấp dẫn cao. Do đó, trẻ cần củng cố niềm tin vào sức mạnh của chính mình để vượt qua sự phân tâm đó. Đó là trách nhiệm cũng như quyền lợi của trẻ để sử dụng thời gian của mình một cách khôn ngoan nhất.

Theo Nam Thu

Cùng chuyên mục
XEM