Chuyên gia Phạm Chi Lan: Việt Nam đã quá tự hào về vị trí nhà xuất khẩu có thứ hạng trên thế giới về số lượng, thay vì về chất lượng

21/12/2020 20:03 PM | Kinh tế vĩ mô

Vì vậy Việt Nam chủ yếu chỉ có thể xuất khẩu tới các thị trường dễ tính và không đòi hỏi cao, bà Chi Lan nhận định.

Mối lo Việt Nam bị lãng quên khỏi các thị trường khó tính

Sự quan tâm thái quá về RCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực) có thể sẽ làm cho sự hào hứng và động lực đối với EVFTA (Hiệp định thương mại tự do châu Âu – Việt Nam) và CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) cùng một số thị trường khó tính nguội lạnh, vì RCEP là một thị trường dễ tính và ít đòi hỏi hơn.

Tình trạng này sẽ dẫn đến các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ít cố gắng hơn trong việc phấn đấu đạt các chuẩn mực về hàng hóa và các yêu cầu bảo vệ môi trường từ các thị trường khó tính, thay vào đó sẽ tập trung vào các thị trường dễ dàng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định trước thềm Mekong Connect diễn ra tại Đồng Tháp.

Theo bà Lan, EVFTA , CPTPP và đặc biệt là RCEP  vừa mới ký kết đã tạo ra những cơ hội mới cho Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang chao đảo và mọi người đang xem xét, sắp xếp lại các chuỗi cung ứng, cùng với đó là việc thay đổi và củng cố các mối quan hệ và đối tác. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ có các cơ hội để lấp vào những chỗ trống của các sự thay đổi.

Đối với nông nghiệp, sự thiếu hụt của lương thực trên toàn cầu sẽ tạo ra những cơ hội nhất định cho Việt Nam, tuy nhiên thì những thách thức vẫn còn đó.

“Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không cố gắng thì các thị trường EVFTA hay CPTPP cũng sẽ quên Việt Nam. Đây sẽ là một điều mất mát vì sự thay đổi từ Việt Nam và các thị trường đã gặp nhau, tạo ra những cơ hội và sự phát triển rất lớn để vươn lên. Việt Nam đi vào những thị trường dễ tính sẽ tự kiềm hãm mình ở mức thu nhập trung bình, nếu cứ tiếp tục làm gia công và các sản phẩm giá trị gia tăng thấp. Đây là những lo lắng lớn nhất của tôi”, vị chuyên gia kinh tế phát biểu.

 Chuyên gia Phạm Chi Lan: Việt Nam đã quá tự hào về vị trí nhà xuất khẩu có thứ hạng trên thế giới về số lượng, thay vì về chất lượng - Ảnh 1.

"Việt Nam đã quá chú trọng vào sản lượng và khối lượng xuất khẩu gạo"

Theo bà Lan, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ năng lực và tầm cỡ vươn lên. Nhưng trong thời gian qua, một số nhà sản xuất nông sản đã vượt lên. Chẳng hạn các mặt hàng nông sản đã vào được thị trường châu Á đòi hỏi chất lượng qua EVFTA.

Việt Nam đã quá chú trọng vào sản lượng và khối lượng xuất khẩu gạo, và quá tự hào về vị trí là một nhà xuất khẩu có thứ hạng trên thế giới về số lượng thay vì về chất lượng và giá trị gia tăng tạo được. Vì vậy Việt Nam chủ yếu chỉ có thể xuất khẩu tới các thị trường dễ tính và không đòi hỏi cao, bà Chi Lan nhận định.

Việc gạo Việt Nam thua kém gạo Campuchia trong bước đầu có thể vì việc EVFTA chỉ mới có hiệu lực từ 1/8. Các doanh nghiệp vào được thị trường này đã tạo ra các giá trị gia tăng, chẳng hạn, gạo ST25 từ Sóc Trăng đã tạo ra một động lực rất lớn để Việt Nam vượt lên và đi vào những thị trường khó tính hơn, như theo gương của công ty gạo Trung An và Lộc Trời.

Người tiêu dùng EU có quyền và thường đòi hỏi các sản phẩm gạo có chất lượng cao hơn. Thêm vào đó, nhu cầu gạo từ các khu vực này cũng đã tăng lên do việc người tiêu dùng thay đổi cảm nhận và khẩu vị từ khoai tây và bột mỳ sang gạo.

Khả năng cung cấp các sản phẩm nhiệt đới và thủy hải sản của Việt Nam vẫn rất lớn trên thị trường thế giới. Nhu cầu cho các mặt hàng này tại các thị trường như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản sẽ còn tăng lên theo thay đổi thói quen của người tiêu dùng, chẳng hạn thiên về các sản phẩm dinh dưỡng và có nguồn gốc tự nhiên. Nếu Việt Nam vẫn cố gắng để sản xuất các sản phẩm sinh thái như vậy thì vẫn còn khả năng xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên.

Vài năm gần đây, trái vải, xoài và thanh long của Việt Nam vào các thị trường khó tính. Theo đó, các doanh nghiệp nên tiếp tục cố gắng vì các thị trường này sẽ chỉ tiếp tục mở rộng ra chứ sẽ không thu hẹp lại.

 Chuyên gia Phạm Chi Lan: Việt Nam đã quá tự hào về vị trí nhà xuất khẩu có thứ hạng trên thế giới về số lượng, thay vì về chất lượng - Ảnh 2.

Đối với thị trường Trung Quốc, thì tất nhiên dung lượng sẽ rất lớn vì họ không có các mặt hàng trái cây nhiệt đới. Tuy nhiên Việt Nam chỉ nên giữ một thị phần nhất định vì làm việc với Trung Quốc có thể tạo ra một số rủi ro mà các doanh nghiệp và hộ nông dân đã học được và trải qua trong quá khứ. Việt Nam cần phải đa dạng hóa thị trường chứ không phụ thuộc vào một đối tác nhất định.

Nếu quá lệ thuộc vào một thị trường lớn, hệ quả sẽ tiếp tục lặp lại.

"Chúng ta không muốn thấy hàng trăm xe tải xếp hàng tại biên giới vì không qua được, khiến hàng hóa hư hỏng" - Bà Chi Lan nói.

Hàng Việt cũng đừng quên thị trường nội địa. Đây là một thị trường tiềm năng rất lớn, chúng ta không nên xem là cứu cánh cho các sản phẩm không xuất khẩu được. Làm sản phẩm nông sản sạch cho khu vực nội địa còn được coi là trách nhiệm của cách doanh nghiệp trong việc thúc đẩy sự phát triển trong tương lai.

Theo Đỗ Lan

Từ khóa:  Phạm Chi Lan
Cùng chuyên mục
XEM