Chuyên gia quỹ CyberAgent Capital chỉ ra sai lầm “chết người” của startup: Thổi phồng quy mô thị trường cả trăm lần, sợ nhất founder cá cược cả cuộc đời cho startup

10/01/2020 15:58 PM | Kinh doanh

"Nghe founder bán hết nhà cửa, gia tài và có khi là cá cược cả cuộc đời vào startup, tôi rất sợ. Nỗi sợ thứ nhất là mình không thể hỗ trợ được như họ kỳ vọng. Hai là nếu thất bại, tôi sợ phải nhìn thấy những hậu quả mà họ phải gánh chịu, mà có lẽ một phần cũng do mình gây ra khi đã thúc đẩy, truyền động lực cho họ", anh Hiếu Linh chia sẻ.

Với một ý tưởng kinh doanh chớm nở hay startup đi gọi vốn từ nhà đầu tư, một trong những câu hỏi luôn được đặt ra là: "Miếng bánh thị trường có đủ lớn?" hay "Thị trường có khả năng scale-up hay không?"

Quan trọng vậy nhưng không phải ai cũng biết và hiểu phương pháp đánh giá sao cho đúng. Tại hội thảo "Xác định Quy mô Thị trường – liệu rằng "miếng bánh" có đủ lớn?", nằm trong khuôn khổ sự kiện Information Day do ThinkZone tổ chức, anh Nguyễn Hiếu Linh, Head of CyberAgent Capital tại Hà Nội nêu lên góc nhìn từ quỹ đầu tư mạo hiểm.

"Chúng tôi coi quy mô thị trường là tổng doanh số của tất cả các "players" - các công ty làm trong lĩnh vực ấy có thể thu về trong một năm. Hãy nhớ đó là doanh số chứ không phải lượng giao dịch hàng hóa hay giá trị mà họ cộng thêm cho khách hàng."

Chuyên gia quỹ CyberAgent Capital chỉ ra sai lầm “chết người” của startup: Thổi phồng quy mô thị trường cả trăm lần, sợ nhất founder cá cược cả cuộc đời cho startup - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Hiếu Linh, Head of CyberAgent Capital tại Hà Nội

Anh Linh nhấn mạnh đây là một trong nhiều lỗi thường gặp của các startup.

"Mọi người thường nhầm tưởng tưởng "transaction value" (giá trị giao dịch) hay GMV (tổng số tiền hàng hóa bán được) là market size (quy mô thị trường). Đó là sai lầm chết người bởi khi ấy, thị trường sẽ được thổi phồng lên 10 đến 100 lần.

Ví dụ như các ngành thanh toán online, họ chỉ thu được khoảng 0,5% - 1% tiền phí, quy mô thị trường thực sự rất nhỏ so với những gì startup nhìn nhận ban đầu".

Thứ hai, startup không có đủ filter (bộ lọc) để đo lường market size một cách chuẩn nhất. Ví dụ đối với TopCV, thị trường tuyển dụng ở khắp Việt Nam rất lớn nhưng thực chất ta chỉ nhắm đến những người ở độ tuổi, nhóm công việc và ở tình trạng nhất định.

Sai lầm này rất khó tránh vì đôi khi chúng ta không có đủ dữ liệu để đo lường.

Chuyên gia quỹ CyberAgent Capital chỉ ra sai lầm “chết người” của startup: Thổi phồng quy mô thị trường cả trăm lần, sợ nhất founder cá cược cả cuộc đời cho startup - Ảnh 2.

Thứ ba, nhiều công ty khởi nghiệp hay "ôm" cả những thị trường ở ngoài Việt Nam vào để xác định quy mô. "Mọi người thường bảo rằng sản phẩm của mình hoàn toàn có thể đưa ra nước ngoài nhưng đối với quỹ đầu tư mạo hiểm, chúng tôi sẽ loại bỏ ngay thị trường bên ngoài Việt Nam khi bạn không hề có chút lợi thế cạnh tranh hay chưa có doanh thu nào ở đó cả."

Thêm nữa, startup thường tính cả những thị trường trong tương lai mà hiện tại chưa có đủ khả năng hiện thực hóa.

Cuối cùng nhưng cũng "chết người" không kém, chính là startup quá quan tâm đến việc tính toán quy mô thị trường mà không chứng minh được mình có khả năng chiếm lĩnh được bao nhiêu phần trong "miếng bánh" ấy.

"Yếu tố này vô cùng quan trọng bởi đôi khi, lấy được trên 50% thị phần của thị trường nhỏ cũng không bằng chiếm 10% của một thị trường lớn hơn rất nhiều lần.

Nếu cứ giả định có thể "ăn" được 10%, 20% hay 50% thị trường mà không chứng minh bằng lợi thế cạnh tranh, chất lượng đội ngũ hay đối tác thì sẽ trở thành điểm trừ rất lớn trong mắt nhà đầu tư", vị giám đốc CyberAgent Capital tại Hà Nội khẳng định.

Chuyên gia quỹ CyberAgent Capital chỉ ra sai lầm “chết người” của startup: Thổi phồng quy mô thị trường cả trăm lần, sợ nhất founder cá cược cả cuộc đời cho startup - Ảnh 3.

Là chuyên gia của quỹ đầu tư mạo hiểm do Shark Dzung quản lý, anh Hiếu Linh cũng bày tỏ nỗi lòng với những founder "máu chiến", sẵn sàng đánh đổi hết của cải cho startup.

"Nghe founder bán hết nhà cửa, gia tài và có khi là cá cược cả cuộc đời vào startup, tôi rất sợ. Nỗi sợ thứ nhất là mình không thể hỗ trợ được như họ kỳ vọng. Hai là nếu thất bại, tôi sợ phải nhìn thấy những hậu quả mà họ phải gánh chịu, mà có lẽ một phần cũng do mình gây ra khi đã thúc đẩy, truyền động lực cho họ.

Các bạn nên hiểu rằng xây dựng một công ty giống như cuộc chạy marathon chứ không phải chạy nước rút. Nếu ta đổ hết gia tài, nguồn lực vào một thời điểm, sản phẩm nào đó thì sẽ không còn tiềm lực để đón lấy cơ hội khác hoặc mở rộng kinh doanh.

Không chỉ mặt tài chính, ảnh hưởng về tâm lý sẽ rất lớn. Rất nhiều người trong gia đình phải gánh chịu hậu quả cùng nhau. Tôi rất ngại đầu tư vào những startup, founder như thế!"

T.D

Cùng chuyên mục
XEM